Dễ mắc bệnh khi trời nồm ẩm: Cần làm ngay những điều này để phòng tránh

authorHòa Lê 07:20 23/03/2019

(VietQ.vn) - Miền Bắc đang bước vào thời điểm thời tiết nồm ẩm ướt nhất trong năm. Đây là môi trường lý tưởng cho virus, vi khuẩn phát triển.

Dễ mắc bệnh khi trời nồm ẩm

Miền Bắc đang bước vào thời điểm thời tiết nồm, ẩm ướt nhất trong năm. Đây là môi trường lý tưởng cho virus, vi khuẩn phát triển, gia tăng thời gian tồn tại, phát tán các mầm bệnh trong không khí. Kiểu không khí này rất dễ khiến mọi người nhiễm bệnh, nhất là với người già và trẻ nhỏ, những người có sức đề kháng kém.

BS. Nguyễn Trung Cấp, Khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, thời tiết nồm ẩm dễ gây chứng đau đầu, mệt mỏi, ra nhiều mồ hôi, khó ngủ. Đặc biệt, người đang mắc các chứng bệnh như thấp khớp, thấp tim, hen sẽ bị ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống thời gian này… Các virus, vi khuẩn rất phát triển khi trời nồm ẩm. Chúng lơ lửng trong không khí, bám vào quần áo, sách vở, chăn màn… rất dễ bị dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp, phát cơn hen suyễn.

Dễ mắc bệnh khi trời nồm ẩm: Cần làm ngay những điều này để phòng tránh

Thời tiết nồm ẩm dễ gây chứng đau đầu, mệt mỏi, ra nhiều mồ hôi, khó ngủ. Ảnh minh họa

Thời tiết nồm ẩm đặc biệt ảnh hưởng đến trẻ nhỏ và người lớn tuổi. Các bệnh dễ bùng phát trong thời điểm này phải kể đến các bệnh hô hấp viêm phổi, hen phế quản, hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm khí quản, phế quản cấp; bệnh sởi, thủy đậu, não mô cầu, tay chân miệng...

“Với trẻ nhỏ, thời tiết nồm, ẩm gây toát mồ hôi dễ thấm ngược vào cơ thể nếu cha mẹ không để ý. Đó là nguyên nhân chính khiến nhiều trẻ phải nhập viện vì viêm phổi với diễn tiến nhanh”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng từng công tác tại Bv Bạch Mai cho biết.

Cách phòng tránh bệnh khi trời nồm ẩm

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) để phòng tránh bệnh cho trẻ trong thời tiết nồm ẩm như hiện nay, gia đình cần giữ cho trẻ không gian sống khô thoáng bằng cách sử dùng máy hút ẩm, điều hòa 2 chiều ở chế độ khô, tăng nhiệt độ trong phòng.

Còn theo BS Cấp khuyến cáo nên hạn chế tiếp xúc nóng - lạnh đột ngột, hạn chế ra ngoài trời khi thời tiết ẩm ướt; không nên tắm quá lâu, không mặc quần áo ẩm ướt. Người có các bệnh dị ứng, hô hấp cần hạn chế tiếp xúc với nấm mốc, bụi bẩn...

Dễ mắc bệnh khi trời nồm ẩm: Cần làm ngay những điều này để phòng tránh

 Nên giữ nền nhà luôn khô thoáng. Ảnh minh họa

Phòng ngủ nên có máy hút ẩm. Nếu dùng thảm trải sàn phải bảo đảm luôn khô ráo, thường xuyên hút bụi vì đó là nơi tập trung nhiều nhất con bọ mạt hay còn gọi là con bụi nhà, một trong những tác nhân chủ yếu gây bệnh dị ứng. Khi trong nhà có những tủ sách lâu năm cần luôn dọn dẹp, hút bụi vì rất nhiều người đã lên cơn hen cấp tính phải nhập viện vì cầm sách đọc và hít phải bụi, mốc từ sách.

Với phụ nữ, thói quen vệ sinh không đúng cách sẽ tạo môi trường thuận lợi cho một số bệnh viêm nhiễm phụ khoa, nhất là những ngày "đèn đỏ" mà nồm ẩm rất dễ bị nhiễm khuẩn, nấm gây viêm âm hộ, âm đạo. Vì vậy, cần dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ hòa với nước để rửa. Tuy nhiên, không nên vệ sinh quá 2 lần/ngày bởi "sạch" quá môi trường vi khuẩn tự nhiên của vùng kín dễ bị mất cân bằng, dễ nhiễm bệnh.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang