Để nâng cấp mở rộng nhà máy, Lọc dầu Dung Quất tính vay 1,26 tỷ USD

authorĐỗ Thu Thoan 07:17 12/07/2017

(VietQ.vn) - Công ty TNHH MTV Lọc hoá dầu Bình Sơn (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) chuẩn bị nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Do số vốn đầu tư dự kiến khá lớn, trên 1,8 tỷ USD nên Công ty này sẽ phải vay thêm khoảng 1,26 tỷ USD.

Theo Vneconomy, mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây Dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng, tỉnh Quảng Ngãi và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để xin ý kiến tham vấn thẩm định thiết kế và dự toán xây dựng công trình dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Công văn của Bộ Công Thương nhận định dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất là dự án trọng điểm nhà nước về dầu khí. Việc nâng cấp, mở rộng nhà máy là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách hiện nay nhằm đảm bảo cho nhà máy vận hành linh hoạt, ổn định, hiệu quả, có thể chế biến được các loại dầu thô khác nhau, đa dạng hoá sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và môi trường hiện tại và tương lai.

Theo Công ty Lọc hoá dầu Bình, Dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ có tổng vốn đầu tư 1,806 tỷ USD, trong đó vốn chủ sở hữu/vốn vay tối thiểu là 30%/70%, tương ứng phải vay thêm khoảng 1,26 tỷ USD, báo Dân trí thông tin.

de-nang-cap-mo-rong-nha-may-loc-dau-dung-quat-tinh-vay-126-ty-usd

Lọc dầu Dung Quất tính vay 1,26 tỷ USD để nâng cấp mở rộng nhà máy. Ảnh internet

Trong đó, vốn chủ sở hữu cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cấp, vốn vay thì từ các nguồn tín dụng xuất khẩu, vay thương mại từ các ngân hàng trong và ngoài nước.

Công ty này cũng cho biết, Nhà thầu thiết kế và dự toán xây dựng là Công ty Amec Foster Weecler (AFW) đến từ Vương quốc Anh, là nhà thầu đã tư vấn thiết kế tổng thể cho giai đoạn 1 của Lọc dầu Dung Quất.

Hiện, Bộ Công Thương đã thành lập Hội đồng thẩm định thiết kế tổng thể và dự toán xây dựng của Dự án trên. Bộ Công Thương cho biết hiện nay Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn vẫn chưa có đơn vị thẩm tra thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và dự toán xây dựng của AFW nên Bộ này đã yêu cầu Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn tiếp tục bổ sung để xét duyệt, theo Dân trí.

Dẫn thông tin theo BizLIVE, trước đó, ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch Công ty TNHH Lọc hoá dầu Bình Sơn cũng cho biết việc mở rộng sẽ giúp nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động hiệu quả hơn, giúp sản lượng tổng thể tăng khoảng 30%, cũng như cắt giảm chi phí sản xuất.

"Khi hoàn thành vào năm 2021, nhà máy lọc dầu Dung Quất mở rộng có thể đáp ứng một nửa nhu cầu nhiên liệu của Việt Nam. Hiện công suất hiện tại của nhà máy là 148.000 thùng/ngày, đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu trong nước", ông Giang nói.

Cũng theo BizLIVE, năm 2017, doanh thu được Lọc hoá dầu Bình Sơn đặt chỉ tiêu là 62.400 tỷ đồng, giảm gần 13.000 tỷ đồng so với ước thực hiện năm 2016. Lợi nhuận trước thuế 1.682 tỷ đồng cũng là con số rất khiêm tốn so với năm 2015, giảm gần 3 lần.

Tương tự, nộp ngân sách năm 2017 cũng giảm mạnh còn 7.193 tỷ đồng, trong khi con số này năm 2016 vừa qua là hơn 12.410 tỷ đồng.

Trong khi kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 28 triệu USD, năm 2017 BSR dự kiến không xuất khẩu. Bên cạnh đó, năm 2017, BSR dự kiến sẽ đầu tư thêm khoảng gần 2.000 tỷ đồng.

Đỗ Thu Thoan (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang