Đây là những đặc điểm tính cách khiến người Nhật thành công trong mọi lĩnh vực

author 08:20 04/08/2017

(VietQ.vn) - Một trong những yếu tố khiến người Nhật Bản gặt hái được thành công trong tất cả các công việc và lĩnh vực là bởi tính cách duy mỹ, cầu toàn của họ.

Ngay cả những người chưa một lần được đặt chân tới Nhật Bản cũng phải thán phục óc thẩm mỹ từ cách trang trí nhà cửa, chăm sóc sắc đẹp tới cách bài trí món ăn hàng ngày của người dân nước này.

Ẩm thực, kiến trúc, thời trang, chăm sóc cây cảnh... của Nhật Bản khiến nhiều người ngưỡng mộ. Tất cả các chi tiết nhỏ nhất người Nhật đều chăm chút tỉ mỉ và hoàn thiện đến mức không chê vào đâu được. Chính bởi vậy mà các sản phẩm “Made in Japan” luôn được ưu ái và chiếm thị phần lớn trên thế giới.

Cảm nhận cái đẹp ngay cả trong những thứ vô cùng nhỏ bé và rất đỗi bình dị

Mỗi người dân Nhật luôn tìm kiếm cái đẹp trong từng công việc của mình. Họ không chỉ chăm chỉ, cần mẫn, luôn tận tâm tận sức còn rất cầu toàn trong mọi việc.

Nhiều người ngạc nhiên khi nghe câu chuyện kể rằng, một người đan quạt tre ở Nhật luôn ngắm đi ngắm lại nhiều lần để kiểm tra xem chiếc quạt của mình làm đã cân và chuẩn chưa, có cần phải chau chuốt lại ở chỗ nào không.

Dù rằng khi làm như vậy, người đan quạt sẽ mất nhiều thời gian hơn, dẫn tới lợi nhuận thu về cũng sẽ ít hơn nhưng đối với những người dân nước này thì ngoài mục đích làm việc để kiếm tiền thì họ còn cần có cảm giác thoải mái khi hoàn thành tốt công việc của mình dù là người khác tưởng rằng nó rất đơn giản.

Có lẽ chính sự tỉ mỉ, tinh tế, bền bỉ và cầu toàn đó là lý do mà hầu hết các mặt hàng sản xuất tại quốc gia này luôn có chất lượng cao và được rất nhiều người tiêu dùng ưu chuộng.

Trong mọi trường hợp, người Nhật Bản rất chú trọng đến vẻ đẹp hình thức. Tính duy mỹ của người Nhật không chỉ được thể hiện trong nghệ thuật trà đạo, cắm hoa, văn thơ, hài kịch… mà còn toát lên ở không gian, kiến trúc xung quanh.

Bước vào những ngôi nhà của người Nhật, bạn sẽ bị hút mắt bởi không gian dịu mắt, gần gũi với thiên nhiên và cách bố trí khéo léo và tinh tế của họ. Không hoành tráng, ngược lại những ngôi nhà ở đây thường nhỏ nhắn nhưng rất xinh xắn và đáng yêu.

Những bộ đồ ăn không cần phải bắt mắt nhưng phải có sự hài hòa về màu sắc và chất liệu để bày trên bàn ăn. Đồ ăn của người Nhật không bao giờ bày la liệt, chất chồng mà chỉ để ít một nhưng trang trí rất đẹp mắt để tạo cảm giác thèm ăn cho mọi người.

Người Nhật cảm nhận mọi vật qua 5 giác quan là ngắm, ngửi, chạm, nghe và nhìn. Tất cả mọi thứ làm ra đều phải thỏa mãn tiêu chí của 5 giác quan này kết hợp với cảm xúc, trái tim của người tạo ra sản phẩm đó.

Vẻ đẹp thiên nhiên với rất nhiều phong tục đặc trưng, mang đậm bản sắc văn hóa như ngắm hoa anh đào, thưởng trăng, ngắm tuyết rơi, ngắm đom đóm… luôn được người Nhật trân trọng, tôn vinh.

Người Nhật luôn ý thức trân trọng thời gian, từng khoảnh khắc dù ngắn ngủi của cuộc sống. Họ tôn thờ cái đẹp dù nó chỉ thoáng qua. Hoa anh đào rất đẹp nhưng lại bị rụng cánh ngay khi vừa nở. Hoa anh đào không bao giờ héo, chúng không muốn vẻ đẹp bị giảm đi nên thà rụng xuống khi còn tươi trên thân cây còn hơn. Những cánh hoa anh đào tươi màu rụng xuống đó được ví như người võ sĩ hy sinh giữa tuổi thanh xuân tươi đẹp.

Vì vậy, cứ vào độ mùa xuân, khi hoa anh đào nở, người dân nước này lại hào hứng với lễ hội ngắm hoa anh đào. Họ say mê ngắm hoa, vui chơi, ca hát và ăn uống.

Câu chuyện thành công của một tỷ phú luôn đòi hỏi bản thân phải hoàn hảo mỗi ngày

Chính việc luôn nhắm tới sự hoàn mỹ trong mọi thứ đã giúp rất nhiều người Nhật thành công trong kinh doanh, tỷ phú Kazuo Inamori - người sáng lập tập đoàn công nghiệp quốc tế Kyocera và KDDI, nguyên Chủ tịch của Japan Airlines là một ví dụ điển hình.

Sự cầu toàn trong công việc đã giúp tỷ phú Kazuo Inamori gặt hái nhiều thành công.

Trong mọi công việc, ông luôn tâm niệm làm kinh doanh không chỉ phục vụ lợi ích của chính bản thân mình mà là còn nhằm mục đích tạo ra lợi ích cho tất cả mọi người, cần phải phục vụ và cống hiến cho xã hội nói chung.

Vốn được đào tạo để trở thành kỹ sư, Inamori tự nhận xét bản thân ông là một người khá cầu toàn trong công việc.

Ông cho rằng, với một người thiết kế một cây cầu có thể chịu được động đất mà đạt được 99% thành công là không đủ. Vì vậy, mỗi khi lập kế hoạch cho một sản phẩm mới, ông luôn áp dụng suy nghĩ đó mọi lúc, mọi nơi.

Cũng theo tỷ phú này, đòi hỏi bản thân hoàn hảo mỗi ngày không hề đơn giản một chút nào, nhưng một khi đã quen với điều này, bạn sẽ dễ dàng sống theo nó. Chính quan điểm này đã giúp tỷ phú Inamori Kazuo thành công và trở thành tấm gương của nhiều người trong cuộc sống.

9 nguyên tắc cơ bản về thẩm mỹ của người Nhật

Trong tất cả các lĩnh vực nghệ thuật và đời sống, người Nhật có 9 nguyên tắc cơ bản về thẩm mỹ sau đây:

- Wabi-sabi (sự không hoàn hảo): Sự không vĩnh cửu, không hoàn hảo làm cuộc sống nhiều màu sắc, thú vị hơn trong mắt những người Nhật Bản. Cũng giống như hoa anh đào đẹp, chóng nở và cũng chóng tàn. Đối với người Nhật thì sự không hoàn hảo sẽ khiến cuộc sống trở nên thú vị hơn rất nhiều.

- Miyabi (sự thanh lịch): Những điều thô tục phải được loại bỏ khỏi cuộc sống, người Nhật không chấp nhận việc mạt sát người khác.

- Shibui (sự tinh tế): Mọi người đều đẹp khi họ được là chính mình.

- Iki (sự độc đáo): Độc đáo với người Nhật luôn phải gắn liền với sự tinh tế.

- Jo-ha-kyu (từ từ, tăng tốc và kết thúc): Điều này được thể hiện rõ trong nghệ thuật trà đạo và võ thuật của Nhật.

- Yugen (sự bí ẩn): Mọi thứ đều trở nên nhàm chán nếu không có bí mật. Vì vậy, mỗi người hãy giữ kín một vài điều để tạo ra sự bí ẩn riêng.

- Geido (kỷ luật và đạo đức): Những môn võ truyền thống và các môn nghệ thuật của Nhật đều phải tuân theo kỷ luật và đạo đức.

- Ensou (khoảng trống): Để hiểu rõ điều này bạn cần phải bỏ nhiều thời gian tìm hiểu.

- Kawaii (sự dễ thương): Gần đây, quan niệm này đang trở thành xu hướng thẩm mỹ được nhiều người thích thú.

Mộc Trà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang