Đem tàu ngầm hạt nhân sang vùng Vịnh, Trung Quốc muốn răn đe Mỹ?

author 15:08 01/11/2014

Lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc vừa công khai thực hiện chuyến hành trình đầu tiên qua Ấn Độ Dương và áp sát khu vực vùng Vịnh, vốn gồm nhiều đồng minh của Mỹ, trong một động thái được cho là phô trương sức mạnh quân sự dưới đáy đại dương.

Theo tờ Nezavisimaya Gazeta của Nga, Trung Quốc đã điều động Changzheng 2, một tàu ngầm hạt nhân lớp Hán, type 091 tới Sri Lanka và vùng Vịnh hồi tháng trước, và động thái này chính là màn phô diễn năng lực điều động lực lượng của hải quân quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).

Theo báo cáo của Viện hải quân Mỹ, hải quân Trung Quốc sở hữu 77 tàu tấn công mặt nước, hơn 60 tàu ngầm, 55 tàu đổ bộ và khoảng 85 tàu nhỏ trang bị tên lửa. Trong số tàu ngầm trên có cả những chiếc chạy bằng nhiên liệu thông thường đã lạc hậu và các tàu ngầm hạt nhân có thể mang tên lửa đối hạm. Trong số này, uy lực nhất là 3 chiếc tàu ngầm Type 094, có khả năng mang theo tên lửa đạn đạo JL-2 thế hệ hai. Đây là các tên lửa liên lục địa có tầm bắn 8000 km.

Hai tàu ngầm Type-094 của Trung Quốc tại đảo Hải Nam

Hai tàu ngầm Type-094 của Trung Quốc tại đảo Hải Nam. Ảnh minh họa

Thông tin tàu ngầm Trung Quốc vượt qua eo biển Malacca giữa Malaysia và Indonesia để tiến sang Ấn Độ Dương, và Vùng Vịnh được đánh giá là một bước tiến lớn nữa của hải quân nước này trong tiến trình hiện đại hóa và vươn tầm ảnh hưởng ra toàn cầu.Hồi đầu năm nay, một bản báo cáo của hải quân Mỹ ước tính hải quân Trung Quốc đang sở hữu các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo đầu đạn hạt nhân có thể vươn tới Mỹ từ giữa Thái Bình Dương.

Hải quân Trung Quốc có những kế hoạch đầy tham vọng cho 15 năm tới, để hiện đại hóa nhanh chóng lực lượng tàu mặt nước và tàu ngầm, cũng như các vũ khí và cảm biến trên biển, báo cáo của Văn phòng tình báo hải quân Mỹ (ONI) cho biết. Đầu năm nay, ONI trong một báo cáo đánh giá về hải quân Trung Quốc cũng khẳng định, hải quân của nước này đã chuyển mình từ một lực lượng chỉ hoạt động ven bờ, trở thành một lực lượng có thể thực thi rất nhiều sứ mệnh, bao gồm “việc ngày càng có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa Trung Quốc đại lục hàng trăm dặm”.

ONI cũng bày tỏ sự lo ngại trước sự lớn mạnh nhanh chóng của lực lượng tàu ngầm Trung Quốc, trong đó có các tàu ngầm lớp Jin, trang bị tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân, dự kiến sẽ bắt đầu các chuyến tuần tiễu mang tính răn đe từ năm nay. Việc triển khai hoạt động tàu ngầm Jin “sẽ lần đầu đánh dấu năng lực thực hiện tấn công hạt nhân đợt hai của Trung Quốc”, bản báo cáo khẳng định.

Những tàu ngầm này có thể phóng tên lửa đạn đạo JL-2, có tầm bắn đủ “để cho phép Jin tấn công Hawaii, Alaska và có thể các vị trí bên bờ Tây của lục địa Mỹ từ các vùng biển Đông Á”, ONI nhận định. Nhìn chung, hạm đội tàu ngầm Trung Quốc đã nhanh chóng cải tiến công nghệ tấn công trong vòng 10 năm qua. Cách đây một thập niên, chỉ một vài tàu ngầm của Trung Quốc có thể phóng các tên lửa đối hạm hiện đại. Giờ đây hơn một nửa tàu ngầm tấn công thông thường của nước này đã được cải tiến để có thể bắn loại tên lửa này.

Giới chuyên gia đặt ra nhiều nghi vấn trước thông tin Trung Quốc đưa tàu ngầm đến vùng vịnh

Giới chuyên gia đặt ra nhiều nghi vấn trước thông tin Trung Quốc đưa tàu ngầm đến vùng vịnh. Ảnh Chinese Defence

“Các tàu ngầm tấn công trang bị tên lửa dẫn đường type-095 mà Trung Quốc có khả năng đóng mới trong thập niên tới còn có thể được trang bị khả năng tấn công trên bộ”, bản báo cáo lưu ý. Điều này sẽ giúp củng cố năng lực của các tàu ngầm Trung Quốc trong việc tấn công các căn cứ của Mỹ trong khắp khu vực.

Theo một nhà phân tích, Trung Quốc có vẻ như đang cố gắng định vị mình là một siêu cường hạt nhân toàn cầu, có khả năng vừa triển khai sức mạnh vượt trội trong khu vực, vừa hoạch định sức mạnh ra toàn thế giới. “Trung Quốc rõ ràng đang theo đuổi chiến lược lăn đe hạt nhân của một cường quốc. Họ đang tiến bộ dù không thực sự nhanh, nhưng đủ để đảm bảo cho quân đội thực thi 2 sứ mệnh, khả năng răn đe được đảm bảo và quan tâm tới việc phô trương sức mạnh như một siêu cường”, Daniel Goure, phó chủ tịch Viện Lexington, Mỹ cho biết.

Những thập niên qua, quân đội Trung Quốc chú ý nhiều hơn tới khu vực, thay vì các tên lửa đạn đạo liên lục địa. Nhưng giờ điều này sẽ thay đổi do tham vọng ngày một lớn, sự phát triển công nghệ ngày một nhanh và quá trình hiện đại hóa quân đội, Goure giải thích thêm. Dù vậy chuyên gia này cho rằng, hải quân Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài phía trước để có thể sánh kịp với Mỹ.

“Liệu họ có thực sự đi trên con đường trở thành một đối thủ cạnh tranh với hải quân Mỹ không? Việc này rất tốn kém và khó khăn, nhất là khi kinh tế của họ đang giảm tốc”, Goure nhận định.

Theo Dân Trí

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang