ĐH Kỹ thuật được hỗ trợ nhiều tiền hơn ĐH Văn hóa

author 11:03 21/05/2014

Bộ GD&ĐT vừa công bố xin ý kiến rộng dự thảo Nghị định quy định phương thức và tiêu chí phân bổ nguồn ngân sách nhà nước chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục đại học.

Ưu tiên hỗ trợ đào tạo chất lượng cao

Mục tiêu của dự thảo Nghị định nhằm áp dụng cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho cơ sở đào tạo đại học công lập theo chương trình, mục tiêu; gắn phân bổ chi thường xuyên với nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo.

Đồng thời, thực hiện công khai, minh bạch trong phân bổ và sử dụng ngân sách nhà nước; tăng cường giám sát hoạt động chi tiêu ngân sách nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Phân bổ chi thường xuyên cho cơ sở giáo dục đại học công lập theo nguyên tắc: 

Ưu tiên hỗ trợ đào tạo chất lượng cao; đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu cấp thiết; đào tạo ngành mới và những ngành nghề ít hấp dẫn người học, khó tuyển sinh nhưng nhà nước và xã hội có nhu cầu sử dụng; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đại học.

Đảm bảo các sinh viên chính quy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập được thụ hưởng nguồn ngân sách hỗ trợ của nhà nước. 

Có sự phân biệt ngân sách nhà nước hỗ trợ theo ngành nghề đào tạo; điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học; vùng, miền đặt địa điểm cơ sở giáo dục đại học; mô hình tổ chức và hoạt động đặc thù của cơ sở giáo dục đại học và số lượng sinh viên dài hạn chính quy quy đổi.

3 yếu tố quan trọng nhất đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH

Tại tờ trình Chính phủ về dự thảo này, Bộ GD&ĐT nêu rõ: Đảm bảo điều kiện chất lượng giáo dục đại học bao gồm nhiều yếu tố, trong đó có 3 yếu tố quan trọng nhất là chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất kỹ thuật.

Việc lượng hóa chương trình đào tạo để đưa ra tiêu chí rất phức tạp, cần nhiều thời gian.

Vì vậy, dự thảo chỉ đề xuất lượng hóa yếu tố đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất bằng 2 tiêu chí:

Giảng viên/100 sinh viên đại học dài hạn chính quy quy đổi theo khối ngành đào tạo và tỷ lệ (%) giảng viên có trình độ tiến sỹ trở lên trên tổng số giảng viên của cơ sở giáo dục đại học.

Hệ số hỗ trợ của ngân sách nhà nước 

Hệ số ngân sách nhà nước hỗ trợ theo khối ngành đào tạo: Hệ số 1 áp dụng đối với sinh viên khối ngành kinh tế và dịch vụ; Hệ số 1,2 áp dụng đối với sinh viên khối ngành văn hóa;  

Hệ số 1,5 áp dụng đối với sinh viên khối ngành khoa học cơ bản; Hệ số 1,8 áp dụng đối với sinh viên khối ngành sư phạm; 

Hệ số 1,7 áp dụng đối với sinh viên khối ngành nông - lâm - ngư; Hệ số 2 áp dụng đối với sinh viên khối ngành công nghiệp, giao thông và xây dựng; 

Hệ số 2,5 áp dụng đối với sinh viên khối ngành nghệ thuật; Hệ số 4 áp dụng đối với sinh viên khối ngành y - dược. 

Hệ số hỗ trợ của ngân sách nhà nước theo chất lượng đào tạo: Hệ số 1 áp dụng đối với sinh viên cơ sở giáo dục đại học thuộc nhóm  trung bình; 

Hệ số 1,2 áp dụng đối với sinh viên cơ sở giáo dục đại học thuộc nhóm khá; Hệ số 1,5 áp dụng đối với sinh viên cơ sở giáo dục đại học thuộc nhóm tốt; Hệ số 2 áp dụng đối với sinh viên cơ sở giáo dục đại học thuộc nhóm xuất sắc. 

Hệ số hỗ trợ của ngân sách nhà nước theo vùng, miền: Hệ số 1,2 áp dụng đối với sinh viên học tập ở các cơ sở giáo dục đại học đặt địa điểm tại các tỉnh thuộc vùng trung du và miến núi phía Bắc, vùng Tây Nguyên và vùng đồng bằng sông Cửu Long quy định tại Nghị định số 92/2006/NĐ-CP của Chính phủ. 

Hệ số 1 áp dụng đối với sinh viên học tập ở các cơ sở giáo dục đại học đặt địa điểm tại các tỉnh, thành phố còn lại. 

Hệ số hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho đại học quốc gia, đại học vùng và đại học xuất sắc: Hệ số 1 áp dụng đối với sinh viên các trường không là thành viên của đại học quốc gia và đại học vùng; 

Hệ số 1,2 áp dụng đối với sinh viên các trường là thành viên đại học quốc gia và đại học vùng. 

Hệ số 1,5 áp dụng đối với sinh viên các trường đại học xuất sắc 

Dự thảo cũng quy định rõ các ngành, chuyên ngành được phân bổ kinh phí chi thường xuyên theo hình thức lập và giao dự toán dựa trên chương trình, dự án hoặc kế hoạch của nhà nước và định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng đào tạo do nhà nước quy định. 

Bao gồm: Ngành, chuyên ngành đào tạo ít có khả năng xã hội hóa; Ngành, chuyên ngành đào tạo khó tuyển sinh nhưng cần tiếp tục duy trì đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu đáp ứng mục tiêu phát triển dài hạn; Ngành, chuyên ngành đào tạo theo nhu cầu sử dụng của nhà nước;

Phân bổ chi thường xuyên cho ngành, chuyên ngành đào tạo không thuộc đối tượng quy định trên thực hiện theo hình thức lập và giao dự toán dựa trên số lượng sinh viên quy đổi và ngân sách nhà nước chi thường xuyên sau khi khấu trừ phần đã phân bổ cho các chương trình, dự án hoặc kế hoạch đào tạo của nhà nước. 

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách ngành, chuyên ngành đào tạo thực hiện phân bổ chi thường xuyên theo chương trình, dự án hoặc kế hoạch của nhà nước trong mỗi thời kỳ ổn định ngân sách.

Tiến tới cơ chế xóa bỏ cơ quan chủ quản trường ĐH, CĐ

Bộ GD&ĐT nhận định, văn bản sẽ nâng cao tính minh bạch; đổi mới nội dung quản trị tài chính của cơ sở giáo dục đại học; hạn chế từng bước và tiến tới chấm dứt các hiện tượng tiêu cực; phù hợp với xu hướng chung của các mô hình tài trợ tài chính cho giáo dục đại học của hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước; hỗ trợ được cho các cơ sở giáo dục ở các vùng có điều kiện khó khăn, cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao, các đại học quốc gia, đại học vùng và các trường đại học đặc thù (trường đại học suất xắc); phù hợp với xu thế phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục đại học theo quy định của luật giáo dục đại học.

Tăng tính chủ động cho cơ sở giáo dục đại học trong việc khai thác, huy động, sử dụng và quản lý các nguồn lực tài chính (đặc biệt học phí) để đầu tư phát triển đội ngũ và cơ sở vật chất kỹ thuật nâng cao chất lượng đào tạo; khắc phục tình trạng ỷ lại, trông chờ vào sự bao cấp của nhà nước.

Thúc đẩy các cơ sở giáo dục đại học đảm bảo chỉ tiêu số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số hạn chế như sự phối kết hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương không nhịp nhàng; cơ chế cấp phát ngân sách nhà nước cho các trường đại học và cao đẳng cần sự đổi mới...

Khắc phục hạn chế trên, tờ trình Chính phủ về dự thảo nêu rõ sẽ khắc phục theo hướng củng cố, tăng cường và từng bước đổi mới công tác thống kê-kế toán trong lĩnh vực giáo dục đại học theo hướng tăng trách nhiệm giải trình của mỗi cơ sở giáo dục đại học.

Xây dựng cơ chế phân công, phân nhiệm rõ ràng và nâng cao kỷ cương đối với các cơ quan chủ quản các trường và các cơ quan tổng hợp ở trung ương; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

Đặc biệt, sớm triển khai nghiên cứu tiến tới cơ chế xóa bỏ cơ quan chủ quản trường đại học, cao đẳng để mở rộng quyền tự chủ hơn nữa cho các cơ sở giáo dục đại học phù hợp với quy định của Luật giáo dục đại học.

Theo GDTĐ


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang