Đề thi là yếu tố quyết định thành bại kỳ thi Quốc gia 2015

author 06:22 30/07/2014

(VietQ.vn) - Đề thi của kỳ thi Quốc gia 2015 sẽ quyết định kỳ thi có đạt được yêu cầu đặt ra hay không.

Sự kiện: Kỳ thi THPT Quốc gia 2017

Thí sinh lớp 12 và lớp 13 lo lắng

Gửi thư về Chất lượng Việt Nam, phụ huynh và nhiều thí sinh tỏ ra âu lo về phương án đổi mới Kỳ thi Quốc gia 2015.

Độc giả Đỗ Thu Hương và Phạm Văn Hiệp băn khoăn về việc, các học sinh "lớp 13" muốn thi lại thì sẽ làm thế nào, khi mà các em "đã chót" ôn thi chuyên sâu vào 3 môn trong các kỳ thi năm 2014.

Thi Quốc gia 2015 (thi ĐH 2015) đang lấy ý kiến nhân dân

Phương án thi Quốc gia 2015 (thi ĐH 2015) đang lấy ý kiến nhân dân

"Nhiều em sinh năm 1997 đã luyện thi chuyên ngành từ 10,11, giờ các em lên 12 năm sau thi thì Bộ Giáo dục đổi mới thi nhiều môn. Vậy có bất ngờ không?" - một độc giả đặt câu hỏi.

"Chương trình cấp 3 hiện tại đang rất nặng, không yêu cầu phải học siêu nhưng để đạt được kiến thức cơ bản cũng không phải dễ dàng gì khi học rất nhiều môn học như thế mà để muốn học đều. Mỗi nước có nhiều ảnh hưởng, tác động khác nhau từ bên ngoài vào, nên có những thứ không hẳn học tập cách thi hay cách học của họ đã là phù hợp với nước mình. Tôi nhận thấy việc đổi mới ngay trong năm nay là không hợp lí, vì các em đã ôn thi 2 năm theo chương trình thi cũ của Bộ giáo dục, để thích nghi ngay thì rất khó khăn. Đổi mới là tốt, nhưng nên bắt đầu cho các em khóa sau như 98 hay 99. Bộ giáo dục có thể thiết kế dần cho việc đổi mới để chuẩn bị cho những năm sau, như vậy cũng để chuẩn bị tâm lí cho các em đang học lớp 10, 11, giảm bớt những áp lực cho các em học sinh lớp 12, cũng như để đạt hiệu quả kết quả thi" - bạn đọc KyuMin 137 nhận xét.

"Bỏ thi tốt nghiệp và vẫn thi đại học như bình thường , các nước tiên tiến cũng thi đại học mà, tự nhiên kì thi đại học quan trọng, nghiêm túc, ít tiêu cực.. thì bỏ; còn kì thi tốt nghiệp dễ dãi tiêu cực thì không bỏ là sao?" - bạn đọc Minh Minh thắc mắc.

"Nếu đề ra chủ trương như vậy thì ít nhất cũng phải thông báo trước 1 năm, với việc nói đổi là đổi, học sinh rất khó thích nghi, cũng như săp xếp lại phương pháp học tập cho kì thi. Và hiện giờ, học sinh và giáo viên cũng vẫn học và dạy chủ yếu các môn theo khối đã chọn, vậy xin hỏi việc học sẽ điều chỉnh như thế nào để có thể đạt kết quả cao, trong khi kiến thức của 1 môn không thể nói là nhẹ, và giờ thi tận 4 môn?" - bạn đọc Nguyễn Hạnh bình luận...

Học sinh bình thường cũng làm được bài

Chỉ đạo về kỳ thi Quốc gia 2015 (thi ĐH 2015), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, hoàn toàn không có khái niệm tổng điểm bao nhiêu, điểm chuẩn bao nhiêu. Đó là số đo chuẩn kiến thức của học sinh từng môn, từng bài, từng ngành tự nhiên, xã hội; Đối với mức độ phổ thông, ra đề làm sao cho các cháu học rất bình thường cũng đủ tốt nghiệp...

Hiện nay, do học sinh chưa có đề mẫu nên còn hoang mang, lo sợ phải học nhiều môn thi.

Tuy nhiên, theo nguồn tin của Chất lượng Việt Nam từ các chuyên gia giáo dục, kỳ thi Quốc gia 2015 sẽ có điểm giống cuộc thi "Ai là triệu phú? " trên VTV3. Nghĩa là phần đầu rất dễ, hầu như ai cũng làm được (để xét tốt nghiệp). Phần sau mới phân loại thí sinh.

Phần thi để xét tốt nghiệp sẽ không có tích phân, không có logarit hay các kiến thức cao siêu khác. Phần phân loại cũng không yêu cầu các em phải làm hết tất cả các câu hỏi; càng không bắt các em thích học các môn tự nhiên phải làm bài khó về các môn xã hội, và ngược lại.

Tuy nhiên, không giống như nhiều người nghĩ, kết quả của kỳ thi không chỉ đưa ra tổng điểm các môn thi, mà đưa ra điểm thành phần. Ví dụ, khi thi môn Khoa học Tự nhiên thì điểm Lý là bao nhiêu, Sinh là bao nhiêu...

Như thế, các trường ĐH, CĐ sẽ căn cứ vào đó để đánh giá tố chất của các thí sinh để đưa ra quyết định lựa chọn phù hợp.

Đề thi hiện nay giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo làm; sau đó sẽ giao cho các đơn vị độc lập ra đề.

Ở nhiều nước phát triển như Mỹ, họ phải tốn khá nhiều tiền để làm ra các đề thi.

Thùy Linh

 

 

 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang