Đẩy mạnh xây dựng tiêu chuẩn phục vụ phát triển thành phố thông minh

author 11:40 13/05/2017

(VietQ.vn) - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Nguyễn Nam Hải cho rằng cần một cách tiếp cận tổng thể trong việc xây dựng tiêu chuẩn phục vụ phát triển thành phố thông minh.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Trong một vài năm trở lại đây thuật ngữ “đô thị thông minh, thành phố thông minh hay smart city” ngày càng trở nên phổ biến, được tuyên truyền rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, nhiều thành phố lớn đã tìm cách để trở thành thành phố thông minh. Tuy nhiên thế nào là một thành phố thông minh? Câu hỏi này đến nay vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất nào.

“Đến giờ chúng ta chưa có một tiêu chuẩn quốc gia chính thức về đô thị thông minh. Trong đó vấn đề đô thị thông minh là gì thì chúng ta vẫn còn chưa có” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) Nguyễn Nam Hải cho biết.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Nguyễn Nam Hải chia sẻ về vấn đề tiêu chuẩn hoá phát triển thành phố thông minh 

Thành phố thông minh được hiểu là sự hội tụ của các yếu tố: cơ sở hạ tầng hiệu quả, môi trường sống thân thiện và phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nó được biểu hiện qua nền kinh tế hiện đại, hệ thống giao thông thông minh, quản lý đô thị thông minh, con người thông minh, xử lý môi trường hiệu quả, chất lượng cuộc sống tốt. Cơ sở của sự thông minh là công nghệ thông tin truyền thông giúp cho các lĩnh vực vận hành, quản lý, cung cấp dịch vụ đô thị được tiến hành một cách thông minh, tăng trưởng bền vững.

Mặc dù công nghệ thông minh, phương tiện thông minh, dịch vụ thông minh, hệ thống thông minh… rất quan trọng, nhưng để có thể kết nối tất cả các thành tố trên thành một hệ thống chỉnh thể, vận hành nhịp nhàng, phối hợp hiệu quả thì cần phải có tiêu chuẩn.

Các tiêu chuẩn trong phát triển thành phố thông minh có ý nghĩa cho các nhà cung cấp dịch vụ, nhà vận hành, cơ quan quản lý và người khai thác để có một ngôn ngữ chung, một cách tiếp cận thống nhất trong triển khai áp dụng, giao dịch, đánh giá, kiểm tra, quản lý chất lượng, liên kết phối hợp, chia sẻ khai thác chung. Do vậy, để phát triển thành phố thông minh hiệu quả, cần phải có tiêu chuẩn từ tiêu chuẩn kỹ thuật; tiêu chuẩn về dữ liệu; tiêu chuẩn quản lý tạo ra một khuôn khổ giao tiếp chung, các thành tố khác nhau đều có một định dạng kết nối chung.

“Cần một cách tiếp cận tổng thể trong việc xây dựng tiêu chuẩn phục vụ phát triển thành phố thông minh” - Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Nam Hải nhấn mạnh.

Đến nay ISO đã có các tiêu chuẩn cụ thể về thành phố thông minh như ISO 37120, ISO/TR 37150, ISO 37101, ISO 37102, ISO/TR 37121, ISO 37151, ISO 37152… tập trung vào việc định hình và phát triển bền vững cộng đồng, đưa ra các tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc sống và dịch vụ cung cấp cho cộng đồng.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Nam Hải cho biết, lãnh đạo Tổng cục TCĐLCL rất quan tâm và đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về thành phố thông minh. Trong đó có việc nghiên cứu xây dựng quy hoạch hệ thống các TCVN phục vụ triển khai thành phố thông minh; bám sát mục tiêu hài hoà tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn của các tổ chức tiên tiến hàng đầu, điều chỉnh phù hợp với điều kiện Việt Nam;

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, thông tin triển khai phát triển thành phố thông minh (Dự án trong APEC SCSC); triển khai xây dựng một số TCVN cụ thể trong năm 2017 và trong giai đoạn 2017-2020; thành lập mới TCVN TC 268 về Cộng đồng và Thành phố bền vững, xây dựng một số tiêu chuẩn; thành lập mới TCVN TC 268/SC 1 về Hạ tầng cộng đồng thông minh; TCVN JTC 1…

Nhiều thành phố lớn ở Việt Nam đã bắt tay vào việc xây dựng thành phố thông minh - Ảnh minh họa

 

Đồng thời phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông: Xây dựng các QCVN và TCVN cho Hạ tầng Viễn thông trên cơ sở chấp nhận các khuyến nghị của ITU-T và tiêu chuẩn ETSI; Xây dựng bộ TCVN về IPv6 và các giao thức Internet khác trên cơ sở chấp nhận tiêu chuẩn của Nhóm đặc nhiệm kỹ thuật Internet (IETF); Xây dựng bộ TCVN về Công nghệ thông tin – Mã hóa các đối tượng hình ảnh âm thanh trên cơ sở ISO/IEC 14496; Xây dựng TCVN trong lĩnh vực An toàn thông tin trên cơ sở bộ các tiêu chuẩn ISO/IEC 27000;

Ban Cơ yếu Chính phủ: Xây dựng TCVN về các kỹ thuật mật mã, cơ chế an ninh, an toàn trong công nghệ thông tin chủ yếu chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC thuộc Tiểu Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC JTC 1/SC 27;

Bộ Tài nguyên và Môi trường: Xây dựng TCVN về Hệ thống thông tin địa lý số (GIS) trên cơ sở chấp nhận các nhóm tiêu chuẩn quốc tế ISO 19000 thuộc Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc tế ISO TC 211 về thông tin địa lý số;

Bộ Giao thông Vận tải: Xây dựng TCVN về Hệ thống giao thông thông minh trên cơ sở chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế thuộc Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc tế ISO TC 204 về Hệ thống giao thông thông minh.

"Tổng cục TCĐLCL thuộc Bộ KH&CN với vai trò là cơ quan tiêu chuẩn hoá quốc gia đóng vai trò đầu tầu trong việc quy hoạch, thúc đẩy phát triển các tiêu chuẩn phục vụ đô thị thông minh, trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, hiệp hội và chính quyền địa phương" - Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Nam Hải nhấn mạnh.

Huy Hùng

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang