Đầu tư 3 ngân hàng Việt này, ngậm ngùi không được đồng tiền mặt, giá cổ phiếu lại đi xuống

author 19:32 17/04/2019

(VietQ.vn) - Mùa ĐHCĐ năm nay, trong khi nhiều ngân hàng hào phóng chia cổ tức bằng tiền mặt thì một số ngân hàng lại không chia cho cổ đông đồng nào.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 vừa được tổ chức, lãnh đạo ngân hàng Techcombank cho biết sẽ giữ lại khoản 10.286 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối để phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Lý giải việc không chia cổ tức, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank cho biết, ngân hàng này muốn giữ lại lợi nhuận để củng cố vốn chủ sở hữu, đảm bảo các yêu cầu về vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) như Basel II và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đây là năm thứ 8 liên tiếp, cổ đông của Techcombank không nhận được cổ tức vì những mục tiêu kinh doanh của ngân hàng.

Một ngân hàng khác cũng quyết định không chia cổ tức là VPBank, do đó khoản lợi nhuận 3.431 tỷ đồng sẽ được để dành để tăng vốn.

dau-tu-3-ngan-hang-viet-nay-ngam-ngui-khong-duoc-dong-tien-mat-gia-co-phieu-lai-di-xuong

 Nhiều nhà đầu tư vào các ngân hàng ngậm ngùi không nhận được tiền cổ tức năm 2018. Ảnh minh họa

Ngày 12/4 vừa qua, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, KienlongBank cũng thông qua phương án không chia cổ tức năm 2018 và giữ lại toàn bộ lợi nhuận hiện có để bổ sung vốn kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, theo quy định của NHNN và đáp ứng nhu cầu phát triển từ nay đến năm 2020 của ngân hàng.

Tại tờ trình phương án phân phối lợi nhuận năm 2018, TPBank cũng quyết định không chia cổ tức và dùng 1.500 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối để mở rộng hoạt động kinh doanh năm 2019. Như vậy, các nhà đầu tư hoặc là kiên trì theo chiến lược của ngân hàng, hoặc là bán cổ phiếu đi để “chốt” lời, đầu tư bên khác.

Tuy nhiên, bên cạnh việc không được nhận đồng tiền mặt cổ tức nào, cổ đông của các ngân hàng này còn phải ngậm ngùi chứng kiến trong vòng 1 năm qua, giá cổ phiếu giảm mạnh.

Đơn cử, TPBank thời điểm lên sàn tháng 4/2018, giá cổ phiếu đạt mốc 35 nghìn đồng/cp, nay đã giảm mạnh xuống chỉ còn hơn 22 nghìn đồng/cp. Thậm chí có thời điểm, cổ phiếu TPB còn rơi về vùng giá 19 nghìn đồng/cp.

Còn tại KienlongBank, các nhà đầu tư hầu như cũng không “lãi lờ” gì nhiều khi cổ phiếu KLP của ngân hàng này chỉ lên xuống trong khoảng giá 7 nghìn đồng đến 10 nghìn đồng/cp.

Nếu như năm 2017 giá cổ phiếu KLP ở vùng giá 14 nghìn đồng/cp thì trong năm 2018, cổ phiếu này giảm về mốc 9 nghìn đồng/cp, và đến nay đứng ở mốc 10,6 nghìn đồng/cp.

Cũng tương tự như vậy là Techcombank, cổ phiếu TCB của ngân hàng liên tiếp giảm từ mức giá 27.150 đồng/cp xuống 24.550 đồng/cp.

Theo lý giải từ các ngân hàng, việc không chia cổ tức là “để dành”, ngân hàng phải tăng trích dự phòng rủi ro để đảm bảo an toàn trong hoạt động. Sau đó, tình hình kinh doanh khởi sắc và nợ xấu được xử lý thì ngân hàng sẽ được hoàn nhập dự phòng. Lợi nhuận tăng, cổ tức của cổ đông được chia nhiều hơn, cổ tức là “của để dành”.

Xét một cách khách quan, vẫn có nhiều cổ đông có xu hướng lựa chọn việc không chia cổ tức. Bởi như vậy, phía ngân hàng sẽ tận dụng được thêm nguồn lực để tăng khả năng phát triển. Khi ngân hàng lớn mạnh, thì giá trị đầu tư của các cổ đông cũng được gia tăng.

Chuyên gia giải đáp về Giải thưởng Chất lượng Quốc gia nâng giá trị cốt lõi cho DN(VietQ.vn) - Vào lúc 9h30 hôm nay 17/4, Chất lượng Việt Nam online (VietQ.vn) tổ chức chương trình tọa đàm: “Giải thưởng Chất lượng Quốc gia – mô hình nâng cao giá trị cốt lõi cho doanh nghiệp Việt".

Tuy vậy, đối với số cổ đông còn lại, việc nắm giữ cổ phiếu dài hạn vừa không được nhận cổ tức, vừa phải ngậm ngùi nhìn thị giá cổ phiếu giảm mạnh, đồng nghĩa với việc nhìn tài sản của mình "đội nón ra đi”, rất dễ tạo ra tâm lý muốn rút vốn để đầu tư vào kênh khác hiệu quả hơn.

Thu Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang