Đây là lý do đổi tên trạm thu phí BOT thành trạm thu giá BOT

authorĐỗ Thu Thoan 09:10 08/03/2018

(VietQ.vn) - Việc đổi tên gọi trạm thu phí BOT sang trạm thu giá BOT là căn cứ Luật phí và lệ phí được Quốc hội ban hành tháng 11/2015.

Sự kiện: Kinh doanh

Trong thời gian gần đây, thuật ngữ “thu giá BOT” được nhắc đến nhiều và tên gọi các trạm thu phí BOT cũng được chuyển thành trạm thu giá BOT. Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Văn Quốc, Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT), cho biết việc chuyển đổi tên gọi từ phí sang giá được thực hiện theo quy định của Luật phí và lệ phí được Quốc hội ban hành ngày 25/11/2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.

Dẫn thông tin Zing đăng tải, từ năm 2017, phí đường bộ sẽ được chuyển sang dịch vụ sử dụng đường bộ, khung giá và giá tối đa do Bộ GTVT và UBND các tỉnh quy định. Cụ thể, Bộ GTVT có thẩm quyền ban hành mức giá trần (tối đa) đối với dịch vụ sử dụng đường bộ trên quốc lộ do Bộ GTVT quản lý, còn UBND cấp tỉnh quy định giá đối với đường địa phương.

day-la-ly-do-doi-ten-tram-thu-phi-bot-thanh-tram-thu-gia-bot

Trạm thu phí BOT đổi tên thành trạm thu giá BOT. Ảnh minh họa

Theo báo Giao thông, trước khi Luật phí và Lệ phí ban hành và có hiệu lực, các dự án BOT giao thông được quản lý dưới hình thức là phí, Bộ Tài chính là cơ quan có thẩm quyền ban hành mức phí và chế độ quản lý sử dụng. Trong đó, mỗi dự án BOT được Bộ Tài chính ban hành một thông tư riêng để áp dụng thu phí cụ thể và mức phí nằm trong quy định chung tại Thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính.

Sau khi Luật Phí và lệ phí được Quốc hội ban hành, căn cứ Nghị định 149/2016 của Chính phủ, ngày 15/11/2016, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 35/2016 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý. Mức giá cụ thể cho dịch vụ sử dụng đường bộ đối với từng dự án được Bộ GTVT và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thống nhất tại hợp đồng dự án trên nguyên tắc không vượt mức giá tối đa quy định tại Điều 6 của Thông tư 35/2016.

Về bản chất, khi chuyển từ thu phí BOT sang thu giá BOT, Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giá khi có các yếu tố về giá biến động, còn điều chỉnh phí là thẩm quyền của Bộ Tài chính, báo Giao thông thông tin.

Ở một diễn biến khác, theo báo Pháp luật TP.HCM, Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 49/2016 của bộ trưởng Bộ GTVT quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.

Đáng chú ý, thông tư lần này đã bổ sung quy định về việc xây dựng trạm thu giá. Theo đó, đối với đường quốc lộ, trạm thu giá phải phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án và có quyết định thành lập trạm thu giá của bộ trưởng Bộ GTVT.

Vị trí đặt trạm thu giá phải nằm trong phạm vi dự án và có ý kiến thống nhất của các cơ quan địa phương (HĐND, UBND, đoàn đại biểu Quốc hội, hiệp hội vận tải ô tô), đồng thời lấy ý kiến tham gia của nhân dân địa phương.

Theo báo Pháp luật TP.HCM, đối với đường địa phương, trạm thu giá phải phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án do HĐND cấp tỉnh quyết định; vị trí đặt trạm thu giá phải nằm trong phạm vi dự án do UBND báo cáo HĐND cùng cấp quyết định.

Đặc biệt, khoảng cách giữa hai trạm thu giá ở trên cùng một tuyến đường phải đảm bảo cự ly tối thiểu là 70 km, trừ những trạm thu giá hoàn vốn cho các dự án cầu đường bộ, hầm đường bộ.

Trạm thu giá chỉ được tổ chức thu hoàn vốn cho dự án sau khi dự án hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, xác định đủ điều kiện được tổ chức thu.

Thông tư cũng quy định: Đối với những trạm thu giá hoàn vốn cho các dự án đã đưa vào khai thác vận hành trước thời điểm thông tư này có hiệu lực, tiếp tục thực hiện theo các quy định của hợp đồng dự án và các văn bản liên quan.

Đỗ Thu Thoan (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang