Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về điện hạt nhân

author 06:35 18/07/2015

(VietQ.vn) - TS Hồ Mạnh Dũng cho rằng: “Giải pháp cho việc phát triển nguồn nhân lực là đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, xây dựng năng lực hỗ trợ kỹ thuật cho nhà máy điện hạt nhân”.

Sáng 17/7, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện Nghiên cứu hạt nhân và Tạp chí Tia Sáng phối hợp tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về phát triển nguồn nhân lực hỗ trợ kỹ thuật và nghiên cứu triển khai phục vụ chương trình điện hạt nhân Việt Nam”.

Phát triển nhân lực điện hạt nhân
Phát triển nhân lực điện hạt nhân

Hơn 50 nhà khoa học đầu ngành, cán bộ quản lý và nghiên cứu tham dự.

Một số chuyên gia nhận định, nguồn nhân lực trong lĩnh vực hạt nhân trong nước hiện đang bị “già hóa” trong khi cán bộ trẻ thật sự xuất sắc vẫn còn thiếu để gánh vác nhiệm vụ. Đây chính là thách thức lớn cho quá trình phát triển ngành nghiên cứu hạt nhân cũng như phục vụ cho chương trình điện hạt nhân ở Việt Nam trong tương lai.

Theo ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm đào tạo (Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt), hiện nay trên cả nước có 6 trường đại học đào tạo chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực hạt nhân với khoảng 200 sinh viên ra trường mỗi năm, nhưng thực tế nguồn cán bộ trẻ có trình độ cao, xuất sắc vẫn còn thiếu. Lý do là nhu cầu tuyển dụng tại các cơ sở nghiên cứu hiện nay chưa nhiều trong khi chế độ ưu đãi, mức lương thấp nên chưa hấp dẫn được những cán bộ tài giỏi về cống hiến.

Trong khi nguồn nhân lực trẻ có trình độ cao đang thiếu thì theo Viện Năng lượng nguyên tử, dự kiến khi đi vào hoạt động từ năm 2020, Trung tâm Khoa học và công nghệ hạt nhân Đà Lạt (đang trong kế hoạch chuẩn bị xây dựng) sẽ cần khoảng 400 cán bộ, chuyên gia có trình độ để vận hành lò phản ứng hạt nhân mới phục vụ cho công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hạt nhân. 

Do đó một số giải pháp chuẩn bị nhân lực đang được cất nhắc cho Trung tâm này như gửi sinh viên đi học nước ngoài (theo chuyên ngành không thể đào tạo trong nước), tiếp nhận thêm nguồn nhân lực về công tác tại các Viện nghiên cứu ngay từ bây giờ.

 

Chủ trương xây dựng Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam đã được Quốc hội thông qua và Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tích cực triển khai công tác chuẩn bị đầu tư và xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Để dự án triển khai thành công, cần có đội ngũ cán bộ đủ năng lực thực hiện việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, hỗ trợ kỹ thuật và nghiên cứu triển khai, tạo tiền đề vững chắc để triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân bảo đảm chất lượng, an toàn, an ninh và có hiệu quả kinh tế. 
 
Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, TS. Nguyễn Hào Quang cho rằng: “Nghiên cứu triển khai phục vụ chương trình điện hạt nhân là các hoạt động nhằm cải thiện công nghệ nhà máy điện hạt nhân. Điều này đòi hỏi nguồn nhân lực phục vụ phải có trình độ rất cao, hiểu biết sâu sắc về những yêu cầu thiết kế, các quy chuẩn công nghiệp được thiết lập và hiểu rõ các cơ sở thiết kế”.  
 
Về hướng nghiên cứu phục vụ chương trình điện hạt nhân, theo TS. Hồ Mạnh Dũng, Viện Nghiên cứu hạt nhân, có thể chia bốn lĩnh vực, gồm an toàn điện hạt nhân, thiết kế và xây dựng nhà máy điện hạt nhân, vận hành và bảo dưỡng nhà máy, nhiên liệu hạt nhân và chu trình nhiên liệu. TS. Hồ Mạnh Dũng cho rằng: “Giải pháp cho việc phát triển nguồn nhân lực là đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, xây dựng năng lực hỗ trợ kỹ thuật cho nhà máy điện hạt nhân”.
Nhật Dương

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang