Đến Bắc Kạn thưởng thức đặc sản

author 07:32 07/03/2013

(VietQ.vn) - Cũng giống như những tỉnh khác trên dải đất hình chữ S, người dân Bắc Kạn luôn rất tự hào về văn hóa ẩm thực của quê hương. Đến đây, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn "không đụng hàng"

Miến dong Na Rì

Miến dong Na Rì là đặc sản nổi tiếng của Na RÌ- Bắc Cạn. Sợi miến được làm từ bàn tay khéo léo của người dân nơi đây nên giữ nguyên màu sắc tự nhiên vốn có. Sợi miến có màu vàng hoặc trong đục, sợi dai và giòn để lâu cũng không bị nát, đây cũng là nét đặc trưng khiến nhiều người yêu thích món ăn dân dã này.

 

Miến dong Na Rì được làm từ cây dong riềng, từ lâu là mặt hàng nông sản truyền thống của một số thôn thuộc xã Côn Minh- Na Rì- Bắc Cạn. Miến dong được làm thủ công từ những củ dong riềng trồng trên đèo Áng Tòong ở độ cao trên 1000 m ,với bàn tay khéo léo của những người dân tộc. Sợi miến có màu tự nhiên do không dùng hóa chất, sợi miến khi nấu có vị dai, giòn và thơm của dong riềng. Từ miến dong có thể chế biến nhiều món ngon và dễ ăn.

Rau sắng

Không giống như các loại rau khác chỉ cần trồng ngày một ngày hai là được hái lá, rau sắng từ khi trồng đến khi được hái lá lần đầu tiên phải sau ít nhất là 3-5 năm, và sau 10 năm mới được thu hoạch với số lượng lớn. Cây sắng cao hơn đầu người, cành lá sum sê. Cuối mùa đông cây ngót rụng hết lá già, mùa xuân, khoảng tháng tháng 2, cây bắt đầu ra những đọt lá non đầu tiên, và đến tháng 3 tháng 4 là mùa thu hoạch ngọn, lá và cả những chùm hoa.

 

Lá non rau sắng có mầu xanh thẫm, óng ả, ra hết lớp này đến lớp khác và ra nhiều nhất vào tháng 2-3 âm lịch hằng năm. Lá rau dùng để nấu canh với thịt hoặc cá. Mùi vị của loại rau này rất đậm đà, chỉ cần một vài cọng cũng đã đủ để có thể nấu bát canh thơm ngon cho 4 người ăn.

Theo kinh nghiệm của người dân, phải ăn canh rau sắng nấu suông, nêm một chút muối, chậm rãi nhai kỹ từng chiếc lá nhỏ, thưởng thức thật sâu, thật kỹ vị ngọt, vị bùi khó tả của nó thì mới cảm nhận được hương vị đặc biệt của cây rau sắng. Những cây rau sắng đực cho những chùm rồng rồng. Loại này có thể nấu canh và ngon hơn nữa là xào với thịt bò.

Quả sắng hình bầu dục, to như quả nhót, khi chín có mầu vàng sẫm, ăn có vị ngọt đượm như mật ong. Hạt của quả sắng sau khi bóc vỏ đem ninh với xương rất thơm ngon, có vị ngọt, bùi. Điều đặc biệt nữa là rau có sẵn vị ngọt không cần tra mì chính trước khi ăn. Bạn hãy nhớ là nấu cả cọng.

Rau sắng nổi tiếng nhất là rau sắng chùa Hương, tuy nhiên bạn cũng có thể tìm mua loại rau sắng rừng vào mùa rau rừng (khoảng tháng 3, tháng 4 âm lịch) ở chợ Bắc Kạn. Người dân vùng cao Bắc Kạn mùa này quẩy từng giậu sắng trên núi cao mang về. Những bó rau xanh mướt được bảo quản cẩn thận trong giậu phủ lá chuối để kịp cho ngày chợ phiên bắt đầu từ buổi sáng tinh sương hôm sau. Bạn sẽ dễ dàng tìm mua được một mớ rau sắng tươi ngon, xanh mướt ngay giữa lòng thị xã Bắc Kạn. Những người buôn bán chuyên chở về thị xã thứ rau này từ khắp các huyện trong tỉnh như: Ngân Sơn, Ba Bể, Bạch Thông…

Và khi chế biến loại rau này, có lẽ chẳng nên cầu kỳ cá thịt, cứ nấu suông với nước và muối thôi để tận hưởng hết cái hương vị thuần khiết núi rừng.

Bánh gio Bắc Kạn:

Bánh gio đã có ở Bắc Kạn hàng trăm năm. Làm bánh gio cầu kì đòi hỏi người làm phải khéo tay, tinh mắt . Muốn làm bánh được ngon ta phải bắt đầu từ khâu chọn loại cây đốt thành gio trắng mịn đem hoà với nước vôi có nồng độ thích hợp, quan trọng nhất là khâu thử độ đậm nhạt của nước gio trước khi ngâm gạo .

 

Nếu nước gio đậm quá bánh sẽ chát không thể ăn được, còn nhạt quá sẽ làm bánh nhão. Gio để làm bánh cũng được chế biến từ chất liệu đặc biệt, được nghiền nhỏ rồi lọc từng giọt như pha cà phê phin. Để có đủ gio làm một mẻ bánh phải lọc mất 10 tiếng. Nước gio trong được đun nóng rồi đổ gạo xuống ngâm chừng 7 tiếng là có thể gói được bánh.Gạo để gói bánh phải là nếp rẫy vừa dẻo vừa thơm. Lá để gói bánh phải là lá chít bánh tẻ, chỉ có lá chít mới làm cho bánh có mầu vàng sáng và dễ bóc , khi ăn bánh có mùi thơm rất đặc trưng . Thứ nước mật để chấm bánh được làm bằng đường mía được trồng trên đất cát, canh lên bảo đảm sánh, thơm và có mầu vàng sậm .

Bánh gio ngon là phải mịn, dẻo, dai và có vị đậm đặc trưng, mát, lành và để được rất lâu .Trưa hè oi bức bóc chiếc bánh gio chấm mật mới cảm nhận được hết hương vị của đặc sản này .

Chân giò hầm:

Món thịt lợn từ lâu đã rất quen thuộc với mỗi gia đình bởi từ nó người ta có thể chế biến ra nhiều món ăn rất ngon và hợp khẩu vị .chân giò hầm cũng là một món đặc biệt được chế biến từ thịt lợn .Cách làm món ăn này cũng rất công phu . người chế biến phải lựa chọn nguyên liệu thật ngon, chân giò phải nặng khoảng 1,5kg trở lên, hơ lửa cho sạch lông và chân giò có màu vàng đều .Dùng dao sắc lạng rút bỏ bớt xương ống ,ướp gia vị, thêm chút hạt sen,nấm hương và lá mắc mật thái nhỏ .

 

Thời gian tẩm ướp khoảng 30 phút cho gia vị thấm đều . chân giò được đựng trong âu có nắp và hấp cách thuỷ trong thời gian khá lâu khoảng 5 tiếng đồng hồ . Khi ăn bày ra đĩa hoặc bát tô điểm thêm hoa ớt và vài cọng mùi sẽ rất hấp dẫn . Món chân giò hầm ăn rất ngon , khi thưởng thức bạn sẽ thấy có nhiều mùi vị thật đặc biệt mà chỉ ở món chân giò hầm Bắc kạn mới có , vị thơm mát của hạt sen, mùi thơm của lá mắc mật cùng gia vị, nấm hương, tất cả đều hoà quện trong miếng chân giò hầm thơm ngon . ở bắc kạn món chân giò hầm của huyện chợ Đồn là ngon hơn cả . chân giò hầm tuy được làm từ thịt lợn nhưng nó là món cỗ sang nên hay được dùng trong những bữa cỗ , cưới hỏi, họp mặt...

Tôm chua Ba Bể:

Tôm chua là món ăn ngon, có mặt ở nhiều nơi và nhiều vùng chế biến nhưng tôm chua ở Khang Ninh- Ba Bể có một hương vị rất riêng biệt của vùng miền núi Việt bắc. Du khách đến Bắc Kạn mà không được thưởng thức tôm chua Ba Bể thì thật sự đáng tiếc . Hiện nay cứ 5 ngày một phiên tôm chua được bày bán tại chợ Khang Ninh (trên đường du khách vào tham quan hồ Ba Bể) bởi lẽ nó không chỉ là món ăn quen thuộc của đồng bào miền núi nữa mà nó đã được nhiều du khách thập phương biết đến.

 

Ở vùng này người ta thường ăn tôm chua với thịt chân giò hoặc ba chỉ luộc kỹ thái mỏng, một đĩa khế chua, nem thính tai lợn, chuối xanh, búp đinh lăng, lá mậy sâu (loại cây trên rừng)...Quý khách đến đây giữa cảnh trời mây non nước của Ba Bể mà được nhấm nháp tôm chua thêm một chén rượu ngô nho nhỏ nữa sẽ thấy được cái cảm giác lâng lâng êm ái, thấm thía cái vị béo của thịt, vị cay của tỏi ớt ,vị thơm của riềng, của búp mậy sâu hoà quyên với vị ngọt của tôm thì quả là lý thú.

Chắc quý khách sẽ tò mò muốn biết cách chế biến tôm chua Ba Bể như thế nào mà có được hương vị đậm đà như vậy. Trước hết là cách chọn tôm: con tôm làm mắm chua phải đều nhau,mình tròn, béo, râu ngắn.

Con tôm mới bắt về còn đang nhảy tanh tách, nhặt hết rác, râu rửa sạch để cho ráo và xóc muối; đồ xôi chín (chọn loại nếp nương hạt tròn đều) dỡ ra giá để nguội sau đó trộn đều với men lá, thời gian để ngấm men tuỳ thuộc vào bí quyết mỗi gia đình; tỏi, ớt, riềng mỗi thứ một ít đập dập thái chỉ. sau đó trộn đều tôm, xôi và các loại gia vị trút vào vại đậy kín sau từ 7 đến 10 ngày ( theo thời tiết từng mùa) tôm bát đầu chua, đến ngày thứ 30 tôm bốc mùi thơm ngon lúc này theo khẩu vị mỗi người mà nêm thêm ơt, đường, bột ngọt. Sau một vòng du ngoạn Ba Bể du khách có thể tìm mua một vài hũ tôm chua mang về ăn dần hoặc biếu người thân của mình.

Tôm chua thường được ăn chung với thịt chân giò hoặc ba chỉ luộc kỹ thái mỏng, một đĩa khế chua, nem thính tai lợn, chuối xanh, búp đinh lăng, lá mậy sâu (loại cây trên rừng)…

Đến Ba Bể, sau khi du ngoạn, thưởng lãm cảnh trời mây non nước được nhấm nháp tôm chua thêm một chén rượu ngô nho nhỏ thì thật là thú vị. Cảm giác lâng lâng êm ái, thấm thía cái vị béo của thịt, vị cay của tỏi ớt ,vị thơm của riềng, của búp mậy sâu hoà quyện với vị ngọt của tôm như làm say lòng thực khách.

Bánh Coóc Mò:

Làm bánh là tập quán và sở thích của cư dân miền núi, dân tộc Bắc Kạn có rất nhiều loại bánh cả bánh cho ngày thường và bánh làm trong các dịp lễ tết như bánh nếp, bánh sừng bò, sủi dìn, bánh trứng kiến., bánh áp chao...

 

Coóc mò cũng là một loại bánh được bà con các dân tộc Bắc Kạn hay làm hơn cả. Mới nhìn qua nhiều người nhầm là bánh gio vì hình thức bánh coóc mò cũng giống như vậy . Bánh cũng được gói theo hình chóp nhưng lá gói bánh lại là lá chuối . Bánh coóc mò ăn có vị đậm và thơm bởi được làm từ gạo nếp nương và lạc nhân đỏ . Ăn không ngán vì dễ ăn và mùi vị hợp với nhiều người, bánh coóc mò rất hợp với những bữa điểm tâm buổi sáng. Bóc chiếc bánh xanh rền, ăn dẻo, thơm bạn mới thấy hết ý nghĩa của món bánh này. Nếu ghé Bắc Kạn bạn đừng quên thưởng thức món ăn giản dị mà hấp dẫn này nhé

Khâu nhục

Là món ăn đặc biệt mang đậm tính dân tộc của nhân dân Bắc Kạn. Ai đã một lần được thưởng thức thì khó có thể quên bởi mùi vị của món ăn rất hấp dẫn , không chỉ thơm ngon,béo ngậy mà còn rất bùi .

 

Món khâu nhục làm cũng lắm công phu, khoai được chọn phải là khoai môn Bắc Kạn, bên trong lòng khoai có vân màu tím . Thịt lợn phải là thịt ba chỉ ngon, luộc sơ qua,dùng tăm tre chọc bì thật kĩ ,tẩm ướp gia vị rồi đem quay, vưa quay vừa quết mật ong cho vàng bì . khoai cũng phải rán vàng . mọi thứ được xếp vào bát, cứ một miếng khoai,một miếng rhịt ,cho nhân được làm bằng thịt, nấm hương, mộc nhĩ ...đã xào lên trên hấp cách thuỷ khoảng 5 tiếng đồng hồ .

Thành phẩm khi xong được cho ra đĩa rất đẹp. Món khâu nhục làm cầu kì nhưng ăn lại rất ngon nên nhân dân Bắc Kạn thường dành vào những dịp đặc biệt như lễ tết, cưới hỏi và vào nhà mới . Chỉ cần thử một chút bạn cũng đủ cảm nhận được hết hương vị của món đặc sản này, vị béo ngậy của thịt, vị thơm của khoai dã hầm bở ... tất cả đều kết tinh trong món ăn. Ngưòi Bắc Kạn rất tự hào vì ngoài đặc sản cơm lam, bánh gio, tôm chua... còn có thêm món khâu nhục và họ không bỏ qua cơ hội để giới thiệu đặc sản của quê hương mình với thực khách gần xa .

Ngọc Anh
 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang