Đề án giãn dân phố cổ: Chỉ có được chứ không mất!

author 10:21 06/02/2015

(VietQ.vn) - Tin tức mới nhất liên quan đến đề án giãn dân phố cổ cho thấy, các hộ dân thuộc diện giãn dân sẽ được mua nhà với giá ưu đãi, được tạo điều kiện mua ki ốt để kinh doanh, hơn nữa là điều kiện sống sẽ tốt hơn rất nhiều. Đề án chỉ có được chứ không mất.

Đó là những trao đổi của ông Lâm Quốc Hùng - Phó Chủ tịch quận Hoàn Kiếm, Hà Nội về Đề án giãn dân phố cổ.

Bắt đầu từ tháng 1/2015, Đề án giãn dân phố cổ đi vào giai đoạn 1. Theo đó, những đối tượng phải di dời trong giai đoạn một của dự án gồm: số dân sống trong di tích (464 hộ); trong công sở (21 hộ); trường học (13 hộ). Tổng số có 553 hộ với 1.856 nhân khẩu thuộc diện phải dời.

Bên cạnh đó, gần 6.000 nhân khẩu đang sống trong các căn hộ có giá trị, giá trị đặc biệt, biển số nhà đông hộ, nhà nguy hiểm, chung cư sở hữu tư nhân cũng nằm trong kế hoạch giãn dân đợt một.

Sau khi đề án được phê duyệt, dư luận đã đặt ra câu hỏi về vấn đề được – mất của đề án.

“Đề án chỉ có được chứ không mất”

Trao đổi với PV về vấn đề trên, ông Lâm Quốc Hùng - Phó Chủ tịch quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: “Trong đề án giãn dân thì theo tôi không có cái mất mà chỉ có được. Vì người dân không có điều kiện thuận lợi và không đáp ứng được quyền lợi một cách đồng bộ thì không hấp dẫn được người dân đi sang bên kia (nơi tái định cư cho người dân). Khu đô thị Việt Hưng là KĐT tương đối hiện đại, được xây dựng đồng bộ, có hạ tầng xã hội đầy đủ, trong đó bao gồm có nhà trẻ, có trạm y tế đạt chuẩn. Đồng bộ các cấp học từ mẫu giáo, cấp 1, cấp 2 và cấp 3. Có 40% các căn hộ đều ở phía mặt tiền của trước sau các tòa nhà. Tại tầng 1 có ki ốt để kinh doanh. Trong KĐT có đường nội bộ thuận tiện cho giao thông đi lại và tập thể dục trong khu dân cư.

Tại KĐT cũng có chợ dân sinh và khu tầng 2 là khu dịch vụ liên thông. Như vậy, sẽ tạo ra công ăn việc làm cho người dân khi đi sang đó, đảm bảo cuộc sống lâu dài cho họ. Cho nên, người dân vừa được cải thiện về nhà ở, không gian sống, sinh hoạt vừa được tạo điều kiện có công ăn việc làm để có thể sống ổn định, lâu dài. Có thể nói, đề án đảm bảo điều kiện an sinh xã hội cho người dân.”

Cũng theo Phó CT.quận Hoàn Kiếm, với những hộ thuộc diện bắt buộc di dời, sẽ được tái định cư tại khu nhà ở giãn dân phố cổ Việt Hưng (quận Long Biên).

Các hộ dân sẽ được miễn phí 30 m2 diện tích căn hộ tái định cư, phần diện tích trên 30 m2 được trả dần. Nếu hộ dân không đủ  điều kiện mua sẽ được thuê, thuê mua nhà theo chính sách xã hội. Trường hợp không nhận nhà tái định cư, ngoài tiền đền bù diện tích bị thu hồi theo khung giá đất của thành phố còn được hỗ trợ thêm 100 triệu đồng.

Nếu hộ dân đã nhận nhà tái định cư nhưng không có nhu cầu ở có thể bán. Tuy nhiên đối tượng này không được quay trở lại để ở tại diện tích đã thu hồi.

“Giá nhà được tính theo chính sách của thành phố cho nên được miễn phần hạ tầng đã đầu tư vào đấy rồi. Cho nên giá thành căn hộ sẽ thấp xuống, trong khi chất lượng căn hộ tại đây tương đối tốt, tương đối cao cấp. Vì thế tính hấp dẫn với các hộ dân là có”, ông Hùng nói.

Các hộ dân phố cổ sống rất khổ

“Các hộ dân trên này (phố cổ) sống rất là khổ khi di chuyển sang một nơi ở mới có điều kiện tốt hơn và hơn nữa có điều kiện để kinh doanh trong môi trường mới. trong khi đó KĐT đó là nơi kinh doanh tập trung cũng như khu dân cư tập trung… chưa có một KĐT nào xây dựng lại có tính hấp dẫn như vậy. Về lâu dài người dân sang đó sẽ được hưởng lợi rất là nhiều”, đó là nhận xét của ông Lâm Quốc Hùng về điều kiện sống của những người dân trong diện di dời.

Ông Hùng cũng chia sẻ, bên cạnh những người mong muốn được di chuyển, nhiều gia đình vẫn còn băn khoăn khi dời khỏi nơi ở cũ đến với cuộc sống mới.

Cho dù cuộc sống ở phố cổ hết sức khó khăn, không gian sống chật hẹp, tăm tối, điều kiện sống không đảm bảo… thậm chí với không ít người, cuộc sống tại phố cổ có thể coi là “địa ngục”.

Sở dĩ họ băn khoăn là vì hàng ngày, bước chân ra đường họ có thể kiếm sống bằng quán nước chè, tủ bán bánh, khay đồ lưu niệm, gánh hàng ăn, đủ tiền trang trải sinh hoạt hàng ngày.

Phố cổ đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội. Khu phố cổ này tập trung đông người, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài và cả trong nước.

“Nhiều hộ ở bên này (phố cổ) họ còn có công ăn việc làm, họ còn có thể tràn ra vỉa hè để kinh doanh và làm nhiều dịch vụ khác. Khách du lịch nhiều, chỉ cần chỗ ngồi nho nhỏ ở vỉa hè có thể kiếm tiền dễ hơn rất nhiều so với nơi khác. Đó là chưa kể những nhà mặt phố có thể kinh doanh lớn hoặc cho thuê, dễ dàng có một cuộc sống sung túc. Hơn nữa, phố cổ là một khu vực kinh doanh thương mại sôi động nhất Hà Nội, tiện lợi trong mua bán, sinh hoạt hàng ngày, đi lại của người dân. Trong khi đó, sang nơi ở mới, dù tiện nghi hơn nhưng họ băn khoăn với nguồn thu nhập hàng ngày để trang trải cuộc sống”, ông Hùng cho hay.

Để giải tỏa băn khoăn này cho người dân, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm trả lời, Nhà nước đã đảm bảo 40% các hộ sang bên đó sẽ có điều kiện mua, thuê ki ốt kinh doanh.

Về số diện tích mà những hộ dân di dời để lại, ông Hùng nói thêm, Số diện tích còn lại tại phố cổ sẽ được nhượng lại, để trùng tu phục vụ du lịch (với những diện tích liên quan đến đình đền, di tích…). Còn với những hộ tự nguyện dời đi thì diện tích còn lại sẽ cho số người ở lại để tăng thêm diện tích nhằm bảo tồn và phục vụ du lịch. 

Đề án giãn dân phố cổ Hà Nội với mục tiêu giảm mật độ dân cư từ 823 người một ha năm 2010 xuống còn 500 người một ha, tương ứng phải di chuyển trên 26.000 người (6.550 hộ).

Dự kiến giai đoạn một của đề án (2009-2015) sẽ di dời 1.530 hộ sống trong di tích, công sở, trường học; hộ có nhà, căn hộ chung cư xuống cấp; hộ sống trong ngôi nhà cổ có giá trị đặc biệt cần bảo tồn... sang khu đô thị Việt Hưng.

Giai đoạn hai của đề án (đến năm 2020) sẽ di dời 5.020 hộ đang sống trong nhà xuống cấp, đông hộ, đông dân. Việc di dời nhằm đảm bảo đến năm 2020 tiêu chuẩn bình quân mỗi người đạt 25 m2.

Khu phố cổ nằm trên địa bàn 10 phường của quận Hoàn Kiếm, diện tích 81 ha, tổng dân số trên 66.000 người. Mật độ dân số quá cao khiến cho hệ thống cơ sở hạ tầng quá tải, ô nhiễm môi trường.

(Còn tiếp)

Đức Thuận

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang