Để tránh sự hiểu lầm của người tiêu dùng: Bộ Y tế quy chuẩn lại tên các loại sữa

authorĐỗ Thu Thoan 14:36 09/08/2017

(VietQ.vn) - Mới đây, Bộ Y tế đã chính thức ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sữa dạng lỏng. Theo đó, sữa Việt không chỉ có sữa tiệt trùng mà sẽ được phân loại một cách rõ ràng.

Sự kiện: Thời sự

Thông tin báo Tiền phong đăng tải, sau hơn 2 năm, với sự tham gia của các cơ quan chức năng, các chuyên gia, các doanh nghiệp sữa, cơ quan truyền thông, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường đã ký Thông tư 03/2017/TT-BYT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sữa dạng lỏng với ký hiệu QCVN 5-1:2017/BYT.

de-tranh-su-hieu-lam-cua-nguoi-tieu-dung-bo-y-te-quy-chuan-lai-ten-cac-loai-sua

Một số loại sữa tươi trên thị trường. Ảnh minh họa

Theo CafeF/Trí thức trẻ, với quy định mới này, khái niệm sữa tiệt trùng ghi trên bao bì như hiện tại sẽ không còn. Quy chuẩn này có hiệu lực từ 1/3/2018.

Trong đó, cơ quan quản lý đã phân loại rạch ròi các nhóm sữa tươi và sữa bột pha lại, đồng thời yêu cầu ghi tên rõ ràng từng loại sữa để người tiêu dùng hiểu được bản chất thực của từng loại sữa, tránh hiểu lầm rằng tất cả các loại sữa dạng lỏng đều là sữa tươi.

Được biết sữa tươi nguyên liệu được sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng non nửa nhu cầu chế biến sữa dạng lỏng, số còn lại phải nhập khẩu sữa bột. Do thiếu nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu sữa bột về để pha thành sữa nước, còn gọi là sữa hoàn nguyên.

Trong khái niệm hiện hành, “sữa tiệt trùng” chỉ là biện pháp công nghệ nhưng một số công ty sữa đã sử dụng để đặt tên gọi cho sữa bột pha lại.

de-tranh-su-hieu-lam-cua-nguoi-tieu-dung-bo-y-te-quy-chuan-lai-ten-cac-loai-sua

Từ nay, người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận diện sản phẩm sữa thông qua tên gọi trên sản phẩm. Ảnh: Tiền phong

Với quy định mới, từ tháng 3/2008 trên thị trường chỉ còn 6 tên gọi về sữa dạng lỏng, bao gồm: Sữa tươi nguyên chất, sữa tươi nguyên chất tách béo, sữa tươi, sữa tươi tách béo, sữa hoàn nguyên và sữa hỗn hợp, theo CafeF/Trí thức trẻ.

Nhóm sữa tươi bao gồm sữa tươi nguyên chất; sữa tươi nguyên chất tách béo; sữa tươi; sữa tươi tách béo.

Sữa tươi nguyên chất là sản phẩm được chế biến hoàn toàn từ sữa tươi nguyên liệu, không bổ sung hoặc tách bớt bất kỳ thành phần nào của sữa và không bổ sung bất cứ thành phần nào khác.

Sữa tươi nguyên chất tách béo là sữa tươi nguyên chất nhưng đã được tách chất béo sữa.

Sữa tươi là sản phẩm được chế biến từ sữa tươi nguyên liệu (sữa tươi nguyên liệu chiếm tối thiểu 90% tính theo khối lượng sản phẩm cuối cùng). Sản phẩm này có thể bổ sung các thành phần khác nhưng không nhằm mục đích thay thế các thành phần của sữa.

Sữa tươi tách béo là sữa tươi nhưng đã tách chất béo sữa (sữa tươi nguyên liệu đã tách chất béo sữa chiếm tối thiểu 90% tính theo khối lượng sản phẩm cuối cùng).

Sữa hoàn nguyên được quy định là sữa dạng lỏng thu được bằng cách bổ sung một lượng nước cần thiết vào sữa bột hoặc sữa cô đặc để tái lập tỷ lệ nước và chất khô thích hợp của sữa hoặc thu được bằng cách kết hợp chất béo sữa và chất khô không béo của sữa, có thể bổ sung nước để thu được thành phần thích hợp của sữa. Sản phẩm này có thể bổ sung các thành phần khác nhưng không nhằm mục đích thay thế các thành phần của sữa. Thành phần sữa hoàn nguyên cũng phải chiếm tối thiểu 90% tính theo khối lượng sản phẩm cuối cùng.

Còn sữa hỗn hợp là sản phẩm được chế biến từ hỗn hợp sữa tươi nguyên liệu, các sản phẩm sữa hoặc các thành phần của sữa. Sản phẩm này có thể bổ sung các thành phần khác nhưng không nhằm mục đích thay thế các thành phần của sữa. Thành phần sữa hỗn hợp cũng phải chiếm tối thiểu 90% tính theo khối lượng sản phẩm cuối cùng, CafeF/Trí thức trẻ thông tin.

de-tranh-su-hieu-lam-cua-nguoi-tieu-dung-bo-y-te-quy-chuan-lai-ten-cac-loai-sua

Thời gian qua, khái niệm 'sữa tiệt trùng' dùng để chỉ các loại sữa dạng lỏng làm từ sữa bột khiến người tiêu dùng nhầm lẫn với sữa tươi. Ảnh minh họa/Kênh 14/Trí thức trẻ

Trước đó, như Tiền phong phản ánh hơn 2 năm qua, khái niệm “sữa tiệt trùng” dùng để chỉ các loại sữa dạng lỏng làm từ sữa bột khiến người tiêu dùng nhầm lẫn với sữa tươi, ảnh hưởng đến quyền được minh bạch thông tin, thiếu cơ sở lựa chọn đúng sản phẩm. Từ đó, doanh nghiệp nuôi bò, sản xuất sữa chịu sự bất bình đẳng trong kinh doanh, tốn chi phí quảng bá không cần thiết để khẳng định "sữa tươi" khác "sữa tiệt trùng". Ngành chăn nuôi bò sữa trong nước vì thế cũng bị tác động tiêu cực.

Sau khi sự bất cấp này được dư luận, các chuyên gia phản ánh, Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội vào cuộc giám sát và kết luận cần sửa đổi. Đoàn giám sát của Quốc hội về An toàn thực phẩm cũng nêu vấn đề này ra Quốc hội. Là cơ quan quản lý chịu trách nhiệm chính, Bộ Y tế đã lấy ý kiến để sửa đổi nội dung này từ tháng 6/2015.

Đỗ Thu Thoan (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang