Để KH&CN trở thành yếu tố động lực trong phát triển kinh tế-xã hội

author 13:59 24/09/2019

(VietQ.vn) - Thứ trưởng Bùi Thế Duy đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường liên kết trong phát triển KH&CN để KH&CN trở thành yếu tố động lực trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Báo cáo tại Hội nghị giao ban KH&CN các tỉnh vùng Đông Nam Bộ lần thứ XV vừa diễn ra, Vụ Phát triển KH&CN địa phương (Bộ KH&CN) cho biết, giai đoạn 2017 - 2019, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, văn bản quản lý liên quan đến phát triển KH&CN, trong đó có nhiều văn bản trực tiếp tác động đến hoạt động KH&CN của các địa phương như: Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017; Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 19/7/2019; Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập,…

Trên cơ sở đó, Sở KH&CN các địa phương đã chủ động tham mưu cho Tỉnh/Thành ủy, HĐND, UBND ban hành những văn bản nhằm cụ thể hóa, tổ chức triển khai thực hiện. Theo thống kê từ Báo cáo của các Sở KH&CN từ năm 2017-2019 đã có 99 văn bản được các địa phương ban hành.

Trong đó: Tỉnh/Thành ủy ban hành 02 văn bản; HĐND ban hành 6 văn bản; còn lại 91 văn bản do UBND tỉnh/thành phố ban hành. Các văn bản tập trung nhiều đến cơ chế chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thúc đẩy ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước về KH&CN vùng Đông Nam Bộ ngày càng được tăng cường và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, từ nghiên cứu khoa học; phát triển công nghệ; ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN; tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng; sở hữu trí tuệ; thông tin thống kê; hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo,... đã góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý trên địa bàn các tỉnh trong khu vực. Là vùng thể hiện được khá rõ về sự phối hợp liên kết trong tổ chức các hoạt động KH&CN của vùng, nhất là liên kết, chia sẻ thông tin và phối hợp triển khai các nhiệm vụ KH&CN mang tính Vùng, bước đầu đã thu được kết quả.

Vai trò chỉ đạo điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền được thể hiện rõ trong việc ban hành hệ thống các văn bản quản lý nhà nước về KH&CN, đặc biệt là các văn bản liên quan đến quy định quản lý, cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thúc đẩy ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo,… Nhờ đó mà vai trò và vị thế của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương ngày càng được khẳng định. Việc triển khai cơ chế quản lý theo quy định mới góp phần tăng cường trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương.

Toàn cảnh Hội nghị. 

Hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ được triển khai ngày càng bài bản, sát với yêu cầu ứng dụng, nhất là việc đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu, nâng cao chất lượng, chú trọng hơn vào tính ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế sau khi nghiệm thu. Việc quản lý nhiệm vụ KH&CN của các tỉnh tiếp tục đi vào nề nếp, hợp lý và khoa học hơn; công tác xét duyệt, thẩm định, kiểm tra, nghiệm thu, đăng ký kết quả được thực hiện đúng quy định, thu hút đội ngũ chuyên gia của các viện, trường tại các tỉnh và trong vùng tích cực tư vấn giúp việc triển khai các nhiệm vụ có được cơ sở khoa học và phù hợp với thực tiễn. Đã hướng đến đối tượng trọng tâm, ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp có tiềm năng và năng lực tham gia thực hiện các đề tài, dự án, vì thế việc triển khai nhân rộng kết quả sau nghiệm thu ngày càng được khẳng định và có hiệu quả.

Công tác hỗ trợ về KH&CN được tiếp tục đẩy mạnh, nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, xác lập và phát triển tài sản trí tuệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo,... Các địa phương đã có sự quan tâm, đầu tư cho hoạt động phát triển thị trường, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo,… góp phần tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới, kinh doanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ và năng động trong tiếp cận thị trường. Hoạt động sáng kiến, sáng tạo được thực hiện ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả. Chất lượng các sáng kiến, sáng tạo ngày càng nâng cao.

Ngoài ra, các lĩnh vực khác như nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao KH&CN tiếp tục được đẩy mạnh ở cấp huyện và thành phố và ngày càng bám sát vào thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; công tác thanh tra cũng được chú trọng.

Tuy đạt được nhiều kết quả ấn tượng nhưng hoạt động KH&CN của Vùng Đông Nam Bộ cũng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều Giám đốc Sở KH&CN đã thẳng thắn nêu nên những khó khăn trong hoạt động KH&CN tại địa phương liên quan đến phát triển sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực KH&CN; cơ chế, chính sách chi cho đầu tư, phát triển KH&CN; cơ chế quỹ, cơ chế liên kết, hợp tác thực hiện nhiệm vụ KH&CN, hỗ trợ đổi mới công nghệ; cơ chế liên kết, hợp tác thực hiện nhiệm vụ KH&CN, hỗ trợ đổi mới công nghệ, cơ chế hỗ trợ cho việc nhân rộng, ứng dụng chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất,…

Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ KH&CN như Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng,... cũng đã có những giải đáp ý kiến của các Giám đốc Sở KH&CN về các vấn đề có liên quan.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đánh giá cao tinh thần trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm của lãnh đạo các Sở, đồng thời ghi nhận sự vào cuộc của các đơn vị thuộc Bộ trong việc xem xét, xử lý các đề nghị của địa phương.

Theo Thứ trưởng, Sở KH&CN các địa phương đã tích cực và có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị. Trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường liên kết trong phát triển KH&CN để KH&CN trở thành yếu tố động lực trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và tham gia giải quyết tốt các vấn đề của đời sống, xã hội.

“Đây là những thông tin quan trọng mang tính “đầu vào” cho Hội nghị Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Vùng Đông Nam Bộ do Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì vào ngày 24/9”, Thứ trưởng cho biết thêm.

Bộ KH&CN rất mong tiếp tục nhận được các kiến nghị, đề xuất của các địa phương về hoạt động KH&CN, đặc biệt là các kiến nghị liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đây sẽ là những căn cứ, thông tin quan trọng để Bộ KH&CN tổng hợp, nghiên cứu đề xuất phương án nhằm đẩy mạnh hoạt động KH&CN tới Đảng và Chính phủ trong thời gian tới.

Bảo Lâm

Thứ trưởng Bộ KH&CN: Doanh nghiệp là trung tâm trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia(VietQ.vn) - Với tinh thần coi doanh nghiệp là trung tâm trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các startup kết nối với các viện, trường biến ý tưởng thành sản phẩm thương mại.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang