Đề xuất nhập khẩu gà Trung Quốc: 'Mục đích để giao lưu với nhau'

author 06:27 23/04/2016

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia chăn nuôi, sở dĩ Cục Thú y Việt Nam đề xuất nhập khẩu gà Trung Quốc nhằm mục đích “giao lưu” với Cục Thú y Trung Quốc.

Chỉ nhập "gà ông bà, gà bố mẹ" của Trung Quốc

Những ngày qua, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi cũng như chuyên gia kinh tế đã phản đối cực lực việc Cục Thú y Việt Nam đề xuất cho nhập khẩu chính ngạch gà Trung Quốc bởi Việt Nam sẽ chẳng có lợi gì trong việc cho phép nhập gà Trung Quốc. 

Tuy vậy, trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, ông Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam tiết lộ: Đề xuất nhập khẩu gà Trung Quốc của Cục Thú y nhằm mục đích đưa một số con giống để giao lưu các nước với nhau. 

“Quan điểm của Cục Thú y là muốn nhập khẩu chính ngạch một số "gà bố mẹ, gà ông bà" chứ không phải đưa gà thương phẩm về Việt Nam. Đây là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau”, ông Khanh nhấn mạnh.

Ông Trần Duy Khanh, Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam. Ảnh: Kiều Oanh.

Theo ông Khanh, từ trước tới nay, Nhà nước không cho nhập gà thương phẩm vì giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa ký hợp tác trao đổi con giống trong chăn nuôi, tuy vậy, vẫn tồn tại tình trạng một số cơ sở mua gà thương phẩm về theo con đường tiểu ngạch, gian lận. Trong khi đó, những con gà thương phẩm này được đưa vào làm giống sẽ không đạt chất lượng tốt như mong muốn. 

Chính vì lý do như vậy nên Cục Thú y vừa rồi đã đưa ra đề xuất nhập một số con giống để lai tạo bởi ở Việt Nam, các hộ chăn nuôi ít nuôi giống gà của Trung Quốc như lông phượng hay tam hoàng...

Ông Khanh cũng lưu ý: “Nếu nhập giống gà ông bà, bố mẹ, việc trao đổi này cần khuyến khích và bản thân Nhà nước cũng không cấm. Còn các sản phẩm gà thịt Trung Quốc sang Việt Nam nếu nhập không thông qua giấy phép thì gọi là gian lận qua đường tiểu ngạch - Chuyện này tôi cật lực phản đối”.

Cật lực phản đối nhập gà thịt Trung Quốc

Ông Khanh giải thích: Không nên nhập gà thịt từ Trung Quốc về Việt Nam vì hiện nay gà thịt, gà thải loại hay còn gọi là gà trứng, Việt Nam chưa kiểm soát được chất lượng cũng như dịch bệnh. Nếu tiến hành giao lưu giữa 2 nước, vô hình chung Việt Nam đang tạo cửa cho gà thịt Trung Quốc xâm nhập vào nước ta một cách hợp thức hóa.

Trong khi đó, hiện nay, gà trứng thải loại của Trung Quốc vẫn nhập nhèm, lén lút vào Việt Nam bằng con đường nhập lậu mà Nhà nước ta đang nỗ lực ngăn chặn. Thậm chí, từ thời ông Nguyễn Thiện Nhân làm Phó Thủ Tướng, ông cũng đã từng đôn đốc ngăn chặn gà trứng thải loại vào Việt Nam và hiệu quả có giảm đi trông thấy.

Nhiều chuyên gia cho rằng: Nhập gà Trung Quốc là "giết" chăn nuôi Việt. Ảnh minh họa: Internet.

Ông Khanh đặc biệt nhấn mạnh: Gà trứng hay gà thải loại, người ta không dùng làm thức ăn hay sử dụng làm thực phẩm cho người mà chỉ được dùng làm thức ăn chính cho gia súc.

“Vấn đề này Nhà nước ta cấm nhưng họ vẫn nhập lậu nguyên con ở gần biên giới rẻ tới mức chỉ mấy nghìn đồng/1kg. Họ dùng gà thải loại này để khai thác trứng nhưng không chú ý đến chất lượng bên trong  của gà. Gà này chứa nhiều chất tồn dư, chất kích thích và các kháng sinh... – điều này ít ai biết!” – ông Khanh nói. 

Ông Khanh cũng chia sẻ thêm: Nguyên tắc của gà trứng, khi nhập 1 kg thì phải tái xuất đi 1 kg, không được tồn tại lâu trong thị trường nội địa, mặc dù vậy, trên thực tế, Việt Nam chưa kiểm soát được vấn đề này.

Đơn cử như, vụ việc đã từng xảy ra tại chợ Phùng Khoang (Hà Nội) vào cuối tháng 11 năm 2015, Chi cục Quản lý thị trường ở Lào Cai đã bắt một lô hàng tái xuất sang Trung Quốc nhưng xuất sang tới nơi, hàng lại lập tức quay trở lại Việt Nam. Sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng kết luận: Lô hàng này đã giết mổ cách đây 22 năm bao gồm cánh gà, chân gà, đùi gà…

“Cho tới thời điểm này, chưa ai kết luận và cũng chưa có cơ quan nào quy định gà thịt được phép tồn tại bao nhiêu năm. Ví dụ như, thịt gà đông lạnh, cấp đông nhập chính ngạch chỉ được tồn tại tối đa 6 tháng, gà đã cắt mảnh tối đa 4 tháng, phụ phẩm 2 tháng. Với sự mập mờ này, chúng ta đang tạo lỗ hổng cho các doanh nghiệp Việt Nam lợi dụng” – ông Khanh bất bình nói.

Vì vậy, ông Khanh mong muốn: Nhà nước cần minh bạch, quyết liệt hơn, cụ thể, Bộ Công Thương phải công bố, công khai những doanh nghiệp nào đang được cấp phép nhập khẩu và được tái xuất. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng nên công bố theo tháng, theo quý… nêu rõ các doanh nghiệp đã tái xuất sang Trung Quốc lần thứ mấy. 

Tuy nhiên, “điều mong mỏi này, chúng ta chưa làm được, vì vậy mà thị trường rối loạn. Đây được coi là lỗ hổng quá lớn” – ông Khanh kết luận. 

>> Bphone 'nổ' to rồi chìm nghỉm, vì sao CEO Nguyễn Tử Quảng thua đau?

 Kiều Oanh


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang