Đầu năm mua muối

author 07:04 05/02/2019

(VietQ.vn) - “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” – câu Tục ngữ có lẽ không người dân Việt Nam nào không biết. Từ bao đời nay, đây cũng là một trong những phong tục truyền thống về mua – bán của người Việt mỗi khi Tết đến, xuân về..

Theo đó, ngay sau khi thời khắc Giao thừa đón chào một năm mới vừa điểm, nhiều người dân Việt Nam thường có thói quen mua một ít muối về nhà lấy may mắn cho cả năm. Chẳng thế mà, đêm giao thừa, những người bán muốn tràn ngập khắp phố phường. Muối trắng được nhiều người bán cho vào những chiếc túi thơm và có giá 10.000 đồng. Theo nhiều người, mua một túi muối đầu năm thể hiện sự sung túc, giàu có hơn trong năm mới. Cũng có người cho rằng, mua muối đầu năm là mua lại sự may mắn, niềm vui và những cung bậc hạnh phúc trong năm mới. Hay cũng có người quan niệm, đầu năm mua muối thì cả năm sẽ làm ăn tấn tới, mua may bán đắt, tình cảm gia đình đầm ấm, trọn vẹn như vị đậm đà của muối.

Không dừng lại ở ý nghĩa đó, theo các chuyên gia văn hóa, muối cũng được xem là thứ có thể đem lại may mắn cho con người, tẩy bỏ đi đen đủi, xú uế của năm cũ, xua đuổi những điều không hay. Chính vì vậy, mua muối vào đầu năm cũng là để cho một năm mới trọn vẹn, may mắn, không bị ảnh hưởng bởi sự đen đủi của năm cũ.

Đầu năm mua muối
 Từ xa xưa, người Việt đã có phong tục đầu năm mua muối.

Chính vì lẽ đó mà ngày xưa, những người bán muối dạo luôn đong đầy những bát muối có ngọn chứ không chỉ gạt bằng miệng bát với hy vọng tình cảm cũng có thể đầy đặn như vậy. Ngoài ra, màu trắng của muối cũng tượng trưng cho sự trong trắng, tinh khiết. Có thể thấy, chỉ là một thứ gia vị nhỏ nhoi, không nặng tính kinh tế nhưng lại có ý nghĩa văn hóa rất lớn lao. Và chắc hẳn, nhắc đến mua muối đầu năm, cũng nhiều người thèm nghe một tiếng rao quen thuộc trong phong vị Tết xưa của những chiều mùng 1, mùng 2 Tết: Muối đây; Ai mua muối đây…

Dưới góc độ văn hóa – văn học, Nhạc sĩ, Nhà văn – Tiến sĩ Phạm Việt Long cho rằng: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” là một nét phong tục tập quán của người Việt, đặc biệt là vùng đồng bằng Bắc Bộ. Theo góc nhìn văn hóa, vai trò của muối trong đời sống, hẳn ai cũng biết, đó là thứ thực phẩm thiết yếu, nhất thiết phải có trong bữa ăn hàng ngày ở những dạng khác nhau, như món chấm trực tiếp, hòa tan và thấm vào các thực phẩm khác... Không có muối, con người không thể sống nổi.

Trong tâm thức, người Việt quan niệm rằng muối rất có giá trị, là biểu trưng cho nhiều trạng thái tinh thần của con người.

Đầu năm mua muối
 Nhà văn Phạm Việt Long.

“Chẳng hạn, muối đứng đầu về vị mặn: “Em ơi chị bảo câu này/Nhất mặn là muối nhất cay là gừng”. Muối là thứ giúp con người bảo quản thực phẩm hữu hiệu: “Cá không ăn muối cá ươn/Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư”. Muối là sự kết tinh của sức lao động: “Sém cháy thịt da, mới ra hạt muối”. Muối có tính bền vững: “Muối 3 năm muối hãy còn mặn/Gừng chín tháng gừng hãy còn cay”. “Muối để ba năm không thiu/Bình vôi để hở thì mèo không ăn", Tiến sĩ Phạm Việt Long nói.

Theo Nhà văn Phạm Việt Long, tính bền vững ấy của muối như là một tấm gương để con người noi theo, sống có thủy có chung: ‘’Muối mặn ba năm còn mặn/Gừng cay chín tháng còn cay/Dù ai xuyên tạc lá lay/Sắt son nguyện giữ lòng này thủy chung” hay “Tay nâng chén muối, đĩa gừng/Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau” hoặc “Ai ơi chua ngọt đã từng /Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau".

Không những thế, muối lại rất đẹp, cái đẹp tinh khiết, nhưng cái đẹp ấy có được là nhờ con người phải lao động cực nhọc: “Trời xanh muối trắng cát vàng/Thứ gì cũng đẹp riêng nàng lầm than”.

“Từ việc hiểu biết sâu sắc giá trị của muối, con người quý trọng muối. Bởi vậy, mới có tục mua muối đầu năm, cũng là mong muốn đem đến cho cả năm cái đẹp, cái thủy chung, mặn mà tình nghĩa”, Nhà văn Phạm Việt Long nhấn mạnh.

Trái ngược với tục mua muối, người dân thường mua vôi dịp cuối năm. Mua vôi là để xây nhà, ăn trầu và dùng để rải 4 góc nhà đuổi tà ma. Người ta thường tránh mua vôi đầu năm vì quan niệm vôi trắng tượng trưng cho sự bạc bẽo - "bạc như vôi". Do vậy, người dân tránh mua vôi dịp đầu năm nhằm tránh gặp phải những điều xui xẻo, quan hệ gia đình và công việc không thuận hòa, suôn sẻ.

Người Việt cũng thường mua vôi cuối năm là để quét lại nhà cửa cho thật sạch sẽ để chuẩn bị đón chào một năm mới. Vôi dùng quét nhà cũng được coi là để xóa đi những điều không may mắn trong năm cũ, thể hiện một sự khởi đầu mới, sửa chữa, khắc phục những sai lầm, thất bại đã trải qua trong năm cũ.                                                                              

Hiệp Lê

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang