Đề xuất tách "nhỏ" Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp

author 08:43 05/05/2014

(VietQ.vn) - Nên tách hai bộ lớn nhất hiện nay - Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ra thành các bộ chuyên ngành nhỏ hẹp hơn, thu hẹp hơn khu vực DNNN về giới hạn cần thiết và giao cho một bộ chuyên quản lý các DNNN, xây dựng ngân hàng Trung ương độc lập thay cho ngân hàng nhà nước hiện nay.

Từ khi đổi mới đến nay, hệ thống luật pháp Việt Nam đã có những đổi mới rất cơ bản: đã ban hành và sửa đổi nhiều bộ luật, nghị định, thông tư v.v… trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, dân tộc, tôn giáo… tốc độ ban hành các bộ luật có thể xem là vào hàng đầu thế giới. Các bộ luật này đã theo các nguyên tắc của thị trường định hướng XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN. Tuy nhiên, chất lượng của hệ thống luật pháp Việt Nam đang còn nhiều vấn đề. Nội dung của các bộ luật còn chung chung, do vậy phải chờ có thông tư hướng dẫn mới thi hành được.

Có những bộ luật ban hành hàng năm, mà vẫn chưa có thông tư hướng dẫn. Nội dung của các bộ luật nói chung đã theo các nguyên tắc của thị trường, nhưng vẫn còn những bất cập so với những bộ luật về cùng lĩnh vực ở các nước phát triển. Việt Nam có luật kiểm soát độc quyền, nhưng độc quyền vẫn tràn lan, có luật về bảo vệ môi trường, nhưng khi công ty Vedan phá môi trường sông Thị Vải, lại không thể xử được v.v… Các luật chồng chéo nhau và kém hiệu lực thi hành.

Tách hai Bộ lớn nhất là Công Thương và Nông nghiệp

Tách hai Bộ lớn nhất là Công Thương và Nông nghiệp

Bộ máy nhà nước cũng có không ít vấn đề, ta đã nhập các bộ chuyên ngành thành những bộ liên ngành, theo mô hình các nước trong khu vực. Tuy nhiên, có sự khác nhau quan trọng, các bộ liên ngành ở các nước chỉ có nhiệm vụ hoạch định chiến lược, chính sách phát triển, kiểm tra, giám sát việc thực hiện…

Ở Việt Nam, các bộ còn phải chịu trách nhiệm quản lý các Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Chẳng hạn Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm quản lý tất cả các ngành công nghiệp, thương mại, và tất cả các doanh nghiệp nhà nước trong 2 ngành đó. Đó là một khối lượng công việc quá lớn, vượt quá khả năng quản lý của một bộ, do vậy dễ có những sơ hở. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng vậy. Ngân hàng Nhà nước chưa phải là ngân hàng Trung ương có quyền độc lập.

Sự phân cấp giữa Trung ương và địa phương cũng có những bất hợp lý. Các tỉnh của Việt Nam quá nhỏ, khoảng trên dưới 1 triệu dân, trừ Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và một vài tỉnh lớn. Nhưng các tỉnh dường như đang phát triển theo hướng xây dựng những nền kinh tế độc lập, tỉnh nào cũng xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế, cũng có sân bay, bến cảng, sân gôn, trường đại học… trái với nguyên tắc hiệu quả - phát triển công nghiệp phải tập trung, liên ngành mới có hiệu quả, phát triển giáo dục cũng phải tập trung mới có chất lượng; xây dựng kết cấu hạ tầng không thể khép kín trong địa giới tỉnh, mà phải tính trên phạm vi vùng và cả nước.

Cách điều hành, quản trị nhà nước tuy đã giảm bớt tính mệnh lệnh hành chính, nhưng vẫn còn nhiều, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ.

Khả năng kiểm soát quyền lực Nhà nước rất hạn chế, nên dễ có tình trạng lạm quyền.

Do vậy yêu cầu tái cơ cấu thể chế theo hướng xây dựng một hệ thể chế hiện đại đang là một yêu cầu cấp bách có thể có những định hướng xây dựng thể chế sau đây:

Thứ nhất, những thể chế kinh tế thị trường đặc biệt là trong lĩnh vực tiền tệ - tài chính nên theo thông lệ quốc tế, nghĩa là lựa chọn các luật tiên tiến tốt nhất điều chỉnh chút ít và ban hành. Các nước phát triển bứt phá trong khu vực đều đã làm như vậy, từ Singgapore đến Hàn Quốc.

Thứ hai, những luật pháp về quan hệ quốc tế đối ngoại cũng nên theo các thông lệ quốc tế, lựa chọn một số nước có hệ thống quan hệ đối ngoại tốt nhất để học tập.

Thứ ba, về hệ thống luật pháp chính trị, nên có luật về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện chế độ kiểm soát quyền lực, đổi mới hệ thống bầu cử đảm bảo nguyên tắc dân chủ - cạnh tranh trong cả ứng xử và bầu cử.

Thứ tư, đào tạo đội ngũ cán bộ giỏi trong việc xây dựng hệ thống luật pháp trên tất cả các lĩnh vực.

Thứ năm, tách hai bộ lớn nhất hiện nay - Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ra thành các bộ chuyên ngành nhỏ hẹp hơn, thu hẹp hơn khu vực DNNN về giới hạn cần thiết và giao cho một bộ chuyên quản lý các DNNN, xây dựng ngân hàng Trung ương độc lập thay cho ngân hàng nhà nước hiện nay.

Thứ sáu, xây dựng cấp chính quyền ở các vùng kinh tế, chịu trách nhiệm quy hoạch phát triển vùng, xây dựng quản lý các khu công nghiệp, các kết cấu hạ tầng, các trường đại học tập trung ở vùng, giải thể chính quyền cấp huyện, mở rộng phạm vi các xã.

Thứ bảy, xây dựng cơ chế thúc đẩy sáng tạo, khuyến khích đầu tư cho nghiên cứu - triển khai, trọng dụng nhân tài, đề bạt cán bộ dựa các công tích mà cán bộ đạt được, đề cao trách nhiệm cá nhân.

Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức nhưng thách thức lớn nhát, phức tạp nhất - chính là thách thức về sự bất cập của tư duy phát triển, của hệ quan điểm phát triển, của thể chế. Nếu không giải quyết vấn đề này một cách phù hợp, đảm bảo Việt Nam phải tiến cùng thời đại về cả tư duy và hành động, thì nguy cơ tụt hậu xa hơn là điều khó tránh khỏi.

TSKH Võ Đại Lược

(Trung tâm Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang