Đâu rồi, công nghiệp hỗ trợ?

author 06:58 07/07/2013

Những con số về giá trị xuất khẩu một số sản phẩm của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhất là các sản phẩm công nghệ cao trong thời gian gần đây là tín hiệu đáng mừng đối với nền kinh tế. Song niềm vui chưa trọn, bởi doanh nghiệp FDI xuất khẩu nhiều, nhưng nhập khẩu cũng lớn.

Chỉ đơn cử một ví dụ, Samsung Electronics Vietnam (SEV), năm ngoái xuất khẩu 12,6 tỷ USD, nhưng cũng nhập khẩu hơn 11,8 tỷ USD. Loại trừ phần nhập khẩu cho đầu tư, thì giá trị gia tăng của SEV trong năm ngoái là 1,159 tỷ USD. Trong 5 tháng đầu năm nay, con số này là khoảng 1,374 tỷ USD. Xét về giá trị tuyệt đối, có thể khẳng định, không một doanh nghiệp nào có được giá trị gia tăng lớn như vậy. Nhưng xét về giá trị tương đối, tỷ lệ giá trị gia tăng khoảng 10-15% là điều đáng suy ngẫm. Công bằng mà nói, SEV đã có một nỗ lực lớn trong thu hút nhà đầu tư vệ tinh vào Việt Nam, với 54 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký khoảng 2 tỷ USD cho đến thời điểm này. Điều này đã làm cho tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng của SEV không ngừng tăng dần lên trong các năm qua và sẽ tiếp tục tăng, khi doanh nghiệp vệ tinh hoạt động ổn định.

Doanh nghiệp FDI xuất khẩu nhiều, nhưng nhập khẩu cũng lớn
Doanh nghiệp FDI xuất khẩu nhiều, nhưng nhập khẩu cũng lớn


Nhưng một cách thẳng thắn, thì nỗ lực của riêng một doanh nghiệp là không đủ. Về nguyên tắc, bất cứ nhà đầu tư nào cũng muốn có nguyên vật liệu tại chỗ, vì như vậy vừa chủ động lại vừa tiết kiệm được chi phí. Nhưng không chỉ Samsung, mà cả Nokia, Intel, Canon, Panasonic - những doanh nghiệp FDI xuất khẩu hàng đầu Việt Nam đã rất nhiều lần lên tiếng về việc không thể tìm kiếm được các nhà cung cấp đáp ứng được nhu cầu về nguyên phụ liệu cho họ.

Cũng không dưới một lần, các doanh nghiệp Nhật Bản khi muốn đầu tư vào Việt Nam than thở về sự thiếu hụt của công nghiệp hỗ trợ và đây là rào cản lớn khiến họ phân vân trong các quyết định đầu tư.

Đã có nhiều ý kiến đòi hỏi các doanh nghiệp FDI phải nâng cao giá trị gia tăng, thực hiện các cam kết về nội địa hóa. Điều đó là không sai, bởi có giá trị gia tăng, Việt Nam mới có được giá trị thực cho nền kinh tế. Các nhà đầu tư khi vào Việt Nam phải có nghĩa vụ và trách nhiệm thực hiện điều đó. Nhưng một khi công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa phát triển, những đòi hỏi đó trở thành bất khả thi. Lời cảnh báo này cũng không phải là mới. Nhìn vào công nghiệp ô tô Việt Nam, hàng chục năm qua vẫn loay hoay với bài toán nội địa hóa, cũng đủ thấy cơ cấu nền kinh tế Việt Nam chưa thay đổi được bao nhiêu. Công nghiệp hỗ trợ đã được nói đến rất nhiều nhưng vẫn chưa phát triển.

Quay trở lại với ví dụ Samsung. Nếu doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu của họ, có thêm 10% giá trị gia tăng từ tổng kim ngạch xuất khẩu của họ, Việt Nam đã có thêm một nguồn ngoại tệ lớn. Con số sẽ được nhân lên, khi Nokia, Canon, Panasonic… và hàng ngàn doanh nghiệp FDI khác đều có thể sử dụng nguyên liệu trong nước cho sản xuất - kinh doanh. Và khi ấy, những con số về kim ngạch xuất khẩu mới thể hiện đầy đủ ý nghĩa và giá trị của nó.

Đâu rồi, công nghiệp hỗ trợ? Đó vẫn là một câu hỏi tiếp tục đặt ra đối với các cơ quan chức năng.

Theo baodautu.vn

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang