Đề án nghìn tỷ phải “lôi” được GS Ngô Bảo Châu về nước

author 06:47 20/02/2013

(VietQ.vn) – Nên tăng lương cho nhà khoa học, có chính sách ưu đãi với những khoa học giỏi, làm sao “lôi” được những người như Ngô Bảo Châu về nước...

Đề án đào tạo, thu hút, sử dụng nhân lực KHCN trình độ cao giai đoạn 2012 – 2020 đang thu hút được sự chú ý của các nhà khoa học.

Ủng hộ Giải thưởng nghiên cứu Quốc gia

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, Viện trưởng viện Toán, GS.TSKH Ngô Việt Trung cho rằng, ông rất ủng hộ Dự án xây dựng Giải thưởng nghiên cứu quốc gia, nằm trong Đề án này.

GS Ngô Việt Trung
GS Ngô Việt Trung. Ảnh: TT

Bởi hiện nay, chưa có “bộ thước đo” trình độ, sự cống hiến của các nhà khoa học thật sự chặt chẽ. “Tiến sĩ bây giờ nhiều nhan nhản, chả biết ai giỏi hơn ai” – nhà Toán học nhận xét.

Nếu được thông qua, hàng năm, nhà nước sẽ trao giải thưởng Quốc gia và cấp kinh phí cho 2 – 4 nhà khoa học được bình chọn là nhà khoa học đầu ngành có thành tích đặc biệt xuất sắc để họ chủ động phát triển các hướng nghiên cứu của mình.

Giải thưởng nghiên cứu Quốc gia hàng năm có giá trị 15 tỷ đồng (tương đương giải thưởng nghiên cứu xuất sắc của Trung Quốc, 5 triệu Nhân dân tệ). Nhà khoa học xuất sắc được sử dụng để tổ chức các hoạt động nghiên cứu theo sở trường trong lĩnh vực mình đảm nhiệm. Trong số kinh phí đó, số tiền nhà khoa học được sử dụng riêng cho cá nhân là 1,5 tỷ đồng.

Tiến sĩ Toán đứng cuối bảng lương viên chức

Bàn về vấn đề đầu tư cho khoa học, GS Ngô Việt Trung cho rằng, trước tiên nên tăng đãi ngộ cho những người làm nghiên cứu giỏi.

Trước kia, những nhà khoa học như GS Lê Văn Thiêm đều được hưởng chế độ tương đương Thứ trưởng. Nhưng hiện nay, lương Tiến sĩ Toán học chưa được 3 triệu, đứng hạng cuối cùng của viên chức.

“Thời chúng tôi, những người giỏi được cử ra nước ngoài học đều trở về. Bởi đồng đội chúng tôi ở lại đều ra chiến trường, chiến đấu dành độc lập. Tự bản thân chúng tôi cảm thấy, phải trở về để xây dựng quê hương. Những ai ở lại thời đó bị coi là phản bội Tổ quốc. Nhưng bây giờ, những người giỏi Toán như Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn...đều ở lại nước ngoài. Tiền đầu tư cho KHCN phải làm sao “lôi” được Ngô Bảo Châu về nước” – Viện trưởng viện Toán nhận định.

Theo ông, việc hoạch định các chính sách, đề án phát triển KHCN cần có sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học hàng đầu. Còn những thành phần khác chỉ đóng vai trò “giúp việc”, không nên là những người có quyền quyết định việc chi tiêu, phê duyệt các công việc nghiên cứu...

Trước kia, viện KHCN Việt Nam (nay là viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) ban đầu cũng thành lập các cơ quan như ban Tài chính, hành chính...chỉ để giúp việc cho Hội đồng khoa học. Nhưng dần dần, các ban này lại “lớn lên”, có quyền chỉ đạo lại các viện. (Còn nữa)

 Thiếu tiền đào tạo Tiến sĩ

GS Ngô Việt Trung cho biết, dù đề án 911 đã được phê duyệt nhưng hiện nay, viện Toán học vẫn chưa nhận được ngân sách đào tạo tiến sĩ từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ông còn đặt câu hỏi, không hiểu lý do gì mà ngân sách cho viện Toán đào tạo Tiến sĩ từ các đơn vị bên ngoài thì có nhưng tiền dành cho viện này đào tạo Tiến sĩ của chính viện mình thì lại không có.

(Bắt đầu từ tuần này, Chất lượng Việt Nam sẽ khởi đăng các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, chính khách, nhà nghiên cứu, nhà khoa học về dự án 13.000 tỷ đồng của Bộ KH&CN nhằm phát triển nguồn nhân lực trình độ cao nhằm xây dựng phát triển bền vững lĩnh vực KHCN nói riêng và quốc gia nói chung. Mời bạn đọc góp ý về đề án bằng cách phản hồi ý kiến dưới bài viết hoặc gửi thư về địa chỉ: [email protected])

Hoàng Tuân

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang