Đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu sản xuất hàng giả dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2018

author 06:16 04/11/2017

(VietQ.vn) - Liên quan tới tình hình kinh tế-xã hội, trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, tại phiên họp thường kì tháng 10/2017, Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng.

Chiều 03/11, phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2017 diễn ra tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Phiên họp báo Chính phủ tháng này diễn ra khi Quốc hội đang họp kỳ thứ 4 và vừa dành hai ngày rưỡi để thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu sản xuất hàng giả dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2018

 Toàn cảnh phiên họp báo thường kì tháng 10/2017 của Chính phủ. 

Về tình hình kinh tế-xã hội, các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá: Chúng ta đã đi qua 5/6 chặng đường của năm 2017, công tác chỉ đạo điều hành có nhiều đổi mới, quyết liệt và đã phát huy hiệu quả. Tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến rất tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Trong 10 tháng, có thể rút ra 8 điểm nổi bật:

Thứ nhất, kinh tế vĩ mô ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2017 tăng nhẹ so với tháng trước, chỉ 0,41%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân so với cùng kỳ năm trước tiếp tục xu hướng giảm, tính chung 10 tháng đầu năm chỉ tăng 3,71% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, trong phạm vi mục tiêu của Quốc hội (dưới 4%).

Thứ hai, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,7% so với cùng kỳ (9 tháng năm 2017 tăng 7,6%); tháng 10, khai khoáng tăng trưởng trở lại (tăng 2,1% trong khi đó tháng 9 giảm 6%) và 10 tháng chỉ còn giảm 7,4% (9 tháng năm 2017 giảm 8,1%); ngành chế biến, chế tạo tăng 10,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,2% (cao hơn mức tăng 7,3% cùng kỳ năm 2016). Một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao như: Bắc Ninh (32%), Hải Phòng (20%), Thái Nguyên (17,9%), Hải Dương (9,7%).
Thứ ba, đầu tư nước ngoài tiếp tục đạt kỷ lục mới, tổng vốn đăng ký mới, bổ sung và mua cổ phần trên 28,2 tỷ USD, tăng 37,4%; vốn thực hiện đạt 14,2 tỷ USD, tăng 11,8%.
Thứ tư, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,69% so với tháng 12 năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 11,81%). Chứng khoán tăng cao nhất trong 9 năm, chỉ số VNIndex vượt mốc 840 điểm và được dự báo hướng tới mốc 900 điểm.
Thứ năm, xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh đạt 173,7 tỷ USD, tăng 20,7%, gần gấp 3 lần mức tăng cùng kỳ 2016 (tăng 7,2%). Nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh như rau quả tăng 42,7%, điện tử, máy tính tăng 38,8%, điện thoại tăng 28,8%, máy móc, thiết bị, phụ tùng tăng 28%, thủy sản tăng 18,7%... Xuất siêu đạt 1,23 tỷ USD.
Thứ sáu, trên 105.000 doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 14,6% về số doanh nghiệp và tăng 43,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký đạt trên 1 triệu tỷ đồng (nếu tính cả doanh nghiệp tăng vốn bổ sung đạt trên 2,4 triệu tỷ đồng).
Thứ bảy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 10,7% (cùng kỳ tăng 9,3%).
Cuối cùng, khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 10,4 triệu lượt khách, tăng 28,1% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt, trực tiếp chỉ đạo cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả. Một điều hết sức đáng mừng là ngày 31/10 vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã công bố báo cáo về môi trường kinh doanh toàn cầu (Doing Business 2018), theo đó môi trường kinh doanh của Việt Nam có bước tiến vượt bậc, tăng 14 bậc từ 82 lên 68 (năm ngoái, Việt Nam tăng 9 bậc). Cũng theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam và Indonesia là hai nước có nhiều cải cách nhất trên thế giới trong 15 năm qua, mỗi nước có 39 cải cách.
Một tin rất đáng mừng khác là mới đây, tổ chức xếp hạng Moody’s cũng nâng đánh giá triển vọng hệ thống ngân hàng Việt Nam từ ổn định lên tích cực.
Trước đó, chúng ta nhớ là cuối tháng 9, Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng đã công bố năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc, từ 60 lên 55 trong tổng số 137 nền kinh tế.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại và khó khăn thách thức như:
Trong tháng 10, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ và sạt lở đất đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản cho nhiều địa phương trong cả nước.
Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, mới chỉ đạt 72,5% kế hoạch năm (cùng kỳ đạt 78,6%).
Sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn (Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 4,1%; giải thể tăng 5,4%. Có nhiều khoản chi phí không chính thức và chi phí chính thức còn cao, nhất là vận tải, logistics…).
Còn một số vấn đề xã hội bức xúc (dịch sốt xuất huyết vẫn còn diễn biến phức tạp, chưa dập được dịch; an toàn thực phẩm, ngộ độc rượu; ngộ độc thực phẩm trong bữa ăn đông người...).
Ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp (phát hiện gần 15.000 vụ vi phạm về môi trường); còn nạn chặt phá rừng (ở Đắk Nông, Điện Biên, Lâm Đồng, Quảng Nam, Bình Định); đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt bằng mìn, điện...
Trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn diễn biến phức tạp; xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, cháy nổ (trên 3.400 vụ cháy nổ, gây thiệt hại trên 1,5 nghìn tỷ đồng).
Đánh giá chung lại, tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm là tích cực, tạo cơ sở vững chắc phấn đấu đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả năm. Kết quả này sẽ tạo đà thuận lợi hơn để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu trong các tháng còn lại và mục tiêu phát triển bền vững của năm 2018.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không được chủ quan, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; các đồng chí Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải tập trung chỉ đạo sâu sát và chịu trách nhiệm; tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính; đẩy mạnh cải cách hành chính.
Liên quan tới tình hình kinh tế-xã hội, trong dịp cuối năm và Tết nguyên đán, Chính phủ cũng yêu cầu đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng. Vừa qua có nhiều vụ việc nổi cộm trong vấn đề này như xăng A92 giả, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, tình trạng hàng hóa sản xuất ở nước ngoài gắn mác sản xuất tại Việt Nam và ngược lại hàng hóa sản xuất tại Việt Nam gắn mác nước ngoài để bán, gây tổn hại đến sản xuất trong nước.
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tại phiên họp này, Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính tiếp tục đưa ra các giải pháp cắt giảm các loại phí, chi phí cho doanh nghiệp.
PV
 
 
 
 
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang