Đầu tư cho chất lượng có tốn kém?

author 15:57 18/07/2012

(VietQ.vn) - Đầu tư đúng cho chất lượng sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và thông quan đó nâng cao khả năng sinh lời của doanh nghiệp.

 

Hỏi: Có ý kiến cho rằng, đầu tư cho chất lượng làm tốn kém và giảm lợi nhuận của công ty. Xin quý báo cho biết có đúng như vậy không?

Nguyễn Hải Tùng ( 213/2/12 Phường 8, Q.10, TP HCM)

Đáp: Anh đã rất đúng khi nói “đầu tư cho chất lượng”, bởi thực sự việc thực hiện các chương trình nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động quản lý chất lượng (như ISO 9000, TQM, Lean, 6 Sigma, Kaizen, 5S hay một số công cụ cải tiến khác) là những dự án “đầu tư”. Cũng như các lĩnh vực quản lý khác, “Đầu tư” để nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý (như tài chính - kế toán, nhân sự, quan hệ khách hàng, logistics…) là điều mà lãnh đạo doanh nghiệp và các nhân viên quản lý luôn mong muốn và trăn trở để thực hiện.

Khi đã là “dự án đầu tư” thì việc triển khai các chương trình quản lý/cải tiến chất lượng cũng rơi vào quy luật chung của các dự án đầu tư, đó là có dự án đầu tư hiệu quả và có dự án đầu tư không hiệu quả (mất cả vốn lẫn lãi). Nói một cách rõ ràng hơn, các dự án đầu tư “đúng” (về mục đích, đối tượng, thời gian, phương pháp…) sẽ mang lại hiệu quả và ngược lại, các dự án đầu tư không “đúng” sẽ không mang lại hiệu quả. Thông thường các chương trình quản lý, cải tiến chất lượng thường hướng đến các mục đích như nâng cao chất lượng sản phẩm/dịch vụ/hoạt động, giảm sai lỗi và lãng phí, nâng cao thỏa mãn của khách hàng.

Như vậy, có thể nói “đầu tư đúng cho chất lượng” sẽ nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh và thông qua đó, nâng cao khả năng sinh lời của doanh nghiệp.

Để đầu tư cho chất lượng là “đúng” thì người làm quản lý chất lượng phải có đủ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để có thể sử dụng những công cụ quản lý dự án, quản lý chung và quản lý/cải tiến chất lượng thích hợp cho từng giai đoạn của dự án (ví dụ như ROI, Break even, Payback, change management, value mapping, quality costs, Kano’s quality model, FMEA, SPC và các công cụ cải tiến chất lượng khác). Nếu anh quan tâm đến nội dung này thì có thể phải trao đổi riêng một cách chi tiết hơn.

Ngoài ra, trong mọi trường hợp, việc quản lý chất lượng của doanh nghiệp cần thực hiện tuân thủ 8 nguyên tắc trong quản lý chất lượng (định hướng vào khách hàng, sự lãnh đạo, sự tham gia của mọi người, tiếp cận quá trình, tiếp cận hệ thống, cải tiến liên tục, quyết định trên sự kiện và quan hệ đôi bên cùng có lợi với nhà cung cấp). Trong đó đặc biệt tránh các trường hợp doanh nghiệp triển khai quản lý chất lượng theo phong trào hoặc theo yêu cầu của bên ngoài mà không phải xuất phát từ nhu cầu nội bộ về tăng cường năng lực quản lý chất lượng của tổ chức.

Tóm lại, theo chúng tôi, doanh nghiệp luôn luôn có thể có được cơ hội “đầu tư vào chất lượng” một cách hiệu quả để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tăng cường khả năng tạo lợi nhuận.

Hy vọng các thông tin trên làm rõ phần nào cho câu hỏi của anh.

(Chuyên mục được thực hiện với sự phối hợp, giúp đỡ của Công ty P&Q Solutions
Địa chỉ: P902 tòa nhà 45 Nguyễn Sơn, Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội
Tel: (84-4) 7930696 - Fax: (84-4) 7930695)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang