Đề xuất cấm xe máy ở TP. Hồ Chí Minh liệu có khả thi?

author 20:23 20/04/2017

(VietQ.vn) - PGS-TS Phạm Xuân Mai nhấn mạnh các biện pháp hạn chế tiến tới cấm xe máy là thu phí xe máy khi vào trung tâm, không lập các bãi giữ xe, tăng phí mua xe mới...

Báo Infonet đưa tin, sáng ngày 20/4 tại TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo “Kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân – Thực trạng và giải pháp”.

Tại đây ý kiến mở đầu của PGS. TS Phạm Xuân Mai – nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Đại học Báck khoa TP. Hồ Chí Minh ngay lập tức nhận được nhiều phản ứng khác nhau của những người tham dự.

Trước khi đi vào tham luận, TS Mai bày tỏ rằng trong suốt 15 năm qua ông đã tham gia rất nhiều cuộc hội thảo bàn về việc hạn chế xe cá nhân, nhưng đến nay thành phố vẫn chưa làm được việc này, còn “xe máy thì tăng lên từng ngày”.

Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh đưa tin, theo nhận xét của đại diện Sở GTVT và PGS-TS Phạm Xuân Mai, hiện xe máy đang bùng phát mạnh về số lượng với gần 7,4  triệu chiếc. Xe máy đang xung đột sâu sắc với xe buýt.

 PGS.TS Phạm Xuân Mai trao đổi về việc cấm xe gắn máy tại hội thảo. Ảnh: Tuổi trẻ

 PGS.TS Phạm Xuân Mai trao đổi về việc cấm xe gắn máy tại hội thảo. Ảnh: Tuổi trẻ

PGS-TS Phạm Xuân Mai nhấn mạnh xe máy là kẻ chiếm đường của thành phố, từ lòng lề tới vỉa hè của thành phố bị chiếm dụng tới 93% bởi xe máy. "Do đó, không nên xem xe máy là phương tiện giao thông nữa, cần loại bỏ nó ra khỏi "danh bộ" các loại xe được chạy trên đường. Chúng ta đừng nói bằng "mỹ từ" kiểm soát xe máy nữa mà phải nói thẳng là cấm hẳn. Đừng sợ!" - PGS-TS Phạm Xuân Mai nói.

Báo Vnexpress đưa tin, ông dẫn chứng, một năm cả nước có hơn 8.000 người chết và hàng chục nghìn người bị thương vì tai nạn giao thông. Trong đó, 71% là do xe máy (va chạm nhau; với người đi bộ, các loại phương tiện khác và tự gây tai nạn)… tương đương 43 vụ rơi máy bay. 

"Tai nạn máy bay làm chết cùng lúc mấy trăm người, còn tai nạn giao thông thì chết từng người, từng ngày nên người ta ít cảm nhận được. Nếu hậu quả của tai nạn hàng không mà như xe máy thì còn ai dám đi máy bay? Các hãng hàng không còn được phép hoạt động không?", ông Mai nói và cho rằng hạn chế, hay cấm hẳn xe máy là đúng đắn, phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như không vi phạm luật lệ của Việt Nam.

 Xe máy là phương tiện gây ùn tắc giao thông ở TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Vnexpress

 Xe máy là phương tiện gây ùn tắc giao thông ở TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Vnexpress

Tuy nhiên, theo ông Mai, cứ mỗi lần có đề xuất cấm xe máy là lại "có nhiều ý kiến bàn lui vì lo ảnh hưởng đến người nghèo" nên chính quyền lại chùn tay. "Tôi nói thẳng, Việt Nam không còn là nước nghèo nữa, đừng lấy cái nghèo ra để dọa nhau", ông Mai nêu quan điểm.

Theo tính toán của chuyên gia, tổng thiệt hại do xe máy gây ra hàng năm là hơn 6,1 tỷ USD, chiếm 13,4% GDP của TP. Hồ Chí Minh - làm kéo lùi sự phát triển 7-8%. Một cách gián tiếp, xe máy đang làm giảm đà tăng trưởng của thành phố.

"Chúng ta không nên xem xe máy là phương tiện giao thông. Nó chỉ tiện cho cá nhân, song gây thiệt hại rất lớn cho xã hội. Trung Quốc đã cấm xe máy ở các thành phố lớn và họ đã cho thấy đó là cách làm đúng đắn. Các nơi khác như HongKong, Singapore, Myanmar cũng đã làm", ông dẫn chứng.

Từ đó, ông Mai đề xuất một loạt giải pháp để hạn chế và cấm xe máy như: giảm nguồn cung, không nhập khẩu xe máy; dừng phát triển công nghiệp xe máy; tăng phí mua mới, thu phí cao người sở hữu từ 2 xe trở lên và nhất là phải ưu tiên phát triển vận tải công cộng...

“Phải đánh vào kinh tế của người dân. Khi dân không chịu được thì sẽ từ bỏ sử dụng xe máy” - ông Mai quyết liệt

Ông thẳng thắn cho rằng TP. Hồ Chí Minh sẽ không thể phát triển được xe buýt trong điều kiện xe máy ngày một tăng, bởi hai loại phương tiện này là “khắc tinh” của nhau, nên chỉ có thể chọn 1 trong 2.

Hai mẫu xe máy giá dưới 20 triệu mới ra mắt của Honda tại Việt Nam có gì hay?(VietQ.vn) - Dưới đây là hai mẫu xe máy mới ra mắt của hãng Honda tại Việt Nam, có mức giá vào khoảng dưới 20 triệu đồng.

Báo Tuổi trẻ đưa tin, ngay sau khi đề xuất này được đưa ra, rất nhiều bạn đọc đã bày tỏ ý kiến và tranh luận xung quanh đề xuất cấm xe máy tại TP. Hồ Chí Minh. Nhiều bạn đọc cho rằng không thể đem xe máy ra để đổ lỗi cho vấn nạn kẹt xe, vì kẹt xe do nhiều yếu tố như cơ sở hạ tầng giao thông, các phương tiện khác, giao thông công cộng chưa phát huy hết chức năng của nó, do ý thức con người...

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến ủng hộ cấm xe máy do phương tiện này dẫn theo nhiều hệ lụy: Tai nạn giao thông, ô nhiễm và nhất là nạn buôn bán vỉa hè. Song trước khi cấm cần làm các công tác chuẩn bị như hệ thống giao thông công cộng (xe buýt, tàu điện ngầm), hệ thống cầu đường... Vỉa hè cần rộng, thoáng, có bóng râm để người đi bộ từ nhà đến trạm xe buýt...

Cũng có ý kiến đề nghị cấm xe cá nhân hoặc đánh phí thật cao với xe cá nhân gồm cả ô tô chứ không chỉ xe máy...

Ánh Ngân (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang