Dịch bệnh khiến nhiều hộ kinh doanh đóng cửa và câu chuyện giảm thuế, giá thuê mặt bằng

author 15:03 22/03/2020

(VietQ.vn) - Tại Hà Nội, dịch bệnh bùng phát khiến cho người kinh doanh điêu đứng. Nhiều khách sạn, nhà hàng phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Trong khi đó, giá mặt bằng thuê làm cửa hàng, khách sạn thì đắt đỏ.

Nỗi lo tiền thuê mặt bằng kinh doanh

Từ Tết đến nay khách sạn Minh Hưng của chị Nguyễn Thị Thanh (Đống Đa – Hà Nội) luôn trong tình trạng vắng khách. Nhân viên được chị Thanh cho nghỉ dịch đến 2/3. Những người đi làm chỉ phục vụ một số khách lẻ mỗi ngày. Doanh thu của chuỗi khách sạn này đang từ hơn 100 triệu một ngày giờ sụt giảm xuống chỉ 6 – 8 triệu một ngày, có ngày khác được hơn 10 triệu. Nhiều cơ sở trong hệ thống đóng cửa và chỉ còn hoạt động tại một địa chỉ duy nhất trên đường Trần Duy Hưng. Trong khi đó, giá thuê mặt bằng mỗi ngày chị Thanh vẫn phải đóng đầy đủ. Tuy nhiên, khi biết được khó khăn do dịch bệnh, người chủ cho thuê mặt bằng cũng đã đồng ý hỗ trợ chị Nguyễn Thị Thanh 50%.

“Giờ khách sạn hoạt động chỉ mang tính chất cầm chừng chứ thực sự doanh thu mỗi ngày không thấm vào đâu so với hàng thứ tiền phải chi xuất. Lượng khách lẻ cũng ít hơn bình thường nhưng là nguồn duy nhất trông mong của chúng tôi hiện tại. Khách du lịch thì hơn 1 tháng nay gần như không có, khách book phòng qua các trang thương mại điện tử giờ cũng hủy hàng loạt. Chúng tôi chỉ giữ lại một ít nhân viên đủ phục vụ lượng khách ít ỏi mỗi ngày còn lại đành cho tạm nghỉ. May thay giá thuê mặt bằng được giảm nếu không chúng tôi chỉ có cách đóng cửa”, chị Nguyễn Thị Thanh cho biết.

Nếu trước đây, câu chuyện thuê mặt bằng khó khăn nhất là tại những tuyến phố lớn của thủ đô thì bây giờ, biển hiệu cho thuê mặt bằng nhan nhản treo khắp các tuyến phố với ưu đãi hấp dẫn giảm giá 50% 6 tháng thuê đầu tiên. Thế nhưng dường như cũng không ai mặn mà.

Bà Nguyễn Thị Hương (Xã Đàn – Đống Đa) cho biết, chưa bao giờ bà khó khăn trong việc cho thuê mặt bằng như hiện tại. Bình thường khi người kinh doanh trả mặt bằng là ngay tập tức sẽ có người đến đặt cọc. Nhưng hiện tại treo biển cho thuê mặt bằng hơn nửa tháng nay cũng không thấy ai hỏi thăm. Và có hỏi thì họ cũng trả giá quá rẻ không thể cho thuê được. “Dù rằng hạ giá cho thuê 6 tháng liền để hỗ trợ dịch bệnh nhưng cũng không ai thuê. Bởi ai cũng sợ trước tình hình dịch bệnh phức tạp thì kinh doanh ế ẩm. Trong khi đó, nhà tôi 2 ông bà già không có lương hưu, trông chờ vào cho thuê mặt bằng. Nếu cứ kéo dài mãi như thế này chúng tôi đành mở tạm quán nước để bán sống qua ngày”, bà Hương than phiền.

Nhiều người kinh doanh vẫn cố cầm chừng để qua mùa dịch vì được chủ nhà hỗ trợ tiền mặt bằng. Nhưng nhiều người trót kí hợp đồng dài hạn chỉ mong nhanh đến kì thanh lý để trả mặt bằng vì không còn tiền duy trì cửa hàng.

Dịch bệnh khiến nhiều hộ kinh doanh đóng cửa hàng và câu chuyện giảm thuế, giá thuê mặt bằng

 Dịch bệnh khiến nhiều hộ kinh doanh nhỏ, lẻ cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

“Đọc trên các trang mạng thấy nhiều người được giảm tiền mặt bằng tôi chỉ ước nhà tôi cũng được giảm. Tuy nhiên, đến giờ phút này chưa thấy chủ nhà nói gì. Hiện tại tiền thuê mặt bằng là con số quá nặng nề với tôi. Tôi kinh doanh nội thất, dịch bệnh lượng đơn hàng giảm 80%. Doanh thu mỗi ngày không đủ trả lương nhân viên chứ nói đến cửa hàng thuê đắt đỏ. Nếu chủ nhà giảm 50% tiền thuê mặt bằng thôi là tôi cũng cố gắng gượng xoay sở vốn liếng. Nhưng chủ nhà không giảm như thế này tôi đành cho nhân viên nghỉ, đóng cửa và chờ ngày hết hợp đồng thuê nhà để thanh lý”, anh Nguyễn Văn H. (Cầu Diễn – Hà Nội) cho biết.

Dịch bệnh bùng phát rõ ràng không chỉ ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các công ty, tập đoàn lớn mà nhiều hộ kinh doanh nhỏ, lẻ cũng lao đao bởi hàng hóa ế ẩm trong khi vẫn phải gánh tiền thuê nhà, thuế, lương nhân viên…

Mới đây, Cục Thuế TP. Hà Nội đã thống kê, trong 2 tháng đầu năm có hơn 2.600 hộ kinh doanh giải thể, bỏ kinh doanh và 6.400 hộ kinh doanh nghỉ kinh doanh. Lượng doanh nghiệp giải thể, tạm nghỉ kinh doanh tăng từ 22-37,8%.

Cục Thuế vào cuộc

Không chỉ tại các cửa hàng riêng lẻ mà chính tại khu chợ lớn nhất thành phố - chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội), hàng trăm tiểu thương cũng gặp khó khăn. Các tiểu thương đã phải gửi đơn yêu cầu miễn giảm, hỗ trợ nộp tiền thuê ki-ốt.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó dịch COVID-19 đối với khu vực hộ, cá nhân kinh doanh, Cục Thuế TP. Hà Nội đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 25 chi cục thuế quận, huyện, thị xã trên địa bàn để đưa ra các biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Theo đó, Cục Thuế TP. Hà Nội căn cứ các quy định của pháp luật để hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại bởi dịch bệnh lập hồ sơ, gửi thủ trưởng cơ quan quản lý thuế trực tiếp đề nghị miễn tiền chậm nộp, gia hạn nộp thuế, nhất là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt may; điện tử, máy vi tính; sản xuất, lắp ráp ôtô; vận tải, kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải; dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức du lịch…

Đối với các cá nhân kinh doanh riêng lẻ có đơn xin giảm thuế khoán do thay đổi doanh thu vì tác động của dịch, Chi cục Thuế hướng dẫn, hỗ trợ, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ giảm thuế của cá nhân kinh doanh.

Đối với các trung tâm thương mại, các chợ có đơn xin giảm thuế tập thể, chi cục thuế khảo sát doanh thu theo từng ngành nghề, xin ý kiến tư vấn thuế của hội đồng tư vấn thuế, ban quản lý chợ để thực hiện theo đúng thực tế. Trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc phát sinh những vấn đề vượt quá thẩm quyền, các chi cục thuế báo cáo ngay để Cục Thuế có chỉ đạo kịp thời, bảo đảm đúng chủ trương và mục tiêu đã đề ra.

Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội Mai Sơn yêu cầu, các phòng, các chi cục thuế và toàn thể cán bộ, công chức ngành thuế tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy năng lực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao tại từng vị trí công tác; giao Phòng Kiểm tra nội bộ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật của cán bộ công chức, xử lý nghiêm trường hợp cán bộ công chức lợi dụng chính sách, làm sai quy định.

Đồng thời, các chi cục thuế đánh giá, phân loại báo cáo UBND quận, huyện, thị xã các khó khăn, vướng mắc để chia sẻ và có giải pháp phù hợp, hiệu quả, kịp thời tháo gỡ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế.

Lãnh đạo Cục Thuế yêu cầu các chi cục thuế cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người nộp thuế nắm bắt các chính sách tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, tạo điều kiện cho hộ kinh doanh an tâm kinh doanh. Đồng thời, cần đánh giá, phân loại đúng thực trạng, đúng tình trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ kinh doanh trên địa bàn, từ đó báo cáo UBND quận, huyện, thị xã các khó khăn, vướng mắc để chia sẻ và có giải pháp tháo gỡ phù hợp, hiệu quả. Trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc phát sinh những vấn đề vượt quá thẩm quyền, các chi cục thuế báo cáo ngay để cục thuế có chỉ đạo kịp thời, bảo đảm đúng chủ trương và mục tiêu đã đề ra.

Hoàng Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang