ĐBQH Dương Trung Quốc: Hồ Gươm không nhất định phải có rùa

author 15:24 03/12/2017

(VietQ.vn) - Theo nhà sử học, ĐBQH Dương Trung Quốc, Hồ Gươm không nhất định phải có rùa, việc này phụ thuộc vào tự nhiên.

Tìm rùa thả xuống Hồ Gươm

Liên quan đến đề xuất thả rùa xuống Hồ Gươm, trao đổi với báo chí, GS.TS Mai Đình Yên, chuyên gia về sinh thái học và động vật cho biết, ông hoàn toàn đồng ý với đề xuất thả rùa xuống Hồ Gươm. Bên cạnh đó, ông cũng đồng tình với quan điểm của PGS.TS Hà Đình Đức là nên lựa chọn loài rùa tương đồng với “cụ rùa” Hồ Gươm để thả mới có ý nghĩa.

Về ý kiến rằng có nên đưa cá thể rùa hiện tại ở Đồng Mô (Hà Tây cũ) về thả Hồ Gươm, GS Mai Đình Yên cho rằng, ý kiến này rất khó thực hiện. Cá thể rùa ở Đồng Mô hiện đang sống ở nơi nước sạch và rộng lớn hơn 1.000 ha rất thoải mái, nếu đưa về Hồ Gươm sợ không quen với cách sống gò bó sẽ rất khó chịu. Cùng với đó là việc chăm sóc không phù hợp, chu đáo nếu bị chết thì Việt Nam hết giống rùa quý hiếm này. Vì vậy, theo GS Yên, trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta không nên đưa cá thể rùa này về Hồ Gươm.

“Chúng ta chỉ nên đưa về Hồ Gươm khi tìm thấy cá thể rùa cùng loài với “cụ rùa” Hồ Gươm. Rùa ở Đồng Mô nếu bị đưa về sẽ bị dư luận và các nhà khoa học trong nước và quốc tế phản đối mạnh”, GS Yên nêu.

Cụ rùa Hồ Gươm nằm phơi nắng trên bờ. Ảnh: PGS.TS Hà Đình Đức 

GS Yên tư vấn, nếu người dân Thủ đô và lãnh đạo chính quyền TP. Hà Nội mong muốn có rùa theo tâm linh thì nên bỏ tiền để làm điều tra ở các địa phương của Việt Nam xem có còn sót con rùa nào giống “cụ rùa” Hồ Gươm hay không?. Tuy nhiên, GS Yên cũng lo lắng rằng, ai là người bỏ tiền để đi điều tra. Nếu điều tra không cẩn thận sẽ rất tốn kém công sức cũng như chi phí.

GS Yên luôn tin rằng, “cụ rùa” Hồ Gươm không phải là cá thể cuối cùng mà còn rất nhiều nơi khác có thể có như ở các hệ thống sông suối ở miền Bắc của Việt Nam. Vì vậy, chúng ta nên phát động một cuộc điều tra, hỏi nhân dân các vùng miền xem có phát hiện ra loại này nữa không để thông báo với các nhà khoa học đưa ra kết quả cụ thể để khẳng định.

“Nguyện vọng của các nhà khoa học cũng như cá nhân tôi rất muốn phối giống rùa để có những thế hệ rùa con. Nếu việc này thực hiện được sẽ vô cùng có ích cho thế giới cũng như bảo tồn được giá trị về mặt khoa học, sinh học và đa dạng sinh học. Nhiều nhà khoa học cũng đưa ra là cho phối giống rùa Đồng Mô và rùa của Trung Quốc. Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với quan điểm này”, GS Yên trình bày.

Thả rùa giống khác không ảnh hưởng

Trong khi đó, PGS.TS Hà Đình Đức người có nhiều năm nghiên cứu về cụ rùa Hồ Gươm nhấn mạnh: “Đề xuất thả rùa xuống Hồ Gươm là rất tốt. Tuy nhiên chúng ta phải nghiên cứu kỹ rằng nên thả loại rùa nào chứ không phải cứ thả rùa là tốt.

Hiện nay, có rất nhiều loại rùa khác nhau như rùa Đồng Mô nhưng chúng ta chọn được loại cùng họ với “cụ rùa” Hồ Gươm thì tốt hơn và không làm mất đi hình ảnh “cụ rùa” trong tâm thức người dân Thủ đô. Tôi e rằng, loại rùa Hồ Gươm sẽ không còn nữa.

Hiện nay, loài rùa giống như cụ rùa Hồ Gươm không còn, tuyệt chủng hoặc không tìm thấy. Nếu ai đó mà phát hiện hoặc có hình ảnh loài rùa nào giống như cụ rùa Hồ Gươm ở bất cứ nơi nào có thể trao đổi trực tiếp với tôi cũng như thông tin trên báo chí. Theo tôi, nếu chúng ta vẫn duy trì rùa ở Hồ Gươm - một biểu tượng đã đi sâu vào lòng người dân thủ đô thì rất tuyệt vời".

Phân tích kỹ vấn đề này, PGS Hà Đình Đức cho hay, việc thả loại rùa khác xuống Hồ Gươm không ảnh hưởng đến môi trường của hồ nhưng người dân Việt Nam khó chấp nhận.

Như vậy, bây giờ, chúng ta đưa một loài rùa khác không giống như thế có khi sẽ phản tác dụng và làm mất đi hình ảnh đẹp đó.

ĐBQH Dương Trung Quốc: Không nên đưa rùa vào Hồ Gươm

Trao đổi với báo chí, nhà sử học, ĐBQH Trung Quốc cho rằng, không nên đưa những cái mới vào Hồ Gươm vì vốn dĩ nơi đây đã đủ linh thiêng.

“Tôi thấy không nên thả rùa Đồng Mô xuống Hồ Gươm. Theo cá nhân tôi, cái gì là huyền thoại thì là huyền thoại. Chúng ta có thể dựng một bức tượng hay một biểu tượng nào đó, tôi nghĩ sẽ có lý hơn. Nếu tự nhiên thả rùa ở nơi khác đến rồi biến thành rùa thiêng, rùa thần thì vô lý”.

Ông Quốc cũng cho rằng, phục hồi một đặc sản về vật chất có thể đưa từ nơi khác đến, nhưng ở đây, rùa Hồ Gươm còn là biểu tượng tinh thần, không thể thay thế bằng vật chất được.

“Ở Hồ Gươm không nhất định phải có rùa. Nơi đây gắn liền với một truyền thuyết trong lịch sử về rùa thiêng, còn có rùa hay không có rùa là do tự nhiên. Nếu bây giờ chúng ta chủ động mang rùa nơi khác về thả, rồi sinh sôi nảy nở để làm gì? Nếu muốn giới thiệu một giống rùa đặc sản nào đó thì hãy mang về Bách Thảo”, ĐBQH Dương Trung Quốc nêu quan điểm.

Nhà sử học, ĐBQH Dương Trung Quốc. Ảnh: ĐSPL 

Ông cũng cho rằng, gọi rùa ở dưới Hồ Gươm là “cụ rùa” cũng là do chúng ta linh thiêng hóa một vật thể, khi vật thể mất đi rồi lại cho là mất thiêng thì không nên.

“Đừng quá quan trọng mà hãy coi việc rùa xuất hiện ở Hồ Gươm là rất tự nhiên. Giống rùa quý, gắn với lịch sử linh thiêng chúng ta trân trọng, bảo tồn. Nhưng giữa rùa quý và một vị thần là rất khác nhau. Không nên tuyệt đối hóa mọi việc, liên tưởng về một sinh vật đã sống ở dưới Hồ Gươm. Truyền thuyết có những mặt thơ mộng riêng của nó, nếu bây giờ đem thả rùa Đồng Mô xuống Hồ Gươm lại thành một chuyện mất hay. Tất nhiên, đã là xã hội thì mỗi người một ý khác nhau, đó cũng chỉ là quan điểm của cá nhân tôi”, ông Quốc nhấn mạnh.

Bảo Bình (T/h)

Xuyên đêm nạo vét hồ Gươm(VietQ.vn) - Ước tổng lượng bùn trong cả hồ vào khoảng 57.000m3 và sẽ có khoảng 1.000m3 bùn được vét trong lòng hồ Gươm (Hoàn Kiếm).
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang