Để cơ chế tài chính là "bệ phóng" cho khoa học

author 09:34 29/06/2012

(VietQ.vn) - Để "cởi trói" cơ chế tài chính, các chuyên gia đề xuất lập các quỹ phát triển khoa học.

Cần đầu tư nhiều hơn cho khoa học

Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN),  tổng chi cho KH&CN đạt 2% tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN), đã tăng từ 5.890 tỷ đồng năm 2006 lên 14.442 tỷ đồng, tương đương 0,5–0,6% GDP.

Cần đầu tư nhiều hơn cho khoa học - công nghệ. Ảnh: internet
Cần đầu tư nhiều hơn cho khoa học - công nghệ. Ảnh: internet

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng: “Mức đầu tư cho KH&CN đạt 0,5 - 0,6% GDP là không thấp so với các quốc gia trên thế giới. Nhưng con số tuyệt đối tính trên đầu người dân cũng như tổng đầu tư xã hội cho KH&CN vào loại thấp nhất khu vực và thế giới (mức bình quân của các quốc gia trên thế giới là 1,9% GDP, trong đó các quốc gia phát triển chi tới 2,7 – 3,5% GDP cho KH&CN).

Hiện nay, tổng đầu tư xã hội cho KH&CN của Việt Nam (800 triệu USD) còn thấp hơn tổng đầu tư cho KH&CN của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) với mức 1 tỷ USD/năm.

Theo GS Nguyễn Văn Hiệu - Nguyên Chủ tịch Viện KHCN Việt Nam, sai lầm của chúng ta bấy lâu là chú ý đầu tư cho cơ sở vật chất mà không đầu tư cho con người để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất kỹ thuật đó, vì con người mới là yếu tố quyết định mọi thành công.

Huy động doanh nghiệp đầu tư cho khoa học

Hiện nay, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp cho phép các doanh nghiệp được trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho KH&CN. Nhưng thực tế, hầu hết các doanh nghiệp không trích hoặc trích không đủ. Vì chính sách KH&CN hiện nay chưa khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN, nhận thức của các chủ doanh nghiệp về vai trò của KH&CN còn chưa đầy đủ.

GS Hoàng Văn Phong - Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, cho rằng, cần có đội ngũ tài chính cho KH&CN. Đội ngũ này cần có năng lực chuyên môn và hiểu biết về đặc thù tài chính trong khoa học, từ đó tư vấn và xây dựng chính sách phù hợp. Khi xảy ra vướng mắc, bất cập trong hoạt động tài chính khoa học thì những chuyên gia này sẽ là cầu nối giữa các nhà khoa học và người làm chính sách, với kinh nghiệm cần thiết để xem xét, đề xuất ý kiến tháo gỡ vấn đề.

Đây cũng là cách mà Viettel đã thực hiện khá thành công. Tại tập đoàn này, người làm nghiên cứu có thể chuyên tâm vào công việc, còn vấn đề thủ tục hành chính, giải ngân… có một bộ phận chuyên trách chăm lo. Nếu gặp vướng mắc, họ có thể trực tiếp báo cáo ban lãnh đạo, tổng giám đốc và được ưu tiên giải quyết sớm. 

Hình thành các quỹ phát triển khoa học

Một trong những bất cập trong cơ chế tài chính là việc cấp phát kinh phí cho các dự án, đề tài thường đến tay các nhà khoa học chậm hàng năm vì để phê duyệt kế hoạch nghiên cứu hàng năm, Bộ KH&CN phải xây dựng kế hoạch trước khoảng 18 tháng để chuyển Bộ Tài chính trình Chính phủ.

Điều đó nghĩa là để có các nhiệm vụ KH&CN năm 2011 - 2012, Bộ KHCN phải chuẩn bị kế hoạch từ cuối năm 2009 và hoàn thành muộn nhất ngày 31/7/2010. Nhưng đến tháng 7/2011, Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt quyết định về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm 2011 – 2015 và Bộ Tài chính yêu cầu các nhiệm vụ KHCN của 2011 – 2012 phải tuân thủ các quy định trong quyết định của Thủ tướng.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết: “Chúng tôi đã phải giải trình với lãnh đạo Chính phủ, rằng chúng ta không thể hồi tố bằng một quyết định ra ngày 25/7/2011 đối với các nhiệm vụ đã được phê duyệt trước ngày này. Cuộc tranh cãi này đã kéo dài đến tận tháng 2/2012 chúng tôi mới được giao kinh phí các nhiệm vụ năm 2011. Còn 92 nhiệm vụ của 2012 cho đến nay vẫn chưa được giao kinh phí và vẫn chờ ý kiến của Thủ tướng”

Một bất cập khác của cơ chế tài chính là rất nhiều nội dung chi quan trọng nhưng chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, nên khi thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, các đề tài dự án, có nhiều nội dung không được thanh quyết toán. Ví dụ: chi thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài, chi đăng ký sáng chế hoặc công bố quốc tế, chi dự phòng lạm phát, chi tuyên truyền kết quả nghiên cứu… Thêm vào đó là những thủ tục thanh quyết toán quá chi li, cứng nhắc, khiến từ nhiều năm nay không ít nhà khoa học buộc phải nói dối, buộc phải chia đề tài nghiên cứu thành rất nhiều chuyên đề để có được một bản quyết toán “đẹp” với kho bạc. Cách làm này là một trong số nguyên nhân khiến chất lượng nhiều đề tài nghiên cứu thấp.

Cơ chế khoán được đề cập đến trong các thông tư liên tịch của Bộ Tài chính và Bộ KH&CN được nhiều đại biểu đánh giá là một cải tiến đáng kể về cơ chế tài chính, tuy nhiên lại gặp không ít khó khăn khi triển khai trong ngành nông nghiệp. Theo đại diện Bộ NN&PTNN, “Đối tượng nghiên cứu của ngành nông nghiệp là cây trồng, vật nuôi, sản xuất mang tính mùa vụ, chu kỳ kinh doanh dài; nhiều đề tài nghiên cứu về cây trồng, vật nuôi không thể cho kết quả ngay trong năm. Vì vậy việc quyết toán theo năm tài chính là bất hợp lý”.

Nhưng bà Nguyễn Thị Minh – Thứ trưởng Bộ Tài chính, giải thích: “Hiện nay chúng ta chưa có một bộ tiêu chí nào để kho bạc kiểm soát chi một cách thuận tiện cho nhà khoa học, đồng thời bảo đảm sự minh bạch trong chi tiêu… Chúng ta phê  bình người làm kiểm soát chi, nhưng Bộ Tài chính chỉ góp một tiếng nói hoàn thiện, chứ không nghĩ ra cơ chế tài chính. Cơ chế tài chính là do các nhà khoa học nghĩ ra, đề xuất để làm sao phục vụ tốt nhất cho hoạt động nghiên cứu khoa học”.

Nhằm khắc phục những tồn tại này, Bộ KH&CN đã đề xuất giải pháp và nhận được sự ủng hộ của nhiều đại biểu tại hội thảo, theo đó nhà nước cần chuyển cơ chế cấp phát tài chính cho các quỹ khoa học công nghệ. Hiện Bộ KH&CN có Quỹ phát triển KH&CN quốc gia (NAFOSTED) và Quỹ đổi mới KH&CN quốc gia, có chức năng xét duyệt các đề tài khoa học.

Tuy nhiên, do việc cấp phát kinh phí cho đề tài vẫn thông qua kho bạc, nên các quỹ này không phát huy được hiệu quả như mong muốn. Việc chuyển giao chức năng cấp phát kinh phí cho các quỹ sẽ là giải pháp cơ bản giải quyết các vướng mắc về thủ tục tài chính hiện nay.

 ĐV - PĐ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang