Đến đảo Phú Quý thưởng thức đặc sản biển

author 06:21 06/04/2013

(VietQ.vn) - Với sự phong phú của nguồn thực phẩm dồi dào từ biển và sự độc đáo của cách chế biến, ẩm thực Phú Quý làm vừa lòng cả những du khách khó tính nhất...

Cua mặt trăng

Đặc điểm của loài cua này là màu sắc rất độc đáo.Trên lưng cua có nhiều hình tròn màu đỏ đậm, pha vào màu hồng tươi. Vì những hình thù trên lưng cua tròn, nên người dân trên đảo ví nó như hình mặt trăng và đặt tên cho nó cái tên rất lạ là cua Mặt trăng.

Theo ngư dân đảo Phú Quý, cua Mặt trăng là loại hải sản sống ẩn náu trong các bãi đá san hô xung quanh các hòn đảo. Nhưng chúng thường chỉ xuất hiện theo mùa gió nam.

Các quán ăn trên đảo thi thoảng có loài cua này bán. Với giá hiện nay có thể lên đến 500-600.000 đồng/kg, nhưng không phải có tiền là mua được. Còn ở đất liền thì cao hơn nhiều lần.

Sở dĩ cua Mặt trăng quý hiếm vì thịt của nó rất săn chắc, nhiều đạm và thơm, ngon đến kỳ lạ. Khách đến đảo Phú Quý, nếu từng một lần được “xơi” món hải sản này khi nó vừa được hấp hoặc trên lò than nướng đem ra, sẽ không thể nào quên.

Cua Mặt trăng hấp, hoặc nướng chấm muối tiêu chanh thì không còn gì ngon bằng. Bây giờ không phải quán nhậu nào trên đảo cũng có cua Mặt trăng. Khách đến đảo mà biết hỏi cua mặt trăng tức là đã rất sành điệu về ẩm thực của hòn đảo này.

Giờ đây, cua Mặt trăng là “mốt” ẩm thực mới trên hòn đảo Phú Quý của Bình Thuận. Nếu ai từng một lần đến hòn đảo giàu sang của vùng biển Đông Nam bộ này (cách bờ biển Phan Thiết chừng 58 hải lý) hãy nhớ món hải sản cua Mặt trăng.

Da cá mú bông:

Da cá mú bông có gì mà dân gian phong đến hai cái nhất! Nói vui: Da cá mú bông đã được giải khôi nguyên về món ăn! Mời bạn về quê hương cá mú bông mà thưởng thức món ăn đặc biệt này. Mú bông sống ở vùng nước lợ, nơi giao tiếp hai dòng nước mặn ngọt. Con tôm cái ốc ở vùng này ngon nổi tiếng. Thế mà mú bông chỉ xơi toàn mồi sống; tôm rằn, tôm bạc, hay cua mềm, là tinh hoa của những thứ mồi hảo hạng, mú bông ngon ngọt, thơm tho hẳn là điều không mấy ngạc nhiên.

 

Ở Phú Quý là một trong những nơi nhiều mú bông nhất. Mới nhìn con mú bông giãy trên rổ là thích mắt rồi! Thân cá đẫy dà, trơn mướt tỏa ra một sức sống đến kỳ lạ. Thân cá màu đen rêu, lỗ chỗ những đốm vàng nghệ, đôi chỗ ngả màu cam, tưởng chừng mỡ cá muốn tươm ra.

Mú cũng cắn câu nhưng phương tiện đánh bắt mú vẫn là "chồ" và lưới. Để cá được tươi, ngư dân giữ cá trong lồng, ngâm trong nước treo bên mạn thuyền. Làm thế nào, khi đem cá đến chợ nó vẫn còn sống hay ít nhất phải tươi dù chợ xa. Là người nội trợ giỏi phải chú ý đến cá tươi. Mua được cá sống thì tốt, mua cá đã chết, phải biết con nào còn tươi.

Người ta chỉ nhìn qua đôi mắt cá, con nào còn ánh xanh là biết ngay, khỏi phải cầm cá lên xem độ cứng mềm hoặc xem mang cá. Cá tươi là lúc mỡ cá chưa "chạy" cá mới ngọt, thơm. Đem cá mú về phải làm thịt ngay. Cá mú ngon từ bộ lòng đến da. Món ăn thông thường là nấu chua hoặc xào chua ngọt với cà, khế và rau mùi. Nấu cá mú không cần dầu vì cá mú quá nhiều mỡ. Mỡ cá mú sông thơm mà không tanh, không hôi gành như mú biển. Cá càng lớn càng ngon.

Món ăn sang trọng và khoái khẩu của người phố thị là mú hấp, thường gặp ở đám cưới. Cá hấp thì tất cả hương vị được cô đặc lại trong thịt, trong lòng cá. Cái vị đậm đà, mùi thơm lừng lựng. Cá mú hấp với các vị thuốc bắc gồm: đại táo, câu kỷ, mộc nhĩ, bá hạp, hột sen và một ít bún song thằng, gia thêm ngũ vị hương. Món ăn rất hấp dẫn mà rất Tàu. Họ còn bảo rằng món này bổ tinh lực song ngon nhất vẫn là bộ da.

Những khi được con mú lớn, ngư dân lột lớp da phơi khô, để dành khi giỗ chạp hay có khách quý mới đem dùng. Da cá rất dày có khi đến 1cm. Lột da xong dùng những thẻ tre cật, hai đầu vót nhọn căng rồi đem phơi. Được vài ba nắng, thật khô mới chọn nơi khô ráo để treo. Thỉnh thoảng phơi lại khỏi mốc khi cần bà con cắt một phần, đem thái nhỏ từng miếng bằng mút đũa đem rang cát, ngâm nước một lát, rửa sạch để ráo. Da cá nở phồng như "hủ tiếu". Lạc rang vàng, rau răm thái nhỏ.

Tất cả trộn đều gia vị thêm ớt, tỏi, nước mắm ngon. Mới trông đĩa "bì cá" với sắc vàng bông lốm đốm những mảnh ớt đỏ là đẹp mắt rồi. Động đũa vào bạn mới thấy hết cái lạ lẫm. Miếng da dai dai, thơm mà béo, nhai vài lượt là thấy vị ngọt. Đúng là ngọt đến "chạy tọt xuống bụng". Bạn không giữ được cái cảm giác "ngậm nghe" đâu. Muốn tận hưởng cái ngon, bạn phải chờ đến miếng thứ hai, thứ ba. Cái hương vị đầu tiên giống như ăn lòng cá tràu (cá quả, cá lóc). Nó vừa dẻo thơm thơm mùi cá, rồi ngòn ngọt, béo béo. Nhấm một tí rượu, tưởng chừng hương vị trôi đi nhưng không, cái dư vị còn đọng lại ở hầu. Thảo nào người sành ăn như cụ Tản Đà đã thẫn thờ đến không muốn ăn khi lỡ tay làm rớt cái bao tử cá tràu.

Cá mú đỏ hấp gừng:

 

Món ăn hải sản dường như là cả một thế giới riêng thu hút người sành ăn. Trong đó Cá Mú đỏ được xem là đặc sản của vùng biển nếu tính về độ thơm ngon, thịt ngọt chắc và hương vị tự nhiên đậm đà khó quên của loài cá này, trong đó đặc biệt hơn cả là món Cá Mú đỏ hấp gừng.

Cá Mú được hấp với một ít gừng, hành hoa, nước tương và phải canh lửa sao cho vừa chín tới thì mới còn đủ mùi vị của cá.

Gỏi ốc:

Ốc giác là loại hải sản khá quen thuộc của người dân vùng biển miền Trung. Một con lớn trung bình từ 1,5 đến 2 kg. Từ ốc giác người dân ở đây chế biến ra nhiều món ăn, đơn giản nhất là món ốc giác luộc. Thịt ốc được cạo rửa sạch cho hết chất nhờn, mang luộc chín rồi xắt mỏng chấm nước mắm gừng, tỏi ớt pha sắn rất ngon.

 

Hấp dẫn hơn là món gỏi ốc giác. Luộc chín ốc rồi xắt sợi, cùng với thịt ba chỉ hoặc thịt lợn nọng (phần cổ) cũng luộc chín, xắt sợi. Đu đủ sống bào mỏng, rau răm xắt nhỏ, hành tây, đậu phộng rang, hành phi… nước mắm, tỏi, ớt, chua, ngọt.

Trộn đu đủ, rau răm, hành tây và ốc, thịt luộc, rưới nước giấm đường pha lẫn với nhau rắc đậu phộng và hành phi lên. Ăn kèm với bánh tráng nước, có nhà ăn với bánh phồng tôm.

Ốc giác mới đánh bắt lên bờ là ốc tươi, thịt ốc tiết ra chất nhờn thì thịt sẽ ngon ngọt hơn tự nhiên. Còn ốc khô ráo là ốc đánh bắt đã lâu ngày, thịt có mùi hôi.

Nếu bạn là khách phương xa, có dịp về Phan Thiết thăm quan, du lịch, mời bạn ghé vào các quán ăn đặc sản nơi đây để thưởng thức món gỏi ốc giác hấp dẫn này và bạn sẽ cảm nhận được hương vị thơm ngon của những món ăn miền biển khác nữa. Tuy đơn sơ nhưng qua bàn tay chế biến khéo léo của người dân nơi đây, món ăn trở lên phong phú và hài lòng mọi du khách gần xa.

Đến với vùng biển đảo Phú Quý, du khách không những được tham quan, nghỉ dưỡng, câu cá, tắm biển,… mà còn có dịp hiểu thêm về nét văn hóa đặc trưng của người dân nơi đây vừa thân thiện, hiền hòa lại mến khách, đặc biệt là được thưởng thức những món hải sản tươi ngon và trở thành những món ăn hấp dẫn đủ làm cho du khách nhớ mãi dù chỉ một lần đến.

Rau câu chân vịt (rau đá):

Loại rau này mọc bám sát xuống mặt rạng đá, san hô cùng các loài rong rêu khác nên các loài cá cũng khó tìm để ăn. Nó phát tán cũng không được mạnh và rộng lắm nên thu hoạch của người đi lấy cũng không cao.  Rau sau khi đem từ biển về sẽ được phơi khô rồi để cho dẻo, đập cho dập nát các hạt cát, đá, sạn, đem ngâm nước 3 đến 4 ngày rồi chà rửa sạch sẽ, ngâm lại khoảng 1 ngày nữa rồi vớt ra phơi khô).

 

Rau câu là thuốc chữa táo bón tốt nhất, tạo môi trường trong ruột hình thành sự cộng sinh để trực trùng phát triển, làm sự co bóp của ruột già nhẹ nhàng êm dịu, đều đặn, để tống chất bã ra ngoài dễ dàng. Rau câu là món ăn rất mát lại vừa bổ, nhất là cho người cao tuổi, khi nhu động ruột kém dần chức năng hoạt động gây táo bón. Những ngày tết, ăn uống nhiều dầu mỡ, dinh dưỡng thiếu chất xơ, ăn rau câu rất có lợi. Cách chế biến rất đơn giản, cho rau câu, đổ vừa nước vào soong nấu sôi cho tan ra, thả vào đó một ít lá me già hay lá non đều được, nấu sôi, gạn bỏ lá me, cho thêm đường vào, tắt lửa, để nguội, ta có một món ăn ngon gọi là xu xoa. Ngoài ra còn dùng làm mứt, kem…

Còn có một loại rau câu khác gọi là mơ (Sargassum), có màu nâu nhạt và có nhiều quả tròn nhỏ bằng hạt tiêu. Rau mơ dùng chữa bệnh bướu cổ, vì có nhiều I-ốt ở dạng hữu cơ, nấu nước uống hoặc hầm vớt thịt. 

Ngọc Anh (tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang