Đầu tư phát triển KHCN: Vì sao doanh nghiệp chưa mặn mà?

author 07:56 07/01/2014

Khoa học công nghệ (KHCN) có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều doanh nghiệp ở nước ta thực sự quan tâm, chú trọng tới việc đầu tư phát triển KHCN nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng

Trong những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào phát triển KHCN như đặt hàng cho DN nghiên cứu các đề tài khoa học để tạo ra những sản phẩm thiết thực cho đời sống xã hội, hỗ trợ nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao... Bên cạnh đó cũng có không ít quy định cứng trong các văn bản pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho DN đầu tư cho KHCN. Đơn cử như tại khoản 1 Điều 17 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi, bổ sung năm 2013), DN được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển KHCN của DN.

Thực tế cũng chỉ ra rằng, một số DN đã thành công từ việc coi trọng đầu tư cho nghiên cứu, phát triển KHCN. Điển hình như Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) năm 2010 đã thành lập Viện nghiên cứu riêng, trích 10% lợi nhuận trước thuế cho Quỹ Phát triển KHCN, tương đương với 2.500 tỷ đồng. Với mức đầu tư như vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, các sản phẩm quan trọng bậc nhất phục vụ cho ngành công nghệ thông tin và viễn thông mà viện nghiên cứu của Viettel làm ra đã đáp ứng được nhu cầu phát triển DN và giá chỉ bằng 1/3 so với giá thị trường.



Song, số doanh nghiêp chú trọng đầu tư cho KHCN hiện tại không nhiều. Mặc dù đã xác định năng suất, chất lượng là chìa khóa của hội nhập nhưng thực tế việc đổi mới công nghệ của các DN còn diễn ra chậm chạp. Theo báo cáo của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH-CN, hiện Việt Nam đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoảng 0,7% GDP (tương đương khoảng 700 triệu USD), trong đó từ Chính phủ chiếm 70%. Thực tế đó đang đặt ra câu hỏi, có thể thực hiện được mục tiêu đến năm 2020 đầu tư cho KHCN chiếm 2% GDP quốc gia, trong đó 3/4 là đầu tư từ hệ thống DN hay không?

Báo cáo này cũng chỉ rõ, tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ của các DN hiện chỉ đạt dưới 0,05% doanh thu. Khoảng 300 ngàn DN tại Việt Nam thì có đến 98% DN vừa và nhỏ. Song phần lớn sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 đến 3 thế hệ. Khoảng 80 - 90% máy móc và công nghệ sử dụng trong các DN của Việt Nam là nhập khẩu và 76% từ thập niên 1980 - 1990; 75% máy móc và trang thiết bị đã hết khấu hao.

Khảo sát của cơ quan chức năng ở 900 DN đang sản xuất đang hoạt động trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng cho thấy, tỷ lệ máy móc, thiết bị chính đang sử dụng có trình độ công nghệ trung bình và lạc hậu chiếm tới gần 90%. Trong các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp các máy móc, thiết bị sản xuất hầu như rất ít được thay mới. Theo đánh giá của các chuyên gia, trình độ công nghệ dệt - sợi của DN thành phố mới chỉ đạt ở mức trung bình khá của thế giới. Công nghệ giấy, may, nhựa, sữa chỉ đạt mức trung bình. Còn công nghệ chế biến lương thực, thực phẩm và công nghệ cơ khí - chế tạo nằm ở mức thấp kém, lạc hậu so với thế giới. Đây cũng chính là căn nguyên khiến nhiều sản phẩm làm ra thiếu sức cạnh tranh cả về giá cả lẫn chất lượng.

Công nghệ, thiết bị lạc hậu là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến việc lãng phí năng lượng, khiến DN phải tăng chi phí đầu tư. Theo Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP Hồ Chí Minh Huỳnh Kim Tước, do công nghệ lạc hậu và trình độ tổ chức sản xuất mà mức lãng phí của Việt Nam cao từ 1,5 - 6 lần so với thế giới. Hơn nữa, việc không áp dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất và quản lý khiến cho sức cạnh tranh của DN bị giảm sút. Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2012-2013 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho thấy, mức độ hấp thụ công nghệ của nước ta đứng vị trí rất thấp (98/133).

Đi tìm nguyên nhân

Mặc dù Luật KHCN 2013 đã quy định, “DN phải dành kinh phí đầu tư nhằm đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa”. Thế nhưng, những quy định này tác động chưa nhiều tới DN do DN chưa nắm được đầy đủ thông tin. Thêm nữa, hầu hết các DN vẫn ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ với doanh thu chỉ vài tỷ đồng/năm chưa có đủ điều kiện để đầu tư cho KHCN. Với lợi nhuận trước thuế khoảng 15% mà quy định chỉ trích 10% lợi nhuận trước thuế cho KHCN thì mỗi DN cũng chỉ dành ra được khoảng 20-30 triệu đồng. Số tiền này không đủ để DN có thể đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm mới chất lượng cao, có sức cạnh tranh. Đây là nguyên nhân khiến việc huy động các nguồn lực từ khối kinh tế tư nhân vào phát triển KHCN còn rất hạn chế.

Thực tế cho thấy, DN trích lập Quỹ Phát triển KHCN rất ít khi sử dụng hoặc không dám sử dụng nguồn quỹ này vì gặp nhiều vướng mắc. Theo thống kê của Sở KHCN TP Hồ Chí Minh, đến ngày 31.7.2013, trong 137 ngàn đơn vị mới có 49 DN đã báo cáo thành lập quỹ phát triển KHCN. Trong đó, số đơn vị chưa trích lập quỹ là 23 DN.

Một số DN cho biết, việc sử dụng quỹ này giống như ngân sách nhà nước với thủ tục kiểm soát chi chặt chẽ, rất khó chủ động khi sử dụng quỹ. Thông tư 15/2011/TT-BTC về việc hướng dẫn thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ phát triển KHCN của DN quy định, trong thời hạn 5 năm, kể từ năm kế tiếp năm trích lập, nếu không sử dụng hết 70%, DN phải quay trở lại đóng thuế cho khoản kinh phí đã trích lập. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều DN còn ngại ngần trong việc trích lập Quỹ Phát triển KHCN.

Điều đáng nói là những điều khoản mang tính bắt buộc phải trích lập quỹ phát triển KHCN không áp dụng cho mọi DN mà chỉ có “DN nhà nước phải trích một tỷ lệ tối thiểu thu nhập tính thuế thu nhập DN để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của DN” theo khoản 2 Điều 63 Luật KHCN 2013. Song để bảo đảm cho hoạt động này được thực hiện có hiệu quả, pháp luật cần đưa ra chế tài đủ mạnh để DN buộc phải trích lập quỹ đầu tư cho KHCN.

Đối với những DN quá nhỏ, có thể đóng góp cho Quỹ phát triển KHCN của địa phương để quỹ này có được một nguồn đủ lớn cho phép tái đầu tư theo tứ tự ưu tiên, làm sao mỗi năm sẽ có một số DN được hỗ trợ để đổi mới công nghệ. Dự thảo Nghị định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KHCN đang được trình Chính phủ phê duyệt cũng có các điều khoản bảo đảm việc thành lập và duy trì các quỹ phát triển KHCN ở địa phương.

Theo ĐBND

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang