Đến Đăk Nông ngắm thác, thưởng thức đặc sản

author 15:22 01/03/2013

(VietQ.vn) - Đăk Nông không chỉ nổi tiếng với địa hình sông núi hùng vĩ, thác nước cao nằm sâu trong những cánh rừng xanh bạt ngàn cùng với nền văn hóa vô cùng đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc. Địa phương này còn được biết đến với những sản phẩm, đặc sản của đồng bào các dân tộc thiểu số...

Lá bẹp, đọt mây

Bao đời nay, mỗi khi đi rừng hay lên nương rẫy, đồng bào các dân tộc thiểu số Đăk Nông không quên hái về một số loại rau như đọt mây, măng, lá bép, cà đắng, rau dớn… để bổ sung cho bữa ăn của gia đình.

Có lẽ ấn tượng nhất phải nói đến đọt mây, khó tìm, khó thấy hơn măng, nhưng mùa nào cũng có. Ðồng bào thường lấy phần đọt có gai về làm thức ăn, khi bóc hết lớp vỏ cứng bên ngoài sẽ lộ ra phần thân non bên trong màu trắng nõn nà. Cách chế biến đơn giản nhất là luộc, xào hoặc nướng than. Cầu kì hơn thì dùng đọt mây để chế biến nhiều món như xào thịt bò, nấu canh thụt, gỏi…

Lá bép, đọt mây có bán nhiều ở chợ trong tỉnh

Ðặc biệt, các món ăn này không chỉ có mặt trong bữa ăn hàng ngày mà còn được trân trọng thưởng thức trong những lễ hội truyền thống. Song hành với đọt mây là lá bép hay còn gọi rau nhíp mọc nhiều ở bìa rừng, nơi ẩm thấp nên mỗi khi đi nương rẫy hay lên rừng, bà con hái về dùng. Lá bép non có màu đỏ phớt, dưới cuống lá màu xanh, khi nấu chín có vị dẻo, ngọt và bùi, thường dùng để nấu canh thụt chung với đọt mây, hay xào với các thực phẩm khác...

Không chỉ thơm ngon, lá bép còn cung cấp nhiều năng lượng, giúp phục hồi sức khỏe.

Cơm lam

Người ăn có thể cảm nhận cả mùi nếp thơm lẫn hương rừng trong miếng cơm lam. Nó chắc mà lại dẻo, bùi mà không cứng, ăn không biết ngán. Nhiều khi không có thức ăn kèm, người ta vẫn thấy rất rõ cái vị đậm đà của nó.

Cơm Lam chắc mà lại dẻo, bùi mà không cứng, ăn không biết ngán

Đặc sản của vùng đất bazan ấy được làm từ gạo nếp ngâm lẫn với lá thơm đêm trước, cho vào ống nứa non. Khi gạo đã đầy hai phần ba ống, người "đầu bếp" khéo léo đổ nước suối mát lạnh đựng trong những cái bầu khô đen bóng dốc vào từng ống một. Người ta tước những thẻ lá chuối già hườm hườm vàng đã tai tái héo bởi hơi nóng lửa hơ và bắt đầu vê từng cái nút cho từng ống nứa.

Những chiếc ống sau khi đã nạp đủ gạo và nước, được vùi vào bếp tro hồng. Tiếng những hạt lửa nhỏ nổ, tiếng nước reo li ti trong ống nghe thật ấm áp. Những hạt gạo dẻo bắt đầu giữ rịt lấy nhau, nước từ thành ống nứa ngấm dần vào từng hạt gạo...

Trong những ngày lễ hội, rượu ghè cột thành hàng, thịt nướng và muối ớt đã sẵn sàng. Những ống cơm lam cũng đã được bày ra. Mỗi người một ống, bốn ngón tay nhẹ nhành tách cái "nồi" lam ấy thành tư hoặc sáu vừa tầm cho một cái noãn cơm dẻo, đông kết nhô lên. Nó chắc mà lại dẻo, bùi mà không cứng, ăn không biết ngán.

Cà đắng

Cà đắng là một loại cà dại mọc nhiều trên rừng, trên nương rẫy, hiện nay đã được bà con trồng trong vườn nhà, ra quả quanh năm, trái cà dài, to hơn cà pháo của người Kinh, màu xanh.

Bạn hãy thử cắn một miếng để nghe vị đắng tứa vào chân răng và cảm nhận cái vị giòn ngọt ùa đến ngay sau đó

Loại cà này có thể ăn sống nên trở thành món ăn khá hấp dẫn với những ai thích vị đắng. Bạn hãy thử cắn một miếng để nghe vị đắng tứa vào chân răng và cảm nhận cái nghe vị giòn ngọt ùa đến ngay sau đó.

Cà đắng có mặt trong nhiều món ăn của bữa cơm đồng bào dân tộc như cà đắng nấu với cá khô, cá hấp hoặc tôm tép khô, cà đắng nấu ốc... Nếu mạnh miệng qua được đũa đầu tiên của những món cà đắng, bạn sẽ “nghe” được vị ngọt đằm thắm hòa với vị ngọt, vị mặn của cá khô, của tôm tép và vị cay xé lưỡi tạo nên một khẩu vị rất lạ, rất riêng của núi rừng.

Măng chua rừng

Trong những miếng ngon của rừng, măng chua cũng là một món ăn khoái khẩu của đồng bào dân tộc

Trong những miếng ngon của rừng, măng chua cũng là một món ăn khoái khẩu của đồng bào dân tộc. Măng tươi giã dập với ớt rồi đem ủ trong chộ sành, khoảng hai tuần sau, măng chua đến độ vừa dùng. Miếng măng giòn tan, cả nước lẫn cái đều có vị chua, cay, đắng, ngọt. Măng chua nấu với cá trê, măng chua nấu gà khiến bạn ăn quên no...

Cá lăng

Cá lăng được đánh bắt từ dòng sông Sêrêpôk, thịt cá không chỉ ngọt mà còn dai và thơm phức. Thêm một ống cơm lam, một đĩa gà nướng là bữa ăn của bạn đã mang đậm “chất” đại ngàn. Cá lăng được chế biến thành nhiều món: chả cá, cá lăng nướng, cá lăng om chuối...

Để có miếng chả cá thơm ngon, nhà hàng phải kén những con cá lăng đen khỏe, vừa chắc thịt, ít xương lại ngọt. Cá được lọc bỏ sạch da và xương, thái miếng khuôn hoặc hình chữ nhật rồi tẩm ướp gia vị gồm nước cốt của riềng, nghệ quyện với mẻ, mắm tôm, nước mắm trong khoảng 1 giờ. Khi gia vị đã ngấm sâu vào từng thớ thịt của cá, xếp từng miếng cá vào vỉ, sau đó phết một lớp dầu và nướng trên than hoa.

Người đầu bếp phải nhanh tay lật giở cho đến khi nghe thấy tiếng xèo xèo của mỡ, cá chín vàng nổi màu men cánh gián, dậy mùi thơm thơm của thịt, của mẻ, ấy là lúc có thể lấy ra thưởng thức. Mắm tôm được lựa chọn rất kỹ, phải là loại mắm cá chất lượng tốt nhất, dậy mùi thơm và phải ngọt đậm đà. Khi ăn kèm với hành, thì là, một chút lạc rang sẽ cho ta một vị đặc trưng.

Cá lăng được đánh bắt từ dòng sông Sêrêpôk, thịt cá không chỉ ngọt mà còn dai và thơm phức

Món cá lăng nướng cũng tuyệt vời không kém. Khi những viên thịt cá nướng thơm ngậy, vàng rộm được xếp lên đĩa, nổi bật giữa màu xanh của chuối, rau thơm và bát nước chấm sóng sánh đủ sắc, chỉ nhìn thôi cũng thấy ngọt lịm nơi đầu lưỡi rồi. Đặt một miếng cá lăng lên bánh cuốn có sẵn rau sống, lát chuối xanh, khế, dứa, bún cuộn lại chấm nhẹ trong bát mắm đủ vị của tỏi, chanh, ớt đường pha vừa miệng. Tất cả cứ lan tỏa dần trên đầu lưỡi. Vừa ăn, vừa nhâm nhi một chút rượu mạnh cùng cà kê với bạn bè, gia đình thì còn gì thú vị bằng.

Nếu bạn muốn tìm cho mình một mùi vị thơm ngon của nước dùng, cá lăng om chuối là một lựa chọn thú vị. Màu đặc quánh ánh vàng của nước om, vị béo ngậy của miếng thịt ba chỉ quyện trong vị ngọt của cá lăng và mềm thơm của từng khoanh đậu, khoanh chuối khiến bạn khó có thể cưỡng lại. Để giữ được sự tinh túy và hương vị đặc trưng của món ăn lạ miệng ấy, tất cả phải được chuẩn bị công phu và tuân thủ theo một quy trình chế biến nghiêm ngặt theo công thức bí truyền của nhà hàng.

Không chỉ cầu kỳ trong khâu chế biến, món cá lăng om chuối cũng đòi hỏi sự tinh tế của người biết thưởng thức. Chầm chậm hít hà, húp những thìa nước dùng nóng hôi hổi để cảm nhận trước tiên vị thanh ngọt của món, rồi để hồn mình tan dần theo mỗi miếng cá thơm trong miệng, lâng lâng mùi mẻ quanh quẩn khắp chân răng mới thấy được cái tinh tuý trong thế giới ẩm thực của nơi đây.

Ngoài ra, thực khách phía Nam ưa món lẩu cá lăng, còn ở Đăk Lăk, Đăk Nông thì đặc sắc mà dân dã nhất là món lẩu cá lăng nấu lá dang. Đây là loại cây họ dây leo, mọc trong rừng, lá có vị chua thanh, khi nấu với cá, nó làm thịt cá chắc và không còn mùi tanh. 

Ngọc Anh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang