Hơn một nửa dân số Việt Nam đã sử dụng Internet

author 06:35 20/01/2017

(VietQ.vn) - Trong 10 năm qua, Việt Nam là một trong những thị trường công nghệ thông tin, viễn thông tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Đến nay, có khoảng 52% dân số Việt Nam sử dụng Internet.

Mở đầu chương trình làm việc ngày 19/1, trong khuôn khổ chuyến tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ, đối thoại với các tập đoàn thành viên WEF trong lĩnh vực công nghệ thông tin và một số lĩnh vực liên quan.

Thủ tướng gặp các tập đoàn thành viên WEF trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Ảnh: VGP.

Thủ tướng đã giới thiệu một số nét khái quát về tình hình kinh tế của Việt Nam năm 2016, một năm có nhiều khó khăn do thiên tai nhưng GDP của Việt Nam vẫn tăng 6,21%. Việt Nam hiện có quan hệ thương mại với hơn 220 quốc gia, vùng lãnh thổ, đã ký 12 hiệp định thương mại tự do (FTA).

“Thực hiện những cam kết trong các FTA sẽ làm cho môi trường đầu tư, kinh doanh Việt Nam thay đổi căn bản, thuận lợi nhiều hơn, phù hợp với cơ chế thị trường, tiệm cận với các thông lệ quốc tế. Điều đó giúp chúng tôi, đến năm 2020, sẽ có quan hệ thương mại tự do ưu đãi cao với 55 đối tác, bao gồm cả các nước G7 và 15/20 nước G20”, Thủ tướng nói. “Chúng tôi phấn đấu chuyển dần động lực tăng trưởng kinh tế sang các ngành có giá trị gia tăng cao, sử dụng nhiều công nghệ và lao động chất lượng cao”.

Thủ tướng cho rằng, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi diện mạo thế giới và phương thức chúng ta sống và làm việc. Tại Việt Nam, lĩnh vực công nghệ thông tin đang phát triển bùng nổ và từng bước “thông minh hóa” nhiều lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, y tế, giáo dục…

Trong 10 năm qua, Việt Nam là một trong những thị trường công nghệ thông tin, viễn thông tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Hiện nay, khoảng 60% dân số Việt Nam dưới 35 tuổi có khả năng tiếp cận nhanh với công nghệ mới. Đến nay, có khoảng 52% dân số Việt Nam sử dụng Internet.

Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu điện thoại, máy vi tính, máy ảnh và các loại linh kiện của Việt Nam đạt hơn 55 tỷ USD. Việt Nam nằm trong Top 10 khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Top 30 thế giới về gia công phần mềm (theo Tập đoàn CNTT Gartner 2015).

“Chúng tôi đang phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam sẽ nằm trong Top 10 thế giới về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số với khoảng 1 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin”, Thủ tướng nêu rõ và cho biết, một trong những chương trình ưu tiên trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017 mà Việt Nam đăng cai là tăng cường năng lực cạnh tranh trong kỷ nguyên số và đổi mới, sáng tạo về công nghệ thông tin là một động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu.

Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động phục vụ người dân, doanh nghiệp. Phấn đấu năm 2017 sẽ đạt các chỉ tiêu chủ yếu về môi trường kinh doanh thuận lợi bằng mức trung bình của 4 nước hàng đầu ASEAN (ASEAN-4).

H.NGUYÊN

‘Môn Toán chẳng quan trọng bằng lịch sử, địa lý hay văn hóa’(VietQ.vn) - Môn Toán, lý, hóa không có mấy tác dụng trong việc tạo lập các mối quan hệ vốn rất cần thiết để thành công trong xã hội.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang