Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa giúp doanh nghiệp ‘vượt bão’ Covid-19

author 07:29 28/02/2021

(VietQ.vn) - Các chuyên gia kinh tế cho biết, để kích cầu tiêu dùng nội địa cần phải tăng cung hàng hóa có chất lượng, có giá cả cạnh tranh, mẫu mã hàng hóa đa dạng phong phú, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Kể từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 hoành hành khiến giao thương hàng hóa bị tắc nghẽn, điều này đã tác động mạnh đến hoạt động xuất, nhập khẩu. Bởi vậy, việc chú trọng vào thị trường nội địa với 100 triệu dân là một trong những yếu tố quan trọng, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh hiện nay.

Theo đó, đại diện một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cà phê ở Hà Nội cho biết, từ thời điểm dịch bệnh Covid-19 xuất hiện trở lại, các thị trường mà doanh nghiệp này xuất khẩu hàng hóa chủ yếu lại đang là những “điểm nóng” của dịch bệnh như Mỹ, châu Âu... cho nên việc giao thương, ký kết các hợp đồng mới hầu như không được thực hiện, khiến doanh nghiệp đứng trước vô vàn khó khăn.

Tuy nhiên, ngay trong lúc gian nguy nhất, doanh nghiệp đã nhận ra rằng, cần phải tập trung nghiên cứu và khai thác thị trường trong nước, đây chính là mảnh đất màu mỡ để các doanh nghiệp nội mở rộng thị phần, thay vì phải khó khăn khi đi khai thác thị phần xa trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp.

Việc chú trọng vào thị trường nội địa với 100 triệu dân là một trong những yếu tố quan trọng, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do Covid-19. Ảnh minh họa.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để kích cầu nội địa trong dịch Covid-19 cần phải phát huy những tiềm năng vốn có của thị trường nội địa. Nhất là khi các kênh thương mại truyền thống chưa được quan tâm đúng mức, cùng lúc phải cạnh tranh một cách quyết liệt với kênh thương mại hiện đại của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú chỉ rõ, muốn phát triển thị trường nội địa, kích cầu tiêu dùng cá nhân trước hết cần phải phải tạo công ăn việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống của người lao động trong toàn xã hội. Muốn tăng sức mua xã hội cần phải tăng cung hàng hóa có chất lượng, có giá cả cạnh tranh, mẫu mã hàng hóa đa dạng phong phú, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. 

“Sản xuất và phân phối nhất thiết phải lập được các chuỗi hoạt động một cách hiệu quả, lợi nhuận của từng khâu trong chuỗi phải được xác định hợp lý nhằm kích thích chuỗi phát triển bền vững. Hàng hóa sản xuất phải đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ, vừa giảm khâu trung gian, giảm chi phí, hạ giá thành và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt ở thị trường nội địa”, ông Phú nói.

Ngoài ra, muốn kích cầu thị trường nội địa, theo ông Vũ Vinh Phú, cần phải xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối quốc gia, bao gồm các vùng sản xuất tập trung theo thế mạnh. Đi đôi với các trung tâm dự trữ hàng hóa, nhà máy chế biến, hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics,… cần sớm thiết lập hệ thống chợ đầu mối nhằm đảm bảo cho hàng hóa được giao dịch một cách công khai, minh bạch trên thị trường.

Nhận định về tầm quan trọng của thị trường nội địa trong bối cảnh hiện nay, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) cho rằng, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với chặng đường hơn 10 năm qua đã thực sự lan tỏa, phần lớn người Việt vẫn lựa chọn kênh phân phối truyền thống, đó chính là thế mạnh của doanh nghiệp, từ đó khẳng định vị trí của mình trên sân nhà.

“Để khai thác tốt thị trường nội địa trong bối cảnh “bình thường mới” khi dịch bệnh được đẩy lùi, bản thân mỗi doanh nghiệp cần phải chủ động hơn trong việc xây dựng thương hiệu hàng hóa, tạo niềm tin cho người tiêu dùng cũng như tiếp cận nhanh nhất với thương mại điện tử, 4.0...”, TS. Võ Trí Thành nêu ý kiến.

Nỗ lực tổng thể để chinh phục người tiêu dùng bằng sản phẩm Made in VietnamXây dựng những nhà máy hiện đại tại Việt Nam, đem theo những quy trình khắt khe nghiêm ngặt để đảm bảo đầu ra sản phẩm có chất lượng cao nhất đến với người tiêu dùng Việt Nam, đó là hình ảnh của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản trong suốt những năm qua đầu tư sản xuất tại Việt Nam.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang