Đấu thầu thuốc: Rối rắm và tiêu cực

author 06:07 09/07/2013

Đã gần 1 năm kể từ khi Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC về hướng dẫn đấu thầu mua thuốc của các cơ sở y tế và Thông tư 11/2012/TT-BYT hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu mua thuốc có hiệu lực, nhưng thực tế đấu thầu thuốc tại các bệnh viện đến nay vẫn chưa hết rối rắm.

 

Theo đánh giá của Bộ Y tế mới đây cho thấy, việc đấu thầu thuốc tại các bệnh viện công lập theo Thông tư 01 /2012/TTLT-BYT- BTC và Thông tư 11/2012/TT-BYT từ đầu năm 2013 đến nay, không chỉ giá cả đã “mềm” hơn mà đồng thời đã tiết kiệm được đáng kể chi phí tiền thuốc cho các cơ sở y tế so với năm trước. Chẳng hạn như: Sở Y tế Quảng Ngãi giảm khoảng 28 tỉ đồng (24%); Sở Y tế Quảng Ninh giảm được khoảng 40 tỉ đồng (xấp xỉ 20%); Sở Y tế Hà Tĩnh tiết kiệm được 32 tỉ đồng (25%).

Mục tiêu của Thông tư 01 và Thông tư 11 là giúp việc đấu thầu thuốc vào các bệnh viện có nề nếp nhưng quan trọng hơn là đưa giá thuốc về mức hợp lý, tránh chênh lệch giữa các cơ sở y tế. Do đó, hầu hết các cơ sở y tế đều chọn trúng thầu với thuốc giá rẻ.

Tuy nhiên, chia sẻ với DĐĐN mới đây, một chuyên gia dược học lại có quan ngại rằng, theo quy chế đấu thầu mới, mỗi nhóm thuốc chỉ được xét trúng thầu một mặt hàng đạt yêu cầu kỹ thuật, chất lượng quy định và có giá thấp nhất trong nhóm đó.

Cụ thể, trong quá trình chấm thầu, những mặt hàng đạt 70 điểm trở lên sẽ được vào vòng trong đấu giá, thuốc nào có giá thấp nhất sẽ trúng thầu. Như vậy, nếu các Cty đạt thang điểm từ 70 - 100 điểm đều nằm trong diện được chấm thầu như nhau thì sẽ khiến các Cty dược có đầu tư công nghệ, kỹ thuật cao cũng giống như những Cty có kỹ thuật sản xuất đơn giản và dĩ nhiên theo quy định này thì cao thấp đều cào bằng. Đó là chưa kể tới việc với tiêu chí đấu thầu giá thấp nhất như hiện nay rất nhiều thuốc Trung Quốc sẽ có khả năng trúng thầu vì giá rất rẻ- vị chuyên gia dược học này lo ngại.

Theo nhìn nhận từ phía DN, ông Đào Xuân Dinh -  Tổng giám đốc Cty CP Tập đoàn Merap cho rằng, do tiêu chuẩn GMP WHO không quy định nguồn nguyên liệu đầu vào nên cùng một loại thuốc, nếu nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ thì giá rẻ hơn nhiều so với nguyên liệu nhập từ Châu Âu. Do vậy, theo ông Dinh chúng ta không thể đánh đồng chất lượng thuốc của Châu Á sản xuất với Châu Âu và cũng không thể nhìn vào hoạt chất, thành phần, dạng bào chế, công nghệ... để cho rằng chất lượng các loại thuốc như nhau. Điều lo ngại nhất là nếu tình trạng này kéo dài, các Cty sản xuất dược trong nước sẽ không chú trọng đầu tư chiều sâu mà chỉ sản xuất ra những sản phẩm tiêu thụ được. Như vậy, hệ lụy cho ngành công nghiệp dược VN là sẽ chậm phát triển, người bệnh bị thiệt thòi và ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.

Mai Thanh/DDDN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang