Việt Nam đẩy mạnh du lịch chữa bệnh hiếm muộn và thẩm mỹ răng

author 08:50 12/06/2017

(VietQ.vn) - Sở Y tế và Du lịch TP.HCM đang tìm kiếm các giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch y tế tại Việt Nam.

Gần 10.000 người Việt sang Malaysia chữa bệnh mỗi năm

Theo thông tin từ báo cáo của Hãng kiểm toán Deloitte, ngành du lịch y tế trên toàn cầu hiện có giá trị khoảng 60 tỷ USD. Hàng năm, có khoảng 14 triệu lượt bệnh nhân di chuyển liên quốc gia để tìm kiếm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Những năm gần đây, dịch vụ du lịch y tế phát triển mạnh mẽ và là một phần quan trọng của ngành du lịch tại các nước Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia...

Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 50.000 người ra nước ngoài khám chữa bệnh với kinh phí ước khoảng 2 tỷ USD. Loại hình dịch vụ du lịch này được các nước Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia... khai thác triệt để với những chính sách quảng bá chuyên nghiệp đến khách hàng Việt.

Riêng thống kê của Hội đồng Du lịch Y tế Malaysia (MHTC) cho thấy, năm 2016, chi phí cho du lịch khám chữa bệnh của người Việt Nam tại Malaysia đã tăng đến 86% (khoảng 9.800 bệnh nhân). Trong đó, mảng điều trị ung thư và các bệnh lý về tim mạch chiếm phần lớn doanh thu lên tới 10,8 triệu RM tại các bệnh viện.

Theo bà Shobena Singnam - Giám đốc Quan hệ công chúng và Truyền thông MHTC, vào cuối năm 2015, MHTC ra mắt văn phòng du lịch y tế tại Việt Nam – cơ sở chuyên hỗ trợ du lịch y tế đồng thời cung cấp tất cả thông tin về các dịch vụ tiện ích tại Malaysia.

Đến tháng 4/2017, MHTC mở thêm trang web ytemalaysia.vn để giúp bệnh nhân người Việt dễ dàng tiếp cận hệ thống chăm sóc sức khỏe chất lượng kết hợp với dịch vụ du lịch.

Khách hàng Việt có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin về các bệnh viện, các chuyên gia y tế thông qua cổng thông tin được xây dựng bằng tiếng Việt. Ngoài ra, họ còn có thể sử dụng dịch vụ đặt hẹn với chuyên gia y tế, hỗ trợ dịch vụ dịch thuật, đặt vé máy bay, ăn ở... cũng như hỗ trợ du khách Việt trước, trong và sau điều trị.

Không chỉ Malaysia, một số nước như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc cũng tung ra những kế hoạch nhằm thu hút lượng khách hàng sử dụng dịch vụ y tế từ Việt Nam.

Trong đó, Trung tâm Xúc tiến Du lịch Singapore khuyến khích các bệnh viện, trung tâm y tế của nước này lập văn phòng đại diện tại Việt Nam, đơn giản hóa thủ tục đưa khách sang Singapore. Tương tự, ngành du lịch Thái Lan, Hàn Quốc cũng thông qua văn phòng đại diện của mình tiếp cận khách hàng Việt.

TP. HCM đẩy mạnh du lịch chữa hiếm muộn và thẩm mỹ răng

Xét trong khu vực Đông Nam Á, ngành y tế Việt Nam được đánh giá cao bởi 2 thế mạnh là chữa bệnh hiếm muộn bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo với tỷ lệ thành công cao, dịch vụ thẩm mỹ và thẩm mỹ răng chất lượng với giá rẻ.

Bên cạnh đó, TP.HCM là địa phương được đánh giá có tiềm năng lớn về du lịch, tập trung nhiều bệnh viện công lập và tư nhân như Đại học Y Dược, Chợ Rẫy, Từ Dũ, FV... với chất lượng chuyên môn ngang tầm khu vực, nhiều kỹ thuật chuyên sâu đẳng cấp quốc tế. Những bệnh viện này cũng đã chữa trị cho nhiều bệnh nhân các nước khác.

 Nhiều tiềm năng phát triển du lịch y tế tại Việt Nam chưa được quan tâm, khai thác triệt để. (Ảnh minh họa)

Con số thống kê từ năm 2008 đến nay cho thấy, Bệnh viện Đại học Y Dược điều trị nội trú cho gần 6.000 bệnh nhân từ nước ngoài. Ở Bệnh viện FV, ngoài 20.000 lượt bệnh nhân đến từ Campuchia, Lào, Myanmar mỗi năm còn có khá đông bệnh nhân đến từ Mỹ, châu Phi. Các bệnh viện Từ Dũ, Vạn Hạnh, Chợ Rẫy... mỗi năm cũng đón khoảng 500 bệnh nhân nước ngoài đến khám chữa bệnh.

Tuy có khách hàng nước ngoài đến khám chữa bệnh và nhiều lợi thế về danh lam thắng cảnh nhưng lĩnh vực du lịch y tế Việt Nam vẫn chưa được khai thác đúng tiềm năng. Lý do là các công ty lữ hành chưa khai khác bộ phận khách hàng là người bệnh - du khách.

Có một thực tế rằng hầu hết số khách nước ngoài khi đến Việt Nam khám chữa bệnh đều có nhu cầu tham quan, nghĩ dưỡng. Tuy nhiên, nhiều du khách cho biết việc lên kế hoạch du lịch chữa bệnh tại nước ta mất khá nhiều thời gian vì thông tin ít, các tour y tế và chăm sóc sức khỏe tại các công ty lữ hành còn rất hiếm hoi.

Đẩy mạnh phát triển du lịch y tế, tạo nên thương hiệu riêng

Để khai thác lợi thế về du lịch kết hợp khám chữa bệnh, Sở Y tế và Du lịch TP.HCM đang lên phương án hợp tác giữa các cơ quan có liên quan.

Theo PGS-TS-BS. Tăng Chí Thượng - Phó giám đốc Sở Y tế, ngành y tế sẽ triển khai 5 loại hình du lịch y tế gồm nha khoa, y học cổ truyền, thẩm mỹ, khám sức khỏe và tầm soát bệnh, các dịch vụ chuyên sâu.

Sở Y tế xem đây là cơ hội để quảng bá chất lượng và thương hiệu của y tế Việt Nam ra các nước, đồng thời đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc, điều trị của bệnh nhân trong nước, từ đó giảm “chảy máu” người bệnh ra nước ngoài.

Ông Lã Quốc Khánh- Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết thêm mặc dù chúng ta triển khai chậm dịch vụ này, nhưng vẫn còn hơn không.

“Đây là điểm rơi đúng để đẩy mạnh du lịch y tế khi những điều kiện về tay nghề, cơ sở vật chất đủ cạnh tranh với các nước và vùng lãnh thổ cũng đang có thế mạnh như Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan”, ông Khánh phát biểu.

Cũng theo vị này, nhiệm vụ của Sở Du lịch TP. HCM là lên chương trình tổ chức quảng bá đến thị trường các nước. Đồng thời, cùng với các đơn vị lữ hành lập chương trình tour, tuyến du lịch kết hợp y tế, chăm sóc sức khỏe theo từng đối tượng, từng nhu cầu.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Đức Minh - Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM cho biết: "Bệnh viện Răng Hàm Mặt là đầu mối du lịch nha khoa. Chúng tôi đang lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà chuyên môn để xây dựng chuẩn đánh giá cơ sở nha khoa đủ điều kiện tham gia vào loại hình du lịch y tế. Cơ sở nha khoa nào nhận thấy mình đạt các tiêu chuẩn theo yêu cầu thì gia nhập vào dịch vụ này một cách minh bạch, công khai.".

Ông Phan Cao Bình - Tổng giám đốc Công ty Đông phương Cổ truyền, tác giả mô hình spa trị liệu Việt cũng cho biết đang nỗ lực kêu gọi đầu tư phát triển chuỗi mô hình spa trị liệu Việt - đưa y học cổ truyền Việt Nam vào spa, nhằm tạo ra nét hấp dẫn riêng của du lịch Việt.

Đầu tháng 3/2017, trong một cuộc hội nghị bàn về giải pháp đưa du lịch TPHCM trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, liên quan đến lĩnh vực du lịch kết hợp khám chữa bệnh, ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM cho rằng: thành phố đang thiếu sự hợp tác giữa ngành du lịch - ngành y tế giữa các cơ quan y tế có điều kiện phát triển du lịch y tế với các hãng lữ hành du lịch. Thành ủy đã yêu cầu các bên liên quan sớm có giải pháp chấn chỉnh để phát triển.

Thực hiện chỉ thị của Thường trực Thành ủy, mới đây Sở Y tế và Sở Du lịch thành phố đã họp bàn về các giải pháp hợp tác. Trước mắt, hai sở sẽ thành lập tổ công tác, soạn thảo kế hoạch liên tịch về phát triển sản phẩm du lịch y tế. Mục tiêu của kế hoạch sẽ tập trung thu hút khách du lịch nội địa và du khách quốc tế đến TPHCM vừa tham quan du lịch vừa kết hợp khám chữa bệnh.

Phong Lâm (T/h)

 

Du lịch ở một nơi xa, có 3 điều quan trọng phải chuẩn bị thật kĩ lưỡng(VietQ.vn) - Khi đi du lịch ở một nơi xa, nhất là du lịch nước ngoài, có 3 điều quan trọng mà bất kì du khách nào cũng phải chuẩn bị kĩ lưỡng để tránh được những rủi ro mình dễ gặp phải.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang