Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành

author 12:08 30/12/2016

(VietQ.vn) - Hội nghị Tổng kết 1 năm triển khai Quyết định 2026/QĐ-TTg và Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về công tác kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) vừa được Tổng cục Hải Quan tổ chức.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh phát biểu, đề nghị các bộ, ngành tiếp tục tích cực đẩy mạnh việc đơn giản hóa thủ tục KTCN. Ảnh: Thanh Uyên

Tích cực rà soát, sửa đổi quy định về kiểm tra chuyên ngành

Tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh đánh giá, trong năm 2016, các bộ, ngành quản lý chuyên ngành đã tích cực hơn trong việc đơn giản hóa thủ tục KTCN, được cộng đồng doanh nghiệp (DN) ghi nhận.

Ông Vũ Ngọc Anh cho biết, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, năm 2016 môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 9 bậc (từ vị trí 91/189 lên vị trí 82/190 của bảng xếp hạng). Đây là mức cải thiện thứ hạng nhiều nhất kể từ nhiều năm nay.

Theo đó, một số bộ ngành như Bộ KH&CN, Công Thương, NN&PTNT, Y tế…, đã sửa đối, bổ sung và ban hành nhiều văn bản theo hướng đơn giản tạo thuận lợi cho DN XNK.

Đề cập về nỗ lực của Bộ KH&CN, TS. Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, trong năm 2016, Bộ KH&CN đã làm việc trực tiếp với các bộ ngành về việc rà soát danh mục sản phẩm hàng hóa nhóm 2, theo đó đã có 1 loạt các bộ ngành kiến nghị lên Bộ KH&CN thông qua báo cáo Chính phủ để trong năm 2017 sẽ loại bỏ sản phẩm hàng hóa này khỏi danh mục.

Đối với hàng hóa nhóm 2 do Bộ KH&CN quản lý, thời gian dành cho hoạt động kiểm tra chất lượng khi doanh nghiệp đăng ký kiểm tra trung bình trước đây là 23 ngày nay chỉ còn 1,26 ngày (bao gồm thời gian chứng nhận hợp quy và thời gian thực hiện thủ tục kiểm tra) và cao nhất với nhóm sản phẩm điện – điện tử chỉ còn 11,4 ngày tại Hải Phòng và 17,06 ngày tại thành phố Hồ Chí Minh, trong đó thời gian dành cho hoạt động kiểm tra tương ứng với từng nhóm chỉ còn 1 ngày và 1,28 ngày, TS. Nguyễn Hoàng Linh cho biết.

Đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay, đơn vị này đã triển khai mở rộng hoạt động KTCN đến 14 địa điểm trên cả nước, nhằm giảm chi phí thủ tục đi lại của DN.

Hiện các Bộ quản lý chuyên ngành cũng đã chủ động và tích cực tham gia Cơ chế một cửa quốc gia. Tính đến tháng 11/2016 đã có 10 trên tổng số 14 Bộ, ngành kết nối. Số thủ tục hành chính đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia (chưa kể Bộ Tài chính) là 36 thủ tục.

TS. Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Thanh Uyên)

Mới sửa được 20% văn bản theo yêu cầu

Bên cạnh những mặt được, trong thời gian qua, theo kết quả rà soát của Tổng cục Hải quan thì hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) về KTCN của các Bộ cần phải sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg đều chưa đảm bảo về thời gian và yêu cầu theo chỉ đạo của của Thủ tướng Chính phủ.

Kết quả tính đến ngày 25/11/2016 mới có 20/87 văn bản đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế đáp ứng theo yêu cầu. 03/87 văn bản đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế đáp ứng một phần theo yêu cầu. Có tới 63/87 văn bản chưa được sửa đổi, bổ sung, thay thế.

Đó là chưa kể đến danh mục hàng hóa thuộc đối tượng KTCN do các Bộ quy định còn nhiều. Trong số đó nhiều mặt hàng chưa có mã số HS, chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn đầy đủ để thực hiện việc kiểm tra.

Việc chỉ định đơn vị, tổ chức thực hiện việc kiểm tra, đánh giá sự phù hợp còn ít, nhiều địa bàn không có đơn vị, tổ chức kiểm tra.

Công tác KTCN chủ yếu vẫn thực hiện bằng phương thức thủ công, chưa áp dụng rộng rãi và đúng bản chất của phương pháp quản lý rủi ro trong lĩnh vực KTCN đối với hàng hóa XNK (chủ yếu kiểm tra theo lô hàng), chưa áp dụng rộng rãi việc phân tích việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp và áp dụng thông lệ quốc tế.

 TS Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam: DN Dệt may đã được tháo gỡ vướng mắc trong XNK

Doanh nghiệp mong đợi nhiều hơn

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản - Vasep cho biết, nhìn vào con số các văn bản đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế, DN mong đợi nhiều hơn nữa từ các Bộ, ngành quản lý chuyên ngành.

“Hễ còn văn bản chưa được sửa đổi, thay thế theo yêu cầu nghĩa là doanh nghiệp còn tiếp tục bị điều chỉnh bởi những quy định cần phải được sửa”, ông Nam nhấn mạnh.

Theo Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Vasep: Đến lúc này mới chỉ có 20% văn bản thuộc diện rà soát, chỉnh sửa mới được định danh không phải là con số mà cộng đồng DN mong đợi. Hơn 72% số văn bản vẫn đang phải đợi sửa đổi đồng nghĩa với việc DN vẫn đang phải đối diện với những thủ tục rườm rà.

Đại diện VCCI cũng bày tỏ mong muốn các Bộ quản lý chuyên ngành tiếp tục rà soát, sửa đổi văn bản QPPL theo hướng tránh sự chồng chéo giữa các bộ ngành, tránh tình trạng cùng 1 hàng hóa nhưng phải chịu sự kiểm tra của nhiều cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, đại diện VCCI cũng cho rằng, tăng cường kết nối với các cơ quan chính phủ các nước khác và cần phải có sự liên kết và thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp để giảm thiểu sự tốn kém cho DN nhập khẩu.

 Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản - VASEP

Theo TS Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong 2016 các doanh nghiệp dệt may đã được “ăn mừng” bởi Bộ Công Thương đã ban hành thông tư 23 bãi bỏ thông tư 37 về hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may. Bên cạnh đó, việc chấp nhận cho doanh nghiệp khai báo bằng trọng lượng vải dệt kim chứ không tính bằng mét như trước đây cũng là cái tháo gỡ rất lớn cho các DN. Vì trước đấy DN rất bức xúc do tốn kém thời gian và chi phí, ông Cẩm cho biết.

Qua 1 năm triển khai Quyết định 2026/QĐ-TTg và Nghị quyết 19-2016/NQ-CP, ông Vũ Ngọc Anh cho biết, đây mới chỉ là những kết quả bước đầu, trong thời gian tới, đặc biệt là trong năm 2017 các bộ, ngành cần quyết liệt trong việc rà soát, bổ sung, sửa đổi, thay thế văn bản theo hướng tạo thuận lợi cho DN; đổi mới phương pháp quản lý chuyên ngành, có giải pháp phát huy hiệu quả, qua đó giúp cho việc thông quan hàng hóa của DN được nhanh chóng.

Điều chỉnh danh mục hàng hóa nhóm 2 để tạo thuận lợi cho DN(VietQ.vn) - Bộ KH&CN đang phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành để rà soát hàng hóa nhóm 2 - hàng hoá nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng, tạo thuận lợi cho DN

Thanh Uyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang