Dễ mất cảm giác, giảm thính giác vì máy đầm cóc

author 20:07 22/04/2014

(VietQ.vn) – Sử dụng máy đầm cóc có tần suất rung cao trong thời gian dài, có thể gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe người lao động.

Lao động thường xuyên với máy đầm cóc có tần suất rung cao gây ù tai, đau đầu, mất cảm giác… do một số doanh nghiệp “lãng quên” việc thực hiện đo kiểm môi trường, không khám bệnh nghề nghiệp đúng định kỳ, không có bảo hộ lao động… khiến công nhân lo lắng.

Máy đầm cóc có khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động

Máy đầm cóc có khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động

Làm việc cùng máy đầm cóc gần 2 năm nhưng gần đây anh Nguyễn Văn Nam (Nga Sơn, Thanh Hóa) hơi nặng tai. Mỗi lần nói chuyện với bạn bè, anh phải ghé sát tai để lắng nghe trong khi người đối diện phải nói như quát. “Tai nghe không rõ nên tôi đã đến bệnh viện khám bệnh thì được bác sĩ cho biết đã mắc bệnh giảm thính lực giai đoạn nặng do ảnh hưởng tiếng ồn. Nhiều khi nằm ngủ cứ nghe ro ro bên tai nhưng đâu ngờ mình bị bệnh nặng tai”. – anh Nam lo lắng.

Anh Nguyễn Văn Chiến (Công nhân xây dựng, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Một ngày tôi lao động với chiếc đầm cóc khoảng 8h – 10h/ngày thì hai cánh tay mất cảm giác. Khi bê bát cơm lên ăn thì tay hoạt động không như ý. Lo sợ, tôi đã đi khám bệnh thì được biết nguyên nhân là do độ rung của máy đầm cóc.

Trình độ văn hóa chỉ lớp 10 nên khi nhận được công việc điều khiển máy đầm cóc với mức lương 4,5 triệu/tháng là điều may mắn. Nhưng mới lao động được một thời gian thì mất cảm giác khiến cho gia đình lo lắng…” – anh Chiến than thở.

Qua tìm hiểu, máy đầm cóc có tần suất rung khoảng 650 – 700 lần/phút, được chạy bằng dầu gây tiếng động lớn. Nhưng công nhân thường xuyên lao động không hề có bảo hộ lao động chống ồn, chống rung nên dễ mắc các bệnh như mất cảm giác, ù tai, đau đầu…  

Dễ rối loạn thần kinh cảm giác ngoại vi

Theo một số chuyên gia y tế, các bệnh về nghề nghiệp đang có chiều hướng tăng cao do ảnh hưởng của môi trường lao động. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến môi trường làm việc, khám sức khỏe định kỳ cho công nhân, nên người lao động không thể phát hiện bệnh tật sớm để có cách điều trị kịp thời. Chỉ đến khi bệnh tật phát triển làm sức khỏe giảm sút mới “tán hỏa” đi khám bệnh thì đã muộn.

Qua nghiên cứu của TS. Hoàng Thị Minh Hiền (Giám đốc Trung tâm Sức khỏe nghề nghiệp) được biết, làm việc với các thiết bị rung tay có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người lao động. Độ rung động truyền theo cánh tay được thể hiện qua “hội chứng" như rối loại thần kinh cảm giác ngoại vi, rối loạn trương lực mạch ngoại vi và các tổn thương cơ – xương – khớp. Trong đó, rối loạn thần kinh cảm giác ngoại vi là biểu hiện chủ yếu, trong khi bệnh ngón tay trắng có biểu hiện không rõ nét.

 Các chuyên gia khuyến cáo, người lao động nên khám sức khỏe định kỳ, trang bị bảo hộ…để sớm phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

 Tuấn Anh


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang