Đề thi ĐH sau này có cả Giáo dục công dân, Hội nhập...!

author 10:55 24/06/2014

Đề thi không phải riêng Văn học, mà bao gồm cả Địa lý, Sử, Giáo dục công dân, hợp tác quốc tế, hội nhập… Học sinh học gì thi nấy, dùng kết quả của tất cả các môn học để đi thi, vậy nên không chỉ là thi 6 môn, 4 môn mà là thi nhiều môn hơn. Đó chính là sự toàn diện.

Sự kiện:

Khi quán triệt Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện GD – ĐT, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận luôn nhấn mạnh các thầy cô giáo, đội ngũ quản lý cần có niềm tin.
Bộ trưởng Giáo dục nói về đổi mới đề thi ĐH. Bộ trưởng Phạm Vũ  Luận rất tâm đắc một câu nói của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đại ý: Mất đất chưa phải là mất tất cả. Mất lòng dân thì mới mất hết.

Bộ trưởng Giáo dục nói về đổi mới đề thi ĐH. Bộ trưởng Phạm Vũ  Luận rất tâm đắc một câu nói của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đại ý: Mất đất chưa phải là mất tất cả. Mất lòng dân thì mới mất hết. "Tư lệnh ngành Giáo dục" nhấn mạnh: “Cho nên chúng ta cần phải có lòng tin, điều gì chưa hiểu thì thẳng thắn trao đổi với nhau”.

Chỉ rõ điểm yếu kém cơ bản của giáo dục

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Nghị quyết 29 đề cập đến 6 ưu điểm, 10 hạn chế của giáo dục. Phần ưu điểm viết chung cả thành tựu và nguyên nhân; phần về hạn chế phân tích rõ 10 hạn chế, sau đó nói kỹ nguyên nhân. 

Theo đó, đơn thuần về số lượng, có thể thấy rõ thái độ nghiêm túc trong đánh giá, nhìn nhận các mặt của giáo dục - đào tạo. Có thể khẳng định: Tất cả những thành tựu của đổi mới kinh tế - xã hội trong mấy chục năm qua đưa đất nước vượt qua khủng hoảng, ổn định, có vị thế như hiện nay chủ yếu do đội ngũ lao động mà các cơ sở đào tạo của Việt Nam đào tạo nên. Thành tựu rất lớn, nhưng khi đánh giá chỉ liệt kê 6 thành tựu.

Nói về hạn chế với con số 10, Bộ trưởng thẳng thắn phân tích: Trong các báo cáo, thành tích thường nhiều hơn hạn chế, số lượng, số trang nhiều hơn. Tinh thần đấu tranh mạnh thì ngang nhau. Nhưng trong Nghị quyết 29, số lượng thành tích ít hơn hạn chế. 

Sâu hơn nữa, Nghị quyết phân tích rõ hạn chế và chỉ ra nguyên nhân, thể hiện thái độ thực sự cầu thị, thẳng thắn nhìn vào sự thật, khẳng định 6 thành tựu và 10 hạn chế yếu kém của giáo dục và đào tạo Việt Nam hiện nay, trong đó có những yếu kém đã được đề cập qua nhiều năm mà vẫn chưa giải quyết được; thậm chí còn trầm trọng hơn, gây bức xúc trong toàn xã hội.

Bộ trưởng chỉ rõ: Trong thực tế, nói đến dạy thêm - học thêm, bệnh thành tích, không trung thực, nói đến nhiều hạn chế, yếu kém cụ thể của giáo dục, có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng có những nguyên nhân từ chính ngành Giáo dục, do trách nhiệm của Ngành.

Trong suốt quá trình phát triển giáo dục vừa qua, chúng ta thay đổi nhiều về nội dung, chương trình, nhưng hầu như giữ nguyên cách dạy và cách học, cách thi và kiểm tra. Có thể thấy việc học, thi cử thời trước và hiện tại về cơ bản là giống nhau. Kiến thức trước dạy ở đại học giờ dồn xuống THPT, nhiều kiến thức trước ở THPT nay đã dồn xuống THCS…

Cách dạy, cách học nặng về truyền thụ kiến thức một chiều, thầy giáo giữ vị trí trung tâm, truyền đạt những kiến thức được coi là chân lý; học sinh ghi chép, học tập, ghi nhớ. Với sự bùng nổ của thông tin, của tri thức hiện nay, dạy – học như vậy sẽ dẫn tới quá tải. Nếu không thay đổi cách tiếp cận thì càng ngày càng quá tải.

Cách thi cử là thi việc hiểu, nhớ, viết lại những kiến thức mà thầy đã truyền đạt. Thi xong là học sinh quên hết. Và chỗ nào không nhớ thì học sinh mang sách vở, mang tài liệu để chép bài. Đây là điểm yếu kém cơ bản của giáo dục.

Đổi mới để không lạc lối!

Bộ trưởng đã dùng từ “lạc lối” khi nói đến cách dạy, cách học, cách thi của giáo dục Việt Nam. Bởi 50 năm trước thế giới cũng học, cũng thi như vậy. Nhưng giờ, giáo dục thế giới đã thay đổi mà chúng ta vẫn giữ nguyên như cũ.  Có khác chăng là thay khối lượng kiến thức theo hướng tăng lên.

Tiếp tục nữa thì sẽ lạc lối. Chúng ta phải hướng đến những thành tựu của nền giáo dục thế giới - chuyển từ nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức một chiều sang nền giáo dục chú trọng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh. Bộ Chính trị và Trung ương đã đồng ý về nội dung đổi mới căn bản này của ngành GD&ĐT - Bộ trưởng cho biết.

Còn với nội dung đổi mới toàn diện, ngay từ các kỳ Đại hội trước đã thống nhất. Đó là thay đổi tất cả những yếu tố, những chủ thể của quá trình đào tạo: Thầy phải thay đổi, trò phải thay đổi, cán bộ quản lý phải thay đổi; tư duy phải thay đổi, hành động phải thay đổi; chương trình phải thay đổi, sách giáo khoa phải thay đổi, cách dạy, cách học, cách thi cử càng phải thay đổi. Toàn bộ các yếu tố, các chủ thể của hoạt động giáo dục phải thay đổi.

Theo Bộ trưởng, như vậy vẫn chưa đủ, các yếu tố khác, các chủ thể khác của xã hội tham gia vào quá trình giáo dục cũng phải thay đổi. Ví dụ: Sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của hệ thống chính quyền, sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và các bộ - ngành khác, quản lý của các trường ĐH, các trường phổ thông phải thay đổi, phụ huynh phải thay đổi.

Ví dụ sẽ có câu hỏi: Phụ huynh phải thay đổi gì? Bộ trưởng chỉ rõ: “Tôi thấy các cháu đi học về nói con được 7, 8 điểm là bố mẹ đã coi như trời sập đến nơi rồi. Đọc thơ của Giang Nam có câu rất hay: “Có những ngày trốn học cạnh cầu ao/ Mẹ chưa đánh roi nào tôi đã khóc…”. Thời đi học của ông bà, cha mẹ cũng “nhất quỷ, nhì ma”, vậy mà bây giờ vẫn thành cán bộ của Đảng, thành trưởng, phó phòng… 

Hình như người lớn chúng ta đang dồn lên vai con trẻ tất cả những điều mình không làm được trong cuộc đời, bắt các con phải làm. Như thế là không bình thường và đứa trẻ không thể phát triển lành mạnh được”.

Một quyết định hành chính không thể có giáo dục toàn diện 

Hình ảnh có một thí sinh trong phòng thi dù còn cần điều chỉnh để làm sao giảm cồng kềnh, lãng phí, nhưng đã nói lên một quan điểm khác, một điều đáng quý: Đó là lấy học sinh làm trung tâm. Các quyết định của chúng ta, của người lớn, của cơ quan quản lý là vì lợi ích của con trẻ, chứ không phải lấy cái thuận tiện của mình rồi bắt học sinh thực hiện   

Để chuyển từ nền giáo dục đang rất nặng về truyền thụ kiến thức một chiều hiện nay sang nền giáo dục chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất của người học, cách dạy phải khác, cách học, thi cử, kiểm tra đánh giá phải khác, và sẽ không quá tải, học sinh không thể học – thi gian dối. 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã có những phân tích rất cụ thể tinh thần của Nghị quyết 29 qua thực tế đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014.

Đổi mới thi cử, từ thi 6 môn, bây giờ học gì thi nấy, kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp với điểm học của quá trình - mỗi phần 50%: Một phần quốc gia tổ chức thi với kỳ thi tốt nghiệp do Bộ trưởng chỉ đạo; một phần giao Giám đốc Sở GD&ĐT địa phương chỉ đạo với kết quả của cả một quá trình học tập.

Về phần thi quốc gia, đã giảm từ 6 môn xuống 4 môn. Nghị quyết 29 đề cập trực tiếp đến “3 giảm”: Giảm căng thẳng, giảm sức ép, giảm tốn kém. Khi kết hợp giữa quá trình và kết quả thi cuối năm đã tạo đủ điều kiện để giảm môn thi tốt nghiệp.

Đáng chú ý là thay đổi lớn, thay đổi mạnh mẽ từ việc Bộ GD&ĐT chọn môn thi sang cho học sinh tự chọn theo sở thích, năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp, theo tinh thần tôn trọng học sinh.

Đặc biệt, xóa tan những nghi ngại đổi mới thi tốt nghiệp THTP như vậy là giáo dục học sinh không toàn diện, nhất là với những môn học sinh ít đăng ký dự thi, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: “Quan điểm toàn diện của Nghị quyết 29 của Trung ương đã thay đổi so với trước”. Toàn diện trước đây là cái gì cũng phải dạy, cái gì cũng phải học. 

Nhưng trên thực tế cái gì cũng dạy, cái gì cũng bắt học sinh học nên không sâu. Chúng ta đã thiết kế chương trình học toàn diện đến hết THCS, và thiết kế này thực tế đã từng có ở chương trình học phân ban.

Thứ hai, không để tình trạng thầy - trò đối phó với nhau. Không thể giáo dục toàn diện khi Bộ GD&ĐT quyết định môn thi: Năm nay thi Địa lý thì học sinh học Địa lý, nhưng sang năm không thi thì học sinh không học nữa, thầy cũng không chuyên tâm dạy môn Địa.  Như vậy là có sự lệch lạc của cả một thế hệ học sinh theo hướng chỉ huy của Bộ, lệch theo tác động bên ngoài.

Giờ ta cho học sinh tự chọn, nếu có lệch thì là lệch theo năng lực sở trường của các cháu để định hướng nghề nghiệp và không bị lệch cả thế hệ. Bây giờ, học sinh học Lịch sử, thi Lịch sử với tình yêu thật sự; học sinh học Địa lý với định hướng nghề nghiệp sau này sẽ làm công việc liên quan đến môn học này. Tương tự, với các môn học khác cũng vậy.

Hiện nay các em thi 4 môn: Văn, Toán, Sử, Địa… Nhưng đề thi sẽ ngày càng tiến tới không phải là 4 môn thi mà là 4 bài thi, mỗi bài thi nhiều môn. 

Và đề thi không phải riêng Văn học, mà bao gồm cả Địa lý, Sử, Giáo dục công dân, hợp tác quốc tế, hội nhập… Học sinh học gì thi nấy, dùng kết quả của tất cả các môn học để đi thi, vậy nên không chỉ là thi 6 môn, 4 môn mà là thi nhiều môn hơn. Đó chính là sự toàn diện.

 Khi nói mục tiêu giáo dục, không chỉ nói mục tiêu số đông mà còn hướng đến phát triển năng lực phẩm chất riêng của mỗi người, để mỗi con người phát triển hạnh phúc, hài hòa với mục tiêu cá nhân. Việc chuyển từ Bộ chọn sang học sinh  chọn môn thi tốt nghiệp là chuyển sang phát triển năng lực phẩm chất riêng của từng người theo mô hình thiết kế chung, không tạo ra những con người giống nhau - những công dân đồng phục.

“Giáo dục sẽ thay đổi ở cách dạy, cách học để học sinh yêu tất cả các môn hoặc yêu một số môn. Đổi mới đề thi để chạm được vào trái tim của học sinh, các em làm bài có sự xúc động, có kỷ niệm, ấn tượng, để từ đó tác động ngược trở lại thay đổi cách dạy - cách học, không chỉ lớp 12 mà là cả hệ thống. Một quyết định hành chính không thể có giáo dục toàn diện” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Nghị quyết 29 có một tư tưởng vô cùng quan trọng - Lấy người học làm trung tâm. Tất cả các thay đổi đều dựa trên động lực và lợi ích của học sinh.

Lộ trình đổi mới được Bộ trưởng vạch rõ: Đó là ngành Giáo dục đang chuẩn bị cho việc thay đổi chương trình và sách giáo khoa phổ thông, có những định hình nhất định sẽ bắt đầu thay đổi chương trình đào tạo các trường sư phạm. Các “cỗ máy cái” đào tạo giáo viên cùng nhập cuộc khâu đổi mới này.

Toàn ngành Giáo dục đều cùng lựa chọn, đề cử các chuyên gia giỏi viết chương trình, SGK. Bộ GD&ĐT đang tính toán, ban hành xây dựng các quy định chọn lựa người viết sao cho hài hòa, cân đối giữa nhà khoa học với nhà giáo, giữa người lớn tuổi và thế hệ trẻ tiếp thu khoa học kỹ thuật của thế giới; các định mức, chi tiêu; thù lao… Cần phải chuẩn bị chu đáo rồi mới tiến hành.

Bộ trưởng cho biết đã làm việc với lãnh đạo, giảng viên 6 trường sư phạm và đã cử nhiều nhóm các chuyên gia của các trường sư phạm tham quan một số nước có mô hình giáo dục mà Việt Nam muốn học tập để vừa tìm hiểu giáo dục phổ thông, vừa tìm hiểu mô hình đào tạo sư phạm nước bạn.

Bộ GD&ĐT sẽ tập huấn về tích hợp, phân hóa, tự chọn; viết chương trình mới thế nào để khác hẳn cũ, viết sách học sinh thế nào, viết sách giáo viên ra sao… 

Tiếp đó sẽ thiết kế định hình bộ chương trình, SGK. Ổn rồi sẽ quay trở lại thiết kế chương trình đào tạo của các trường sư phạm. “Bởi đổi mới sư phạm không có mục tiêu tự thân, đổi mới sư phạm nhằm có một nguồn lực căn bản để thực hiện đổi mới phổ thông. Do vậy, phải đi sau một chút” – Bộ trưởng lý giải.

Cân nhắc giữa đào tạo mới SV sư phạm với đào tạo lại, Bộ trưởng cho biết sẽ chú trọng đào tạo lại, chú trọng bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý hiện có để họ thích nghi, đáp ứng được yêu cầu.

Có lòng tin, tính nguyên tắc, tinh thần trách nhiệm, danh dự sẽ vượt qua mọi khó khăn

Nội dung quán triệt Nghị quyết của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thường có những ví dụ rất đời thường, hiệu triệu lòng người. 

Ông hồi tưởng thời chống Mỹ có khẩu hiệu rất hay: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Trong công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay, cán bộ - đảng viên đi trước, các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục là những chiến sĩ tiên phong, đồng thời là những người tham mưu chính cho hệ thống chính trị triển khai mọi hoạt động một cách mạnh mẽ. 

Nhưng đi thế nào, nhìn lại phải thấy bà con đi theo. Tức là chúng ta đi đúng, cuốn hút được các thầy cô giáo, chúng ta phải tin và thuyết phục để đội ngũ thầy cô giáo tin, rồi từ đó người dân tin tưởng.

Nói về niềm tin vào đổi mới giáo dục, Bộ trưởng đề cập đến một vấn đề “nóng” của đổi mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014: Thay đổi xét tốt nghiệp, kết quả thi chỉ chiếm 50%, còn lại là 50% là kết quả học tập của học sinh để tránh việc học tài thi phận, tránh việc gian dối.

Không né tránh, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thẳng thắn chia sẻ: Điểm đổi mới này phải đặt trên nền tảng điểm học bạ của học sinh có độ tin cậy. Khi đề xuất một việc đúng quy luật, tương tự như các nước phát triển khác – có nghĩa học tập là quá trình, kết hợp đánh giá quá trình với đánh giá tại thời điểm cuối cùng - một số anh em đã can ngăn tôi.

Trước quyết định này, Bộ trưởng đã mất ngủ. Các đồng chí lãnh đạo Bộ cũng trăn trở. Nhưng vị lãnh đạo ngành Giáo dục đi đến kết luận: Thời nào cũng thế, bộ phận cán bộ nào cũng có người tha hóa, biến chất, nhưng không vì vài cá nhân mà nghi ngờ cả đội ngũ. Cần đặt lòng tin vào tuyệt đại bộ phận cán bộ thầy cô giáo là trung thực, là tốt, sẵn sàng thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Đảng.

Nếu không tin nhau, Bộ không tin Sở, Sở không tin trường, hiệu trưởng không tin giáo viên mà khẳng định sẽ đào tạo ra một thế hệ trẻ có niềm tin thì là điều xa vời, không tưởng. Tuy nhiên, không tin một cách mù quáng, Bộ GD&ĐT đã có cơ chế kiểm tra, giám sát.

Bộ trưởng khẳng định: Đổi mới giáo dục là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Nếu có lòng tin, có tính nguyên tắc, có tinh thần trách nhiệm, có danh dự trong mỗi tổ chức, trong toàn hệ thống, sẽ vượt qua mọi khó khăn.

Đừng vội mang tất cả những cái mới của Nghị quyết vào cuộc sống

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhắn nhủ triển khai Nghị quyết khẩn trương nhưng không vội vã, cần suy nghĩ một cách rất hệ thống. Đây không phải là việc một người chạy marathon  mà là công cuộc của 2 triệu thầy cô giáo cùng bước từng bước một, tiến tới chỗ bước đều, tiến tới đi nhanh, và đi không phải 42 km, đi suốt cuộc đời, vậy nên phải có thời gian.

Chuyện thay đổi trong giáo dục khác với thay đổi ngoài doanh nghiệp. Bộ trưởng ví von: Doanh nghiệp muốn chữa máy thì ngắt điện, công nhân nghỉ, sửa chữa lắp đặt một thời gian là xong, sau đó hoạt động trở lại. 

Giáo dục không thể đóng cửa trường, học sinh về nhà để thầy cô sửa chữa lại chương trình – SGK, lúc nào xong thì mời học sinh quay lại học. Và không được đưa ra liệu pháp sốc, không được ngoặt gấp. Phải từ từ bẻ lái, người ngồi sau không có cảm giác sốc. Khó là như vậy! Và chính giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục là người bẻ lái. 

Theo Giáo dục Thời đại

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang