Đẩy mạnh thương mại hóa sáng chế tại các viện, trường

author 06:00 09/07/2013

Các trường đại học, viện nghiên cứu là nơi tập trung các hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ và lưu giữ hầu hết các kết quả nghiên cứu, sáng chế. Mặc dù không ít viện, trường đã đạt được nhiều thành công trong việc chuyển giao công nghệ, thương mại hóa các sáng chế nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, con số này chưa tương xứng với tiềm năng.

Doanh thu cao từ thương mại hóa sáng chế

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được xem là trường đi đầu trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu, sáng chế. Trường đã ký kết nhiều hợp đồng chuyển giao công nghệ với nhiều tập đoàn, công ty lớn trong nước cũng như thế giới như Tập đoàn SUN MicroSystems, Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông. Trong giai đoạn 2006 – 2010, doanh số trong chuyển giao công nghệ và sản xuất kinh doanh của trường đạt gần 450 tỷ đồng.

Với nhiều sáng chế, công nghệ mới được các đơn vị sử dụng đáng giá cao như thiết bị xay xát lúa gạo; thiết bị xử lý rác thải; hệ thống lọc nước biển cho hải đảo; thiết bị tự động hóa khai thác dầu khí;…. Trường Đại học Bách khoa TPHCM cũng là một trong số ít các trường thành công trong việc thương mại hóa tài sản trí tuệ. Giá trị các hợp đồng chuyển giao công nghệ mà trường đã ký năm 2007 là khoảng 60 tỷ đồng, năm 2008 gần 70 tỷ đồng, năm 2009 là hơn 63 tỷ đồng, năm 2010 là 67 tỷ đồng. Riêng năm 2012, trường có 113 đề tài khoa học các cấp được duyệt với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng, thực hiện nhiều hợp đồng chuyển giao công nghệ với tổng doanh thu trên 90 tỷ đồng.

Nghiên cứu khoa học tại Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam)
Nghiên cứu khoa học tại Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam)

Bên cạnh các trường đại học, nhiều viện nghiên cứu ngành kỹ thuật cũng đã thành công trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Theo ước tính của Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp, các sản phẩm cơ khí mới của Viện đã tiết kiệm được mỗi năm hơn 10 triệu USD do thay thế hàng nhập khẩu. Từ năm 2005, một số sản phẩm công nghệ cao còn được xuất khẩu ra nước ngoài

Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Nha trang đạt được nhiều thành tựu trong chuyển giao công nghệ. Với đề tài “Nghiên cứu công nghệ và thiết bị sản xuất fucoidan từ một số loài rong nâu Việt Nam” đã cho ra đời sản phẩm fucoidan, phục vụ công tác chữa bệnh hiệu quả với chi phí rẻ tại Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu còn tạo điều kiện cho nhiều địa phương trong đó có tỉnh Khánh Hòa phát triển mạnh lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy hải sản.

Theo ông Tạ Quang Minh, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), việc chuyển giao công nghệ tại các trường đại học và viện nghiên cứu thời gian qua đã có những kết quả rất đáng ghi nhận, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, xét về tổng thể mức đóng góp các hoạt động KH&CN và chuyển giao công nghệCGCN tại các trường đại học, viện nghiên cứu ở Việt Nam đối với nhu cầu xã hội còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng là đội ngũ đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu.

Còn nhiều hạn chế

Một số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, nguồn thu từ hoạt động KH&CN trong tổng nguồn tài chính của 40 trường đại học trong cả nước từ 2006-2008 chỉ đạt gần 4%. So với Nghị quyết của Chính phủ thì con số này mới chỉ bằng 26%. Đặc biệt, trong tỷ lệ này, nguồn thu từ các hoạt động triển khai, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học chỉ chiếm gần 0,4%. Trường Đại học Bách khoa là trường mạnh về chuyển giao công nghệ nhưng nguồn thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ của nhà trường cũng chỉ chiếm khoảng 2%.

Để các tài sản trí tuệ được thương mại hóa một cách rộng rãi, các tài sản trí tuệ cần được đăng ký xác lập quyền và duy trì hiệu lực văn bằng. Thế nhưng, thực tế cho thấy, việc đăng ký xác lập quyền SHTT và duy trì hiệu lực văn bằng tại các viện, trường rất khiêm tốn. Theo số liệu thống kê của cục SHTT, trong giai đoạn 2003 -6/2012 trong tổng số 600 đơn từ trường đại học, viện nghiên cứu chỉ có 91 văn bằng được cấp, trong đó chỉ còn 38 văn bằng đang còn hiệu lực. Đặc biệt, các viện nghiên cứu hầu như không nộp phí duy trì hiệu lực. Năm 2009 chỉ có 1 trong tổng số 8 văn bằng được cấp còn hiệu lực; năm 2010 cũng chỉ có 1 trong tổng số 12 văn bằng còn hiệu lực do nộp phí duy trì.

Ông Phạm Hồng Quất, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN) cho rằng, thực trạng các trường đại học, viện nghiên cứu chưa tích cực thực hiện đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ và theo đuổi duy trì hiệu lực cho các văn bằng bảo hộ của mình chính là một trong những trở ngại lớn nhất cho việc chuyển giao sáng chế, giải pháp hữu ích từ khối trường, viện cho doanh nghiệp.

Các chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ, các nhà nghiên cứu, viện, trường cần cung cấp các kết quả nghiên cứu, sáng chế đáp ứng đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp; phối hợp với các doanh nghiệp khai thác kết quả nghiên cứu, sáng chế. Các trường đại học, viện nghiên cứu cũng có thể khai thác tài sản trí tuệ bằng cách chuyển giao các kết quả nghiên cứu của mình phục vụ nhu cầu thực tế của địa phương hoặc hợp tác với địa phương theo hình thức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN dưới sự “đặt hàng” của địa phương và sự hỗ trợ từ nhà nước tạo thành mô hình liên kết 3 chiều nhà nghiên cứu- nhà nước- doanh nghiệp, địa phương.

Theo Đất Việt

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang