Đề xuất 33 tuổi không được mang thai: Không phù hợp!

author 09:50 11/07/2013

(VietQ.vn) - Đó là khẳng định của ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của UBTV Quốc hội khi trao đổi vớí báo chí sáng ngày 11/7, về đề xuất của Chi cục dân số, kế hoạch hóa gia đình TP.Hồ Chí Minh quy định phụ nữ mang thai không được quá 33 tuổi.

Ông Thảo cho biết đây mới chỉ là đề xuất của Chi cục dân số, kế hoạch hóa gia đình của TP Hồ Chí Minh với UBND Thành phố, còn theo Pháp lệnh về dân số thì không có quy định nào như thế, còn pháp luật chỉ khuyến cáo không nên sinh con muộn. Còn bây giờ lại đề xuất đề quy định phụ nữ quá 33 tuổi không được sinh con thì cần phải nghiên cứu thêm, theo tôi quy định này là không phù hợp. Nếu theo quy định này thì những người phụ nữ lập gia đình muộn, sau 33 tuổi không được sinh con là không đúng quy định của pháp luật.

Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban thường vụ Quốc hội.


“Luật hôn nhân gia đình chỉ quy định tuổi kết hôn tối thiểu chứ không quy định tuổi kết hôn tối đa, còn nếu khuyến cáo phụ nữ sau 33 hoặc 35 tuổi không nên sinh con là để đảm bảo sức khỏe cho con cái cũng như người mẹ thì còn chấp nhận được. Còn quy định phụ nữ quá 33 tuổi không được sinh con là hoàn toàn không hợp lý, theo tôi không thể chấp nhận được”, ông Thảo nhấn mạnh.

Còn quy định về tất cả các đôi lứa khi làm thủ tục đang ký kết hôn buộc phải khám sức khỏe cả vợ lẫn chồng nhằm tránh những bệnh có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc về sau. Ông Thảo cho rằng quy định như vậy là phù hợp, ở nước ngoài cũng đã thực hiện quy định này và rất hiệu quả.

Cộng điểm bà mẹ Việt Nam anh hùng: Quy định nên hay không?
 
Liên quan đến Thông tư 24 của Bộ Giáo dục & Đào tạo sửa đổi bổ sung đối tượng ưu tiên tại cơ chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy vừa được ban hành ngày 4/7, quy định Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công giúp đỡ cách mạng, người hoạt động cách mạng 1/1/1945 và người hoạt động cách mạng từ 1/1/1945 đến ngày 19/8/1945 thuộc đối tượng 03, sẽ được cộng 2 điểm ưu tiên vào tổng điểm thi đại học, cao đẳng. Ông Thảo cho biết quy định như vậy là không hợp lý, không khả thi và mang nặng tính hình thức.
 
Theo ông Thảo, hiện nay cả nước có bao nhiêu Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, bao nhiêu người hoạt động tiền khởi nghĩa và hoạt động cách mạng trước 19/8/1945 còn sống hoặc nếu còn thì sức khỏe đã rất yếu, chưa chắc đã còn đủ minh mẫn, đến đi lại ăn ở cũng cần phải có người giúp đỡ thì có đi thi đại học, cao đẳng được không.
 
Thậm chí đến con cái của những người hoạt động tiền khởi nghĩa cũng còn không nhiều chứ chưa nói đến chính bản thân những người tham gia hoạt động cách mạng vào thời điểm trước cách mạng Tháng Tám.
 
Còn nếu quy định ưu tiên cộng điểm cho con, cháu của Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng, người hoạt động cách mạng trước 19/8/1945 thì còn chấp nhận được.
 
“Theo tôi, trước khi ban hành, đề xuất bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào thì các cơ quan tham mưu, giúp việc cho Bộ, ban ngành cần phải nghiên cứu kỹ các văn bản liên quan, rồi tham khảo ý kiến của các chuyên gia luật, đăng tải trên trang điện tử 60 ngày để lấy ý kiến người dân để khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật một cách phù hợp, hiệu quả và áp dụng được trong thực tiễn, tránh trường hợp chưa ban hành hoặc vừa ban hành ra đã gặp phải sự phản đối của dư luận do không áp dụng được”, ông Thảo nhấn mạnh.
 
Trả lời Dân trí, ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), đơn vị đề xuất ra Thông tư này cho biết: “Bộ GD-ĐT ban hành thông tư này nhằm cụ thể hóa pháp lệnh số 04 (pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng) và Nghị định 31 của Chính phủ. Trên cơ sở pháp lệnh 04 và nghị định số 31 (hướng dẫn thi hành của pháp lệnh) này chúng tôi xây dựng dự thảo thông tư 24 sửa đổi bổ sung thêm đối tượng thuộc đối tượng ưu tiên khi dự thi đại học”.
 
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho hay, không phải bà mẹ Việt Nam anh hùng trước đây mà ngay bây giờ người mẹ có con hy sinh được xác nhận liệt sĩ cũng được gọi là bà mẹ Việt Nam anh hùng. Như vậy, 40 tuổi, 50 tuổi, 60 tuổi thậm chí là nhiều hơn nhưng người ta muốn đi học thì không ai ngăn cấm được vì là học tập suốt đời. Bên cạnh đó, quy định này thể hiện nghĩa tình xã hội đối với những người hy sinh vì đất nước, vì độc lập dân tộc.
 
Thứ trưởng Ga khẳng định: “Đây là quy định của Nghị định nên cấp dưới không được trái lệnh. Bộ GD-ĐT đã cập nhật thông tin, nghiên cứu kỹ về vấn đề này mới ban hành, mặc dù biết rằng đối tượng sẽ rất ít hoặc không có nhưng vẫn phải đưa ra quy định. Đây là nguyên tắc sử dụng văn bản pháp luật, Bộ không thể làm khác được”.

Thu Trang

 
 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang