Đầu tư Trung Quốc: Người Pháp “vừa mừng, vừa lo”

author 07:25 31/10/2013

(VietQ.vn) - Đầu tư Trung Quốc vào Pháp tăng mạnh trong 10 năm gần đây, khiến cho nhiều ngành nghề ở nước này “vừa mừng, vừa lo”.

131031_dongfeng

Vào đầu tháng 10, nhiều tờ báo kinh tế tiết lộ tin tập đoàn sản xuất xe hơi Trung Quốc Đông Phong chuẩn bị thâu tóm 30% vốn của đối tác Pháp là PSA Peugeot Citroën. Theo RFI, PSA đang phải đối diện với khủng hoảng trong ngành công nghiệp xe hơi và cần tăng vốn thêm 3 tỷ euro. Năm ngoái PSA thua lỗ đến 5 tỷ euro. Nhìn từ phía Pháp, Đông Phong (với hơn 7 tỷ euro doanh thu một năm) là một đối tác lý tưởng. Với chìa khóa kỹ thuật trong tay, Peugeot trông cậy vào đối tác tài chính vững mạnh như Đông Phong để cùng nhau chinh phục thị trường xe hơi thế giới.

Về phần mình, Đông Phong chỉ cần chi ra 1,2 tỷ euro là rút ngắn được thời gian chuyển giao công nghệ, đồng thời sự hợp tác này sẽ mở ra cánh cửa của thị trường xe hơi châu Âu cho Trung Quốc. Liên kết với PSA còn là con đường ngắn nhất để hãng sản xuất xe lớn thứ nhì tại Trung Quốc trở thành một nhà sản xuất có tầm cỡ quốc tế, khi biết rằng, Peugeot Citroën hiện là tập đoàn xe hơi xếp thứ nhì châu Âu.

Đông Phong được thành lập từ những năm 1960, có trụ sở ở Vũ Hán. Trong nhiều thập niên, tập đoàn này chỉ sản xuất xe vận tải chủ yếu đẻ phục vụ cho quân đội trước khi chuyển sang lĩnh vực xe ô tô cá nhân. Một trong những chi nhánh của Đông Phông là SAIC năm ngoái đã cho ra lò hơn 3 triệu chiếc xe hơi trong khuôn khổ hợp tác liên doanh với nhiều đối tác quốc tế như Nissan, Honda (Nhật), Peugeot Citroën PSA (Pháp) hay Kia (Hàn Quốc).

Cuộc hôn nhân giữa hai đối tác đã làm việc với nhau trong hơn 20 năm trời tưởng chừng quá đẹp nhưng thật ra cả phía Peugeot Citroën lẫn Đông Phong đều tỏ ra thận trọng. PSA hiện cần gấp 3 tỷ euro tiền mặt để đầu tư. Trong đó 50% do nhà nước Pháp bảo đảm để giữ tập đoàn sản xuất xe hơi này dưới màu cờ của Pháp. Nói như vậy Peugeot phải tìm ra khoảng 1,5 tỷ euro khác mà trên nguyên tắc Đông Phong có nhiều khả năng tham gia. Thế nhưng trước mắt Đông Phong có thể kiểm soát tới 30% vốn của PSA mà chỉ chi ra có 1,2 tỷ euro mà thôi. PSA nhìn nhận là cần vốn, nhưng con chim đầu đàn của nền công nghệ xe hơi Pháp này không chấp nhận “bán mình” bằng bất cứ giá nào. Hơn nữa hiện tại 7% vốn của PSA do tập đoàn xe hơi Mỹ, GM kiểm soát và GM không đồng ý để cho đối tác Trung Quốc tham gia hội đồng quản trị của PSA Peugeot Citroën. Sau cùng, gia đình Peugeot hiện đang kiểm soát hơn 25 % vốn của PSA cũng không sẵn sàng nhường lại chiếc ghế chủ tịch hội đồng quản trị cho bất kỳ một đối tác nước ngoài nào. Tất cả những yếu tố đó khiến, theo tin mới nhất có thể là PSA đang hướng tới một giải pháp khác để tìm ra khoản đầu tư 1,5 tỷ euro mà không cần đến Đông Phong.

Về phần mình bản thân Đông Phong cũng “không vội”. Tập đoàn này thừa biết rằng họ là điểm tựa của Peugeot trên thị trường xe hơi đầy tiềm năng của Trung Quốc. Hơn nữa trong quá khứ một vài tập đoàn của Trung Quốc cũng đã từng bị vấp ngã và thất vọng khi mua lại các đối tác Pháp. Đó là trường hợp từng xảy tới với tập đoàn điện tử TCL khi mua lại chi nhánh sản xuất màn hình vô tuyến của Thomson hay chi nhánh sản xuất điện thoại di động của Alcatel. Phía Trung Quốc cũng đề phòng khả năng đối tác nước ngoài không chuyển giao công nghệ như là trường hợp của tập đoàn dược phẩm Rhodia Silicones & Adisseo vẫn duy trì các hoạt động nghiên cứu tại Pháp.


Kế hoạch để cho tập đoàn Đông Phong của Trung Quốc tham gia vào vốn của hãng xe PSA Peugeot Citroën đến nay vẫn chưa ngã ngũ nhưng trường hợp này lại làm dấy lên nhiều tranh luận về đầu tư của Trung Quốc vào đất Pháp.

Pháp là địa điểm đầu tư quan trọng thứ 3 của Trung Quốc tại châu Âu. Trong khi đó Trung Quốc là nhà đầu tư đứng hàng thứ 11 của Pháp. Theo thống kê của Ngân hàng trung ương Pháp BDF, tổng đầu tư trực tiếp (FDI) của Trung Quốc và Hồng Kông vào lãnh thổ Pháp trong năm 2012 lên tới 4,2 tỷ euro- tương đương với chưa đầy 1% FDI của Pháp. Con số 4,2 tỷ euro nói trên không thấm vào đâu so với tổng đầu tư trực tiếp của Pháp trên quê hương ông Đặng Tiểu Bình. Tính tới cuối năm 2012, Pháp đầu tư đến 16,7 tỷ euro vào Trung Quốc.


Nhưng chỉ mới cách nay hơn một chục năm Pháp còn là một vùng đất gần như không được các công ty Trung Quốc biết tới. Thế rồi khủng hoảng tài chính 2008 và nhất là khủng hoảng kéo dài trong khu vực đồng euro từ năm 2010 tới nay đã đột ngột thay đổi tình hình. Pháp, Italy đều “trải thảm đỏ” đón các doanh nhân Trung Quốc.

Hiện tại có khoảng 200 chi nhánh của các tập đoàn Trung Quốc đã có mặt tại Pháp, bảo đảm công việc làm cho khoảng từ 12 đến 15 ngàn người.

Nhiều tập đoàn lớn của Trung Quốc, như Lenovo hay ZTE, chọn Paris để mở văn phòng đại diện cho toàn khu vực châu Âu. Lại cũng tập đoàn tin học ZTE đang chuẩn bị mở trung tâm nghiên cứu ngay tại Pháp. Tập đoàn ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc ICBC đã mở chi nhánh đầu tiên trên đất Pháp từ hơn 2 năm nay. Lại cũng các đối tác Hồng Kông đã mua lại ba khách sạn hạng sang của Pháp là Shangri La, Mandarin Oriental và Peninsula. Thế rồi tháng 7/2013, hãng du lịch và cho thuê nhà nghỉ mát Club Med đã hợp tác với Fosun. Về phần quỹ đầu tư quốc gia của Trung Quốc CIC đã tham gia vào tập đoàn điện lực quốc gia Pháp DGF … 

Bên cạnh đó còn phải kể đến sự hiện diện ngày càng lớn của Trung Quốc trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm. Nhiều nhãn hiệu rượu vang nổi tiếng của Pháp với những đồn điền trồng nho thẳng cánh cò bay cũng đã đổi chủ.

Sự dồi dào về tài chính của Trung Quốc luôn làm mê hoặc các tập đoàn của Pháp đang trong tình trạng thiếu vốn. Thậm chí một số các công ty của Pháp và kể cả một số chính quyền cấp địa phương còn coi Trung Quốc như là một giải pháp để đưa châu Âu ra khỏi khủng hoảng.

Tuy nhiên, trước sự hiện diện ngày càng được mở rộng của các tập đoàn Trung Quốc trên trường quốc tế, các chuyên gia Pháp về Trung Quốc thường xuyên kêu gọi chính phủ thận trọng tránh bán rẻ di sản văn hóa, công nghiệp của nước Pháp cho một đối tác nước ngoài. Điều khiến mọi người quan ngại đó là các tập đoàn Trung Quốc muốn mua lại hay hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia của phương Tây, đều do nhà nước Trung Quốc kiểm soát. Ở đây đặt ra vấn đề chính trị và chiến lược .

Nhà nghiên cứu Claude Meyer của trường Sciences Po Paris nói: “Không nên quên rằng các tập đoàn Trung Quốc đang ồ ạt đầu tư ra nước ngoài đều là các tập đoàn nhà nước. Các nền công nghiệp phát triển của phương Tây nên thận trọng trên một số vấn đề như: bảo vệ tất cả các lĩnh vực liên quan đến an ninh, quốc phòng; tránh để bị lệ thuộc vào Trung Quốc hoặc để Bắc Kinh dùng lá bài kinh tế nhằm gây áp lực với châu Âu hay với Pháp. Gần đây nhất,Trung Quốc toan bắt chẹt các nước trong Eurozone để đòi Liên minh Châu Âu bãi bỏ cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc …”

Từ 5 năm qua, Bắc Kinh đã không ngừng khuyến khích các công ty trong nước “quốc tế hóa” và lợi dụng thời cơ Âu-Mỹ đang chỉnh đốn kinh tế để chen chân vào hai thị trường này.


Văn Bảo (tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang