Đề án thí điểm sách giáo khoa điện tử 4000 tỷ: Không thể coi trẻ em như chuột bạch!

author 07:23 24/08/2014

Đó là quan điểm của PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT về Đề án thí điểm chương trình sách giáo khoa điện tử từ lớp 1 tới lớp 3 bậc tiểu học tại TP.HCM được Sở GDĐT TPHCM đưa ra mới đây.

PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Xuân Nhĩ về vấn đề này

Nếu được thông qua, đề án này sẽ cần 4.000 tỷ đồng để thực hiện trang bị hơn 320.000 máy tính bảng cho học sinh tiểu học. Ông đánh giá sao về đề án này?

Với xu hướng công nghệ thông tin như hiện nay, cái gì tiến bộ thì chúng ta ủng hộ. Tuy nhiên, về đề án này, trước đây chưa từng thực hiện mà đùng một cái thí điểm từ lớp 1 đến lớp 3 thì theo tôi là chưa nên làm. Bây giờ cứ thử nghĩ 3 năm đầu học sinh đã cắm đầu vào máy tính bảng thì không biết đến các lớp cao hơn sẽ như thế nào nữa. Vì vậy, theo tôi việc này cần được xem xét thận trọng, không nên quá vội vàng bỏ ra một số tiền lớn như thế để triển khai.

Theo ông, việc tiếp xúc thường xuyên với máy tính bảng ở giai đoạn từ lớp 1 đến 3  có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của trẻ?

Với độ tuổi từ lớp 1 đến 3, các em cần được phát triển tư duy, suy nghĩ một cách độc lập, việc phụ thuộc vào máy tính bảng trong quá trình học tập có thể khiến các em trở thành “những cỗ máy”. Vì vậy, tôi cho rằng không nên đưa toàn bộ học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 vào để làm “chuột bạch” thí điểm đề án này. Thậm chí, nếu có thí điểm cũng chỉ triển khai trong diện nhỏ.

Nếu triển khai, sau quá trình học qua tương tác với máy tính bảng đến hết lớp 3, sau đó lại quay về học sách giáo khoa ở lớp 4 và lớp 5. Ông đánh giá về việc này ra sao?

Người lập ra đề án cần trả lời được câu hỏi đó,  là sau 3 lớp học đó thì trẻ sẽ tiếp tục học các lớp trên theo hình thức như thế nào, sách giáo khoa truyền thống hay máy tính bảng. Ngoài ra, còn phải trả lời câu hỏi sẽ làm tiếp hay không làm.

Ngay như Thái Lan đã từng thí điểm và cũng đã phải từ bỏ cái này. Vậy tại sao chúng ta lại tiếp tục làm một cái mà người ta đã phải bỏ đi. Họ là những quốc gia có công nghệ thông tin phát triển mà còn phải từ bỏ thì chúng ta cũng cần xem xét lại.

Cần xét xem Thái Lan người ta bỏ là do không có đủ tiền để tiếp tục hay là việc đó không mang lại lợi ích cho giáo dục nên họ không làm nữa. Chứ không phải cứ cái gì tiên tiến là đem vào được. Thậm chí đem vào được cũng có phải là đem vào ngay được đâu.

Nếu triển khai, thì mỗi phụ huynh sẽ phải bỏ ra một khoản tiền từ 3-5 triệu đồng để đầu tư máy tính bảng cho con. Theo ông, điều này có phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay?

Theo tôi việc thí điểm này chỉ nên tiến hành trong một phạm vi nhỏ chưa thể làm đại trà ngay được. Bởi nhìn mặt bằng chung 3- 5 triệu để mua một máy tính bảng thay sách giáo khoa là một số tiền không hề nhỏ đối với khả năng kinh tế của đa số phụ huynh hiện nay.  

Trong bối cảnh nền giáo dục bây giờ, số tiền 4000 tỷ ấy là có thể để dùng vào cho  những việc khác.

Theo ông, đổi mới trong giáo dục có gì khác so với các lĩnh vực khác?

Đổi mới trong giáo dục là đổi mới về con người. Do đó cần nghĩ đến tất cả những hệ quả của nó. Với các lĩnh vực khác, việc đổi mới nếu có sai dù khó vẫn có thể sửa được, nhưng giáo dục liên quan đến con người thì cần hết sức thận trọng. Vì vậy không thể xem việc đổi mới lĩnh vực giáo dục cũng giống như ở các lĩnh vực khác.

Đổi mới không có nghĩa là phải thay đổi hoàn toàn mà cần tiếp tục phát huy những ưu điểm đã có trước. Và không nhất thiết phải là khác biệt hoàn toàn và tốn nhiều tiền mới được coi là đổi mới.

Vậy ông đánh giá ra sao về tính khả thi của đề án này?

Tôi rất nghi ngại về tính khả thi của nó. Theo tôi chưa nên làm, mà nếu có làm cũng chỉ nên trong một diện nhỏ. Bởi nếu có thất bại thì mức độ ảnh hưởng không cũng quá lớn. Nhưng giờ thực hiện trên phạm vi cả TP HCM, nếu thất bại thì có thể nói như đã gây ra một tai họa rất lớn.

Chưa kể, từ lớp 1 đến lớp 3, việc học phụ thuộc bằng máy tính tất cả, rồi lớp 4 và lớp 5 lại quay lại học sách giáo khoa như bình thường thì các em có tiếp cận được không. Thậm chí, có thể các em sẽ trở thành những con người lười biếng, không chịu học bằng sách vở vì quen máy móc rồi.. Đưa vào giáo dục một điều gì mới cần hết sức thận trọng chứ không thể coi các em học sinh như những con chuột bạch, thí điểm xong mà không thành công thì vứt đi được.

Xin cảm ơn ông rất nhiều!

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang