Đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu cả nam và nữ lên 65

author 07:25 23/08/2013

(VietQ.vn) - Để đảm báo tính bền vững của quỹ bảo hiểm xã hội, ILO khuyến cáo Việt Nam nên tiến tới nâng độ tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ giới lên 65, trên cơ sở những tiến bộ trong việc nâng cao tuổi thọ trung bình và giảm tỉ lệ giữa số người lao động và số người nhận lương hưu.

Quỹ bảo hiểm xã hội đang...cạn kiệt
Với số lượng người trong độ tuổi lao động giảm đi và chế độ lương hưu hào phóng, ILO khuyến cáo rằng, Quỹ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có thể bắt đầu thâm hụt từ năm 2021 và hoàn toàn cạn kiệt năm 2034 nếu không có thay đổi kịp thời về mặt chính sách. 

Thứ trưởng Phạm Minh Huân khẳng định trong thời gian qua công tác quản lý Nhà nước về BHXH đã được tăng cường với sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các Bộ, ngành. Việc sử dụng đầu tư Quỹ BHXH đã góp phần tích cực vào việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, tạo việc làm cho người lao động. Luật hiện nay quy định mọi công dân Việt Nam ký hợp đồng lao động từ ba tháng trở lên đều được tham gia BHXH nhưng trên thực tế, việc thi hành luật vẫn là một thách thức lớn. Hiện nay, chỉ 1/5 lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Mặc dù nguồn thu bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng từ 6,3 nghìn tỷ năm 2001 lên 89,6 nghìn tỷ năm 2012, chỉ 47% tổng số doanh nghiệp đóng bảo hiểm bắt buộc (trong năm 2010).
Các nước khác cũng có tình trạng già hóa dân số như Việt Nam.
Các nước khác cũng có tình trạng già hóa dân số như Việt Nam.

Năm 2012, Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số, nghĩa là khi nhóm người trên 60 tuổi chiếm hơn 10% tổng dân số, sớm hơn 5 năm so với dự kiến. Với số lượng thanh niên trong độ tuổi lao động giảm đi và chế độ lương hưu “hào phóng”, quỹ lương hưu sẽ cạn kiệt nếu quá trình cải cách không đưa ra được những biện pháp cấp thiết. Bên cạnh đó, việc đầu tư sinh lời của quỹ BHXH chủ yếu là thực hiện mua trái phiếu Chính phủ cho các ngân hàng thương mại của Nhà nước vay nên lãi suất chưa cao, sẽ hạn chế khi nguồn sinh lời phải là nguồn quỹ chủ yếu để điều chỉnh tăng lương cho người nghỉ hưu; gia tăng mức thụ hưởng cho người lao động đồng thời đảm bảo sự bền vững của quỹ BHXH trong dài hạn. Chế tài xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH còn thấp chưa đủ mạnh để răn đe.

Trong báo cáo được công bố đã đưa ra dự báo khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm xã hội hiện tại và phân tích những thay đổi chính sách có thể nâng cao tính bền vững của quỹ. Đây là một việc hết sức cấp thiết trong bối cảnh những thay đổi lớn về cơ cấu dân số ở Việt Nam, tỷ lệ người lao động có bảo hiểm thấp và thực thi luật còn hạn chế.
 
Cùng với đó, báo cáo này cũng sẽ phần nào hỗ trợ Việt Nam trong quá trình cải cách Luật BHXH sửa đổi. “Cải cách bảo hiểm xã hội giống như việc chèo lái một con thuyền lớn, thuyền trưởng không thể chờ đến phút cuối mới hành động” - Giám đốc ILO Việt Nam, ông Gyorgy Sziraczki nhấn mạnh. “Con thuyền đó phải được xoay chuyển trước khi tiến đến quá sát chướng ngại vật. Nhưng đáng quan ngại là, báo cáo của ILO cho thấy chướng ngại vật đó đang ở rất gần. Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động cần khẩn trương hành động và hợp tác cùng nhau để tìm ra phương thức đảm bảo việc chi trả lương hưu cho hiện tại và lâu dài”.
 
Đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu
Để đảm báo tính bền vững của quỹ bảo hiểm xã hội, ILO khuyến cáo Việt Nam nên tiến tới nâng độ tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ giới lên 65, trên cơ sở những tiến bộ trong việc nâng cao tuổi thọ trung bình và giảm tỉ lệ giữa số người lao động và số người nhận lương hưu. Theo ILO, những thay đổi trong chính sách nhằm kéo dài tính chi trả bền vững của quỹ phải được thực hiện đồng thời với việc đảm bảo sự công bằng giữa khối công nhân viên chức nhà nước và người lao động trong khối tư nhân.
 
Hơn nữa, các chuyên gia của tổ chức này cũng khuyến nghị Việt Nam cần tăng độ bao phủ của chương trình bảo hiểm hưu trí và phát triển các chương trình bảo hiểm hưu trí tự nguyện. ILO khuyến nghị Chính phủ Việt Nam xem xét thiết kế một chiến lược chung về BHXH nhằm tạo điều kiện cho tất cả những người gia được tham gia BHXH với các chương trình cơ bản như chương trình đóng – hưởng (bắt buộc và tự nguyện) và chương trình hưu trí do ngân sách đảm bảo cho người già hiện có. Việc tuân thủ đầy đủ việc khai báo lương đóng BHXH là cần thiết để đảm bảo sự bền vững tài chính của quỹ. Hơn nữa, các chương trình hưu trí tự nguyện cần đóng vai trò bổ sung cho tiền lương hàng tháng hiện tại bằng cách cung cấp các chế độ bổ sung.
 
TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng, Luật BHXH sửa đổi lần này phải hướng tới giải quyết được 2 vấn đề cốt lõi là lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu và giải quyết được bài toán đóng – hưởng phù hợp.
 
Minh Hà
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang