Đề án 996: Góp phần đưa sản phẩm Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế

author 06:31 26/10/2020

(VietQ.vn) - Không chỉ hướng đến mục tiêu phát triển hạ tầng đo lường quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế, Đề án 996 còn được Bộ KH&CN kỳ vọng sẽ góp phần đem lại một năng lực cạnh tranh mới cho doanh nghiệp với những sản phẩm đạt những tiêu chí mà thị trường quốc tế chấp nhận.

Kiểm định công tơ điện 3 pha tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn - Đo Lường - Chất lượng Hải Dương. Ảnh: Hải Ninh/haiduongdost.gov.vn 

Sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, tuy nhiên đây là điều mà không phải lúc nào các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể đáp ứng được đầy đủ. Trong bối cảnh đó, Bộ KH&CN đã thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế thông qua một loạt hoạt động nâng cao chất lượng sản phẩm, cung cấp các tiêu chí và dịch vụ đo lường, trong đó có phát triển hạ tầng đo lường quốc gia.

Tại Hội nghị “Hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án 996 về tăng cường đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế” diễn ra vào ngày 16/10 vừa qua, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định nhấn mạnh đến ý nghĩa của các hoạt động này: “Khu vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng chính là cầu nối giữa khoa học với đời sống, giữa khoa học với doanh nghiệp. Muốn nâng cao năng lực sản xuất, năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa sẽ phải phụ thuộc rất nhiều vào cây cầu nối ấy”.

Phát triển hạ tầng đo lường đồng bộ và hiện đại

Đo lường cần thiết ở khắp mọi lĩnh vực của đời sống xã hội hiện nay, từ quản lý nhà nước, xây dựng hạ tầng chất lượng quốc gia, nghiên cứu khoa học đến hội nhập quốc tế,... “Đo lường không chỉ giúp cung cấp bằng chứng cho hoạt động phân tích, dự báo, hoạch định chính sách mà còn đảm bảo công bằng trong thương mại; đảm bảo chất lượng sản phẩm; thúc đẩy đổi mới công nghệ và tối ưu trong sản xuất…”, ông Cao Xuân Quân - Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam cho biết.

Dù có vai trò quan trọng như vậy song hiện nay, Viện Đo lường Việt Nam mới chỉ có 30 chuẩn đo lường quốc gia được công nhận trên 41 chuẩn đo lường quốc gia được quy hoạch. Bên cạnh đó, hạ tầng đo lường quốc gia cũng còn nhiều hạn chế, gây khó khăn trong việc đảm bảo đo lường chính xác cho các phương tiện đo của tổ chức, doanh nghiệp. “Năng lực đo lường hiện nay mới đáp ứng được 5% nhu cầu kiểm định chuẩn của chúng tôi, số còn lại chúng tôi phải gửi ra nước ngoài để liên kết chuẩn, gây ra rất nhiều khó khăn khi phải mất thêm thời gian đến 2-3 tháng, đồng thời chi phí vận chuyển cũng tăng lên”, một đại diện của Cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ Quốc phòng) nêu vấn đề tại hội nghị.

Tổng quan hệ thống đo lường quốc gia. Ảnh: vjst.vn 

Đây không chỉ là vấn đề duy nhất xảy ra khi hạ tầng kỹ thuật đo lường còn nhiều hạn chế. Ông Nguyễn Văn Khôi - Vụ trưởng Vụ tiêu chuẩn cho biết, cùng với xu thế chung của thế giới, công tác đo lường của Việt Nam hiện đang được xã hội hóa rất mạnh với 450 cơ sở, tổ chức cung cấp dịch vụ đo lường, hiệu chuẩn,... Tuy nhiên hiện nay, năng lực và tiêu chí đánh giá của những tổ chức này vẫn chưa thực sự được hoàn thiện, dẫn đến việc thực tế có những khiếu kiện, khiếu nại về các kết quả đo lường như chỉ số công tơ điện, đồng hồ nước, cách tính phí thiết bị di động,... gây ảnh hưởng đến sự phát triển, ổn định kinh tế xã hội. “Đây đều là những vấn đề liên quan đến công tác đo lường, cần phải làm sao cho chuẩn chỉ để người tiêu dùng có thể tin tưởng”, ông Nguyễn Văn Khôi nói.

Do đó, Đề án 996 “Tăng cường đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt vào ngày 10/8/2018 chính là một nỗ lực nhằm đạt được mục tiêu như vậy. Theo nhận định của ông Cao Xuân Quân, mục tiêu chung của đề án là phát triển hạ tầng đo lường quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động đa dạng các nguồn lực xã hội cho hoạt động đo lường; xây dựng và áp dụng hiệu quả bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường,...

Để việc thực hiện đề án 996 được thuận lợi, Bộ KH&CN cũng đã ban hành quyết định phê duyệt “Danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và quyết định ban hành tiêu chuẩn quốc gia về Phòng thí nghiệm đo lường - Tiêu chí đánh giá năng lực đo lường. Trong đó, bộ tiêu chí quốc gia nói trên là một điểm nhấn quan trọng trong quá trình triển khai đề án 996, bởi “Việt Nam có gần 13000 tiêu chuẩn quốc gia, tuy nhiên tiêu chuẩn trong lĩnh vực đo lường lại rất hạn chế. Bộ tiêu chí đánh giá trong lĩnh vực đo lường này có thể nói là bộ tiêu chuẩn đầu tiên đi sâu vào vấn đề thử nghiệm”, ông Nguyễn Văn Khôi cho biết và kỳ vọng, với việc đưa ra các tiêu chí hướng dẫn, đánh giá về cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm, năng lực của các chuyên gia, bộ tiêu chí có thể góp phần nâng cao năng lực các chuyên gia kỹ thuật; khả năng đánh giá, hoàn thiện cơ sở hạ tầng để minh bạch hóa và tăng thêm tính tin cậy các kết quả đo lường, thử nghiệm.

Trong bối cảnh năng lực đo lường của nhiều tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam còn hạn chế, đề án đã nhận được sự đánh giá cao từ các bộ, ngành địa phương. Bà Võ Đình Liên Ngọc – Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Sở KH&CN TP.HCM nhận định, những nội dung hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đảm bảo đo lường trong đề án là rất thiết thực bởi nó có thể giúp cho doanh nghiệp kiểm soát lại hệ thống đo lường của mình. “Trong tình hình rất phức tạp hiện nay khi nhiều tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn làm không đúng bài bản, bộ tiêu chí sẽ là cơ sở để các địa phương áp dụng đánh giá năng lực đo lường thực tế tại các doanh nghiệp hoặc tổ chức, qua đó góp phần giúp chấn chỉnh lại hoạt động này”, bà Ngọc cho biết.

Cần sự phối hợp đồng bộ trung ương, địa phương

Tuy nhiên, trước một đề án mới, hầu hết các bộ, ngành còn khá bỡ ngỡ khi tiếp cận và thực hiện. Đại diện của nhiều đơn vị có mặt tại hội nghị đều cho biết còn lúng túng trong công tác triển khai và bày tỏ mong muốn được hướng dẫn, đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện các nhiệm vụ. Bên cạnh đó, nhiều kiến nghị cũng được các sở, ngành địa phương trình bày tại hội nghị, ví dụ như mong muốn Bộ KH&CN sớm có văn bản hướng dẫn về mức kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp nâng cao năng lực đo lường; sớm có văn bản hướng dẫn thống nhất định hướng các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp tại địa phương…

Hiểu rõ những băn khoăn này, Thứ trưởng Lê Xuân Định cho biết, Bộ KH&CN đang có dự thảo hướng dẫn triển khai thực hiện đề án và sẽ hoàn thiện trong thời gian tới với sự phối hợp chặt chẽ của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Vụ Pháp chế và Vụ Kế hoạch - Tài chính để có thể xác định rõ “cần giúp doanh nghiệp làm gì, bằng phương tiện gì và nguồn lực ở đâu để nâng cao năng lực đo lường”. Bên cạnh đó, một chương trình đào tạo về đề án 996 cũng đã được Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng lên kế hoạch xây dựng với ba khóa cụ thể về các nội dung tổng quan, xây dựng kế hoạch, kỹ năng triển khai và đánh giá hiệu quả thực hiện để đào tạo các cán bộ làm công tác đo lường tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong quản lý hoạt động đo lường - nguồn nhân lực giúp thực hiện hiệu quả chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp.

Bộ KH&CN đang dự thảo hướng dẫn triển khai thực hiện đề án và sẽ hoàn thiện trong thời gian tới với sự phối hợp chặt chẽ của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Vụ Pháp chế và Vụ Kế hoạch - Tài chính để có thể xác định rõ “cần giúp doanh nghiệp làm gì, bằng phương tiện gì và nguồn lực ở đâu để nâng cao năng lực đo lường".

Thứ trưởng Lê Xuân Định

Và để đề án có thể thành công, mỗi bộ, ngành, địa phương - những đơn vị nắm rõ nhất các vấn đề của mình cũng sẽ cần phải tự chủ động soi chiếu chức năng nhiệm vụ và nhu cầu phát triển hoạt động đo lường trong bộ, ngành, địa phương mình để xây dựng kế hoạch tổng thể thực hiện đề án. “Buổi hôm nay mới chỉ là bước khởi đầu, chúng ta sẽ còn rất nhiều công việc phải phối hợp với nhau cùng giải quyết trên con đường phía trước để nâng cao năng lực đo lường của quốc gia, năng lực đo lường của bộ, ngành, địa phương và từng thành tố quan trọng trong đó là năng lực đo lường của doanh nghiệp”, Thứ trưởng Lê Xuân Định cho biết.

Mục tiêu Đề án 996: đến năm 2025, phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đáp ứng công nhận đủ 41 chuẩn đo lường quốc gia theo quy hoạch đã được phê duyệt; công nhận ít nhất 200 phép đo hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận trong khuôn khổ Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau toàn cầu về đo lường (CIPM-MRA); phát triển được ít nhất 100 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại; áp dụng bộ tiêu chí quốc gia cho ít nhất 1000 phòng thí nghiệm được công nhận trong cả nước; bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho ít nhất 10,000 cán bộ tham gia hoạt động đo lường; triển khai Chương trình đảm bảo đo lường cho ít nhất 50.000 doanh nghiệp…

Để đạt được những mục tiêu trên, Bộ KH&CN đã xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện cho đến năm 2030 cho các bộ, ngành, địa phương cụ thể, bao gồm: đổi mới, sửa đổi chính sách tạo thuận lợi hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường phát triển hạ tầng đo lường quốc gia; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo lường; tăng cường hợp tác quốc tế; tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông về hoạt động đo lường… Trong đó, nhiệm vụ xây dựng khung Chương trình Đảm bảo đo lường tại Doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ cốt lõi của đề án, ông Trần Văn Giàu - Phó vụ trưởng Vụ Đo lường - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết.

Đổi mới công tác tiêu chuẩn, đo lường và sở hữu trí tuệ nâng cao chất lượng quản lý sản phẩm hàng hóa(VietQ.vn) - Thời gian qua, việc thực hiện công tác tiêu chuẩn, đo lường và sở hữu trí tuệ (SHTT) được Bộ Công Thương đổi mới, hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước; từng bước thiết lập hệ thống hàng rào kỹ thuật bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước; hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng.

Theo Khoa học phát triển

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang