Đầu tư phát triển KH-CN cho DN: Chính sách vẫn nằm trên bàn giấy?!

author 12:03 21/10/2014

(VietQ.vn) - Hoạt động nghiên cứu triển khai và đổi mới công nghệ là một hoạt động có tính rủi ro cao, với chi phí đầu tư ban đầu lớn, trong khi khả năng tiếp cận vốn của DN cho lĩnh vực này lại đang bị hạn chế…

Liên quan tới câu chuyện chi phí đầu tư đổi mới, phát triển công nghệ tại DN, PV Chất lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhỏ và Vừa, nhằm làm rõ hơn vấn đề này.

Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV

Đầu năm 2014, chúng ta nhận định kinh tế có nhiều dấu hiệu khởi sắc song tới nay, dường như những khó khăn đối với doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều phía trước, ông có nhận định như thế nào về tình hình hiện nay?

Từ đầu năm đúng là đã xuất hiện những dấu hiệu tốt do nền kinh tế đang có những chuyển biến tích cực, một số DN đã trở lại thị trường phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó phục hồi, ổn định lại kinh tế, cùng với nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Chính phủ đã tạo điều kiện cho DN phát triển, phát huy tốt hơn.

Tuy nhiên, phải thành thật mà nói sự phát triển này vẫn chưa vững chắc, còn có những rủi ro.

Trước tiên phải kể đến những vướng mắc, khó khăn trong việc tiếp cận và hấp thu vốn của nền kinh tế. Hiện vẫn còn tình trạng DN thiếu vốn nhưng không vay được vốn và ngược lại, ngân hàng “thừa” tiền nhưng không dám cho vay.

Tiếp theo là hàng loạt yếu tố về tay nghề, chất lượng nguồn lực, công nghệ, hiểu biết quản trị kinh doanh của DN còn rất hạn chế đã cản trở những phát huy, phát triển bền vững của DN. Chính vì thế, nếu không có các giải pháp đột phá thì khó khăn  rất có thể còn kéo dài hơn, tình hình hoạt động SXKD của DN cũng sẽ chưa khởi sắc.

Trên thực tế đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ DN phát triển sản xuất nhưng hiệu quả đem lại không nhiều. Vậy theo ông đâu là nguyên nhân?

Nguyên nhân hầu hết là do việc tổ chức thực hiện chưa đến nơi đến chốn, bởi có những chính sách đưa ra thì rất sớm, có cái rất sát nhưng không đủ điều kiện thực hiện. Chưa kể, còn có tình trạng những người nhận thức thực hiện, người quản lý tạo điều kiện thực hiện không đủ tầm hoặc không sát cho nên những định hướng, nghị quyết, giải pháp tập trung thường chỉ được bàn ở hội nghị, trên văn bản chứ chưa đi vào cuộc sống.

Thực trạng trên là do lỗi ở khâu điều hành, quản lý, phục vụ và tạo điều kiện của các cơ quan nhà nước nhưng cũng có một phần là do sự hiểu biết, nhận thức, sự tự giác thực hiện của các DN chưa mạnh mẽ, triệt để kể cả xét về nhận thực chính sách cũng như triển khai chính sách tạo điều kiện để chính sách đi vào cuộc sống vẫn còn nhiều hạn chế. Để khắc phục điều này, cần hành động của mỗi DN, mỗi tổ chức cá nhân cần có sự phối kết hợp nhịp nhàng hơn nữa.

Để phát triển sản xuất một cách bền vững, đầu tư vào khoa học công nghệ  là yếu tố tiên quyết. Ông nhận định về số vốn mà DN chi phát triển khoa học công nghệ hiện nay ra sao, đã đủ tầm chưa?

Những năm gần đây chứng tỏ các DN ngày càng bỏ ra nhiều chi phí cho các hoạt động nghiên cứu triển khai và đổi mới. Đây dường như là một yếu cầu bắt buộc đối với các DN nếu muốn tiếp tục  phát triển trong bối cảnh hiện nay.

Điều này được thể hiện trong  phân bổ nguồn vốn cho các hoạt động nghiên cứu. Nếu như từ  năm 2007 về trước, đa phần nguồn vốn này của DN được dùng để trang trải cho các hoạt động nghiên cứu triển khai chiếm gần 58%, trong khi chỉ dành 30% cho việc đổi mới công nghệ thì những năm gần đây, xu hướng này lại ngược lại.

Tuy nhiên đa phần nguồn vốn bỏ ra để chi cho các hoạt động nghiên cứu triển khai và đổi mới công nghê, đều do DN tự bỏ ra. Ngoài  ra, các DN cũng có thể huy động các nguồn vốn từ nước ngoài để đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và đổi mới công nghệ. Tuy nhiên khả năng huy động nguồn vốn này là rất hạn chế

Trong khi đó, tỷ lệ nguồn vốn huy động từ ngân sách nhà nước để chi cho nghiên cứu đổi mới công nghệ chiếm tỷ  lệ và đang có xu hướng giảm xuống.  Cụ thể, vốn từ ngân sách nhà nước chi cho nghiên cứu ở các DN nhà nước đạt tỷ lệ khá cao trong 2 năm 2007-2008, trên 15%, sau đó giảm xuống còn khoảng 6% trong năm 2009-2010.

Thực tế cho thấy, không phải lúc nào bỏ vốn đầu tư cho khoa học công nghệ cũng đem lại lợi nhuận ngay lập tức, trong khi DN vẫn phải căng mình đối phó với những khó khăn bên ngoài. Vậy có phương án nào giải quyết được cả 2 nhu cầu trên của DN?

Hoạt động nghiên cứu triển khai và đổi mới công nghệ là một hoạt động  có tính rủi ro cao, với chi phí đầu tư ban đầu lớn, tuy nhiên nếu thành công sẽ mang lại những sự tăng trưởng nhanh và bền vững.

Đối với những dự án phát triển công nghệ, khả năng tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng của DN là rất hạn chế. Chính vì thế, để khuyến khích các DN mạnh dạn đầu tư thực hiện các hoạt động nghiên cứu triển khai, Việt Nam cần phát triển các chính sách  khuyến khích và hỗ trợ DN thông qua các quỹ thách thức, quỹ đầu tư mạo hiểm và phát triển thị trường công nghệ…

Xin cám ơn ông!

Hạ Lan (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang