Hiểm họa xe đạp Fixed Gear chất lượng kém

author 07:11 22/11/2013

(VietQ.vn) - Dòng xe đạp không phanh – Fixed Gear đang tạo thành một trào lưu trong giới trẻ. Tuy nhiên, với nhu cầu cầu tăng vọt của khách hàng, nhiều cửa hàng đã chạy theo lợi nhuận, nhập về những chiếc xe kém an toàn, bán với giá cao, gây nguy hiểm cho người sử dụng.

"Ma trận" giá cả, chủng loại

Fixed Gear là xe đạp không phanh được thiết kế hết sức đơn giản theo hướng giản lược tối đa các chi tiết. Bánh răng trước của xe được bắt chết với pedal, bánh răng sau được bắt chết với bánh xe, hai bánh răng liên kết với nhau bởi dây xích. Xe có phần tay lái, hay còn gọi là ghi đông, không bao giờ thống nhất. Vì không không hề có vòng bi ở bánh sau nên khiến bánh sau hoàn toàn quay theo sự điều khiển của người lái.

Fixed Gear có màu sắc sặc sỡ, lòe loẹt và rất thời trang, người dùng có thể tùy ý phối màu xe theo các phong cách trang phục khác nhau phù hợp với cá tính, sở thích cá nhân. Một số bạn trẻ thích thú với Fixed Gear là do niềm đam mê sắc màu, còn hầu hết người chơi Fixed Gear là bởi yêu thích thể thao và thích thú với nghệ thuật biểu diễn xe đạp như: đi 1 bánh, đi lùi, phanh xe, drift, nhấc bánh sau,...

Làn sóng xe đạp không phanh Fixed Gear khiến giới trẻ mê đắm

Nắm bắt được nhu cầu nên thị trường xe Fixed Gear thời gian gần đây phát triển khá nhanh và rầm rộ, nhiều cửa hàng kinh doanh loại xe này mọc lên. Giá xe cũng có những sự khác biệt, chênh lệch rất lớn. Có dòng chỉ bán với giá 1.500.000 đồng/chiếc nhưng có loại lên tới 12.000.000 đồng/chiếc. Nhiều cửa hàng còn đưa ra nhiều khuyến mãi hấp dẫn để thu hút khách hàng như giảm giá từ 500.000 – 1.000.000 đồng/sản phẩm, ưu đãi tặng quà… Nhiều người mới chơi, do thiếu kiến thức nên thường có cảm giác như lạc vào “ma trận” bởi sự phong phú giá cả, lo lắng vì chất lượng chênh lệch cũng như nguy cơ mua phải hàng fake.  

Anh Nguyễn Trọng (Tây Hồ, Hà Nội), một người chơi Fixed Gear bằng kinh nghiệm của mình chia sẻ, Fixed Gear có nhiều loại với nguồn gốc xuất xứ và hãng sản xuất khác nhau. Đa số Fixed Gear “fake” có giá rẻ, mua mới chỉ tầm 2.000.000 đồng/xe và không đạp lùi được, mua cũ chỉ còn 1.000.000 – 1.500.000 đồng. Loại có giá 3.000.000 đồng/xe là dòng tầm trung, đạp lùi để hãm phanh song khung xe chỉ được làm bằng sắt. Các loại xe từ 5.000.000 đồng/xe trở lên là dòng xe chuẩn, kết cấu vững chắc, đạp tiến, đạp lùi đều “ngon”, đặc biệt kung được làm bằng nhôm vừa bền vừa nhẹ.

Anh cũng nhấn mạnh, đây là khung giá chung áp dụng cho những người từng có kinh nghiệm chơi Fixed Gear, mua xe theo đúng giá trị thật chứ không phải sản phẩm đã được các cửa hàng “làm giá”. Còn nếu người chơi “gà mờ” thì việc mua nhầm xe rởm giá rẻ 2.000.000 đồng nhưng phải trả mức giá “cắt cổ” 5.000.000 đồng cũng không phải chuyện khó gặp.

Tiền mất tật mang khi mua nhầm xe “fake”

Trên nhiều diễn đàn, fanpage, các admin cũng đưa ra nhiều lời cảnh báo về sự xuất hiện của dòng xe Fixed Gear “fake” đẩy người chơi vào vòng nguy hiểm. Theo đó, xe giả có chỗ bắt chân chống; may-ơ (hub) sau rất to, có 1 thanh thép bắt vào khung; không có trap hay giọ chân. Dòng xe này nguy hiểm bởi nếu chỉ dùng chân thì không thể hoàn toàn điều khiển được tốc độ được như xe xịn. Để đảm bảo an toàn, nó bắt buộc phải có đủ 2 phanh trước và sau, do thiếu hiểu biết mà nhiều cửa hàng bán xe đạp đã nhập về và tháo phanh trước ra, bán cho khách hàng như Fixed Gear xịn. Sử dụng loại xe này, khi đạt tốc độ 30-40km/h, chân bị cuốn vào vòng quay, sẽ không có phản ứng đạp ngược đủ nhanh để dừng xe nếu gặp chướng ngại vật, không có phanh trước nên rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, loại xe này được thiết kế rất rẻ tiền, các mối hàn rất ẩu, khung dễ cong vênh, các chi tiết ráp với nhau kém. Lời cảnh báo được đưa ra là: “Loại xe này mua về tiền mất tật mạng, thậm chí cố tình convert thành fix đi cũng nguy hiểm”.

Những cảnh báo nguy hiểm về xe Fixed Gear rởm đã được đưa ra

Anh Nguyễn Đình Cường (Chủ cửa hàng Xedapvip.com) thì cho biết, Fixed Gear thực chất đã du nhập vào Việt Nam được khoảng 2 năm nhưng do ít ỏi nên chưa tạo thành trào lưu. Phải đến thời gian gần đây, dòng xe này mới khiến giới trẻ thích thú và nhanh chóng “làm mưa làm gió” trong thế giới xe đạp. Theo anh Cường, đa số Fixed Gear hiện nay đều nhập từ Trung Quốc song không phải tất cả các dòng có nguồn gốc ở đây đều chất lượng kém. Cũng có nhiều dòng cao cấp, chất lượng tốt, giá lên tới hơn chục triệu, sử dụng rất yên tâm. Song vì không phải người chơi nào cũng am tường về dòng xe mới mẻ này nên nguy cơ mua “hớ” một chiếc xe “đểu” với giá đắt rất dễ xảy ra. Đã từng có cặp vợ chồng đến cửa hàng anh để mua xe đạp địa hình MTB địa hình. Người vợ thấy cửa hàng có bán chiếc xe Fixed Gear giống hệt mình mới mua nên tò mò hỏi giá. Trong khi cửa hàng anh Cường bán với giá 3.500.000 đồng/xe thì cô vợ này đã phải mua nó với giá 5.200.000 đồng, dù khi mang hẳn xe đến so sánh thì chúng hoàn toàn giống nhau.

Anh chia sẻ, kể câu chuyện trên không phải anh muốn chê các cửa hàng khác bán đắt bởi mỗi cửa hàng phải gánh các khoản chi phí khác nhau như thuê mặt bằng, nhân viên… nên giá cả “đội” lên hoặc chênh lệch là điều dễ hiểu. Câu chuyện trên chỉ là một lời khuyên, khách hàng khi đi mua thì nên tham khảo giá kỹ, nhờ những người có kinh nghiệm xem giúp để tránh tốn nhiều tiền mà lại “rước” về nhà một “em” Fixed Gear chất lượng kém, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn (ngã, đâm vào chướng ngại vật nguy hiểm) khi lưu thông trên đường.

Lam Phong

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang