Đề xuất bắn pháo hoa: ‘Chí Phèo, Thị Nở còn cần tình cảm nữa là…’

author 06:40 28/01/2015

(VietQ.vn) – Vị phó Ban Tuyên giáo Hà Nội tỏ ra khá bức xúc khi nhiều người cho rằng, Hà Nội không nên cho bắn pháo hoa khu vực cầu Nhật Tân mà hãy để dành tiền đó cho người nghèo.

Đề xuất bắn pháo hoa liên tục khu vực cầu Nhật Tân (Hà Nội) mấy ngày qua trở thành tâm điểm của báo chí và người dân thủ đô. Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều ngày 27/1, ông Tô Văn Động – GĐ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khẳng định, đây mới chỉ là đề xuất, chưa biết có được thực hiện hay không.

Cũng theo ông Động, kinh phí bắn pháo hoa là do các doanh nghiệp tài trợ với mong muốn người dân có được những giờ phút vui vẻ, thoải mái khi xem bắn pháo hoa.

sẽ bắn pháo hoa thường xuyên trên cầu Nhật Tân

Cầu Nhật Tân hiện là một điểm được nhiều người đến thăm. Do đó, nếu bắn pháo hoa khu vực này, cầu Nhật Tân sẽ càng thu hút được đông đảo mọi người đến chiêm ngưỡng.

Tuy nhiên, một số người dân lại “kêu ca”, cho rằng việc các doanh nghiệp góp tiền để tổ chức bắn pháo hoa khu vực cầu Nhật Tân là lãng phí và tiền đó nên… dành cho người nghèo.

Nói về đề xuất này, ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, ngoài 30 điểm tại các quận, huyện có bắn pháo hoa trong đêm giao thừa thì Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới đây có đề xuất thêm một điểm nữa là khu vực cầu Nhật Tân. Cụ thể là nếu bắn thì sẽ ở khu vực bãi giữa sông Hồng.

Ông Long đánh giá, ý tưởng mới này rất đáng hoan nghênh bởi kinh phí không đụng chạm đến ngân sách, tiền thuế mà được các doanh nghiệp bỏ ra, người dân lại được thưởng thức pháo hoa.

“Ngoài chuyện hằng ngày người dân quan tâm đến bát cơm, bánh mì thì văn hóa tinh thần cũng rất cần được chú trọng”, ông Long nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Long cho biết, thời gian qua có một số bài viết chỉ trích đề xuất trên và đặt câu hỏi: “Tại sao không dùng tiền đó cho người nghèo?”.

Phó ban tuyên giáo nói về đề xuất bắn pháo hoa khu vực cầu Nhật Tân

Ông Phan Đăng Long cho rằng, mọi người không nên nghĩ việc bắn pháo hoa khu vực cầu Nhật Tân là lãng phí. Ảnh Viết Cường

Về việc này, ông Long phân tích: “Chẳng lẽ người nghèo lại không cần xem pháo hoa hay sao? Người nghèo thì cứ phải cắm mặt đi lo cơm, lo áo hay sao? Cũng phải cho người ta thời gian thảnh thơi để quên đi cực nhọc, lam lũ hằng ngày, để họ mong muốn một cuộc sống mới tốt đẹp hơn chứ”.

Phó Ban Tuyên giáo Hà Nội phân tích thêm, xem pháo hoa là việc rất công bằng cho mọi người, ai cũng có thể xem được.

“Thú thực, đa phần người trung lưu, người nghèo xem nhiều hơn. Tôi quan sát nhiều năm rồi, người giàu toàn ngồi trong nhà hoặc đi những địa điểm vui chơi sang trọng chứ ít người đổ xô bon chen ra đường để xem pháo hoa lắm”, ông Long nói.

Theo sự nhìn nhận của ông Phan Đăng Long, người nghèo quanh năm suốt tháng lam lũ kiếm sống, hiếm khi có thời gian đi chơi. Còn người giàu thường có rất nhiều hoạt động vui chơi giải trí nên họ cũng không tha thiết lắm việc xem pháo hoa.

“Tuy nhiên, cứ động chi tiền cho vui chơi, giải trí là lại hỏi tại sao không cho người nghèo. Báo cáo với các đồng chí, người nghèo có cả một chính sách của Đảng, Nhà nước chăm lo. Rồi trong các dịp lễ Tết cũng đều có tiền hỗ trợ…”, ông Long bức xúc.

Vị Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội ví von: “Ngay cả như Chí Phèo, Thị Nở trong truyện của Nam Cao cũng cần đến đời sống tinh thần, tình cảm. Vậy sao cứ bắt người nghèo suốt ngày chỉ lo cơm áo gạo tiền thôi”, ông Long cho rằng cách suy luận như vậy là không hợp lý.

Cuối cùng, ông Phan Đăng Long nhấn mạnh lại, kinh phí cho việc bắn pháo hoa là do các doanh nghiệp tài trợ. Đây cũng là một trong nhiều hình thức mà doanh nghiệp muốn qua đó quảng bá cho sản phẩm, doanh nghiệp của mình.

“Thế mà nhiều người cứ nói sao không cho người nghèo đi? Điều đó hết sức buồn cười bởi tiền hỗ trợ cho người nghèo thì họ vẫn tiếp tục đóng góp. Nhưng đây là tiền khác”, ông Long lí giải.  

Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang