Đầu tư phát triển Khoa học công nghệ địa phương như thế nào?

author 08:05 16/12/2013

(VietQ.vn) - Xung quanh câu chuyện đầu tư cho các địa phương phát triển KHCN chúng tôi có cuộc trao đổi với TS Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng vụ Phát triển KHCN, địa phương, Bộ KHCN.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

- Thưa TS, ngân sách KHCN cấp cho các địa phương hiện nay có gì bất cập?

- Trong số 2% tổng chi ngân sách cho KHCN có dưới 40% cho đầu tư phát triển, hơn 40% cho sự nghiệp, 6% cho dự phòng và công tác khác...Trong kinh phí cho đầu tư phát triển thì chi cho Trung ương và địa phương là 50 – 50. Còn nguồn chi cho sự nghiệp thì địa phương được khoảng 25 – 35%.

Tuy nhiên, ai quy định tỷ lệ này? Rõ ràng Bộ KHCN không quy định. Bộ Kế hoạch Đầu tư và Tài chính cũng vậy. Vì thế có nhiều địa phương sử dụng và quản lý nguồn vốn này chưa đúng mục đích.

- Vậy hướng đổi mới của chúng ta là gì?

- Luật KHCN sửa đổi sẽ quy định Bộ KHCN đề xuất “phần cứng” ngân sách cấp cho địa phương là bao nhiêu. Trên cơ sở các địa phương đề xuất dự toán năm, Bộ KHCN sẽ căn cứ vào năng lực giải ngân và các điều kiện khác để làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư...để quyết định, đảm bảo cân đối, hài hòa các nguồn lực.

- Ở các hội chợ Techmart, người ta thấy các địa phương đã “trình làng” nhiều sản phẩm có giá trị, ví dụ như hoa hồi Lạng Sơn, thanh long ruột đỏ ở miền Nam...Đó chính là những lợi thế cạnh tranh của các địa phương. Nhưng dường như họ chưa tận dụng được các nguồn lợi đó. Chúng ta có cách nào để phát triển các sản phẩm thế mạnh của địa phương?

- Về nguyên tắc, Luật Ngân sách không cho phép Bộ KHCN dùng ngân sách Trung ương để hỗ trợ địa phương. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã có nhiều chương trình để hỗ trợ các sản phẩm của địa phương như các hội chợ Techmart, Chương trình 68, Chương trình Nâng cao Năng suất, Đổi mới Sáng tạo... Chiến lược KHCN cũng xác định, các địa phương tập trung các sản phẩm chủ lực, nâng cao chất lượng sản phẩm địa phương. Như vậy là về chủ trương và cơ chế, chúng ta đều có.

Tuy nhiên, nhiều địa phương còn thiếu kinh nghiệm về quảng bá các sản phẩm cũng như phát triển thị trường, quy mô sản xuất còn nhỏ, vốn chưa nhiều...nên gặp khó khăn nếu muốn mở rộng sản xuất.

- Sắp tới, chúng ta sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương phát triển KHCN như nào?

- Về nhân lực, khuyến khích các nhà khoa học giỏi ở Trung ương về địa phương để giải quyết các vấn đề đặt ra, thông qua các Chương trình như Chương trình Nông thôn miền núi, 10 chương trình quốc gia...

Bên cạnh đó, chính các địa phương cũng phải nhạy cảm, xác định vấn đề khoa học của mình là gì, lấy đổi mới sản phẩm doanh nghiệp là trọng tâm...Từ đó bố trí các nguồn vốn hoặc kêu gọi xã hội hóa...

Xin cảm ơn TS !

Hoàng Tuân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang