Dịch bệnh ‘Vũ điệu tử thần’ kỳ bí khiến bệnh nhân nhảy múa cho đến chết

author 16:03 16/09/2015

(VietQ.vn) - Thời trung cổ đã từng xảy ra một dịch bệnh kỳ lạ khiến bệnh nhân nhảy múa cho đến chết, dịch bệnh này thường được gọi là Vũ điệu tử thần, Dịch nhảy múa đến chết hay Điệu nhảy của Thánh John.

Sự kiện: Hiện tượng bí ẩn nổi tiếng thế giới

Bệnh Nhảy múa cuồng loạn (Dancing Plague), được biết đến với nhiều tên gọi như Vũ điệu tử thần, Dịch nhảy múa đến chết, Điệu nhảy của Thánh John, Điệu nhảy của Thánh Vitus, bắt đầu ở châu Âu lục địa từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 17, theo báo VnExpress.

Các triệu chứng của Vũ điệu tử thần là người bệnh sẽ bị thôi thúc khiêu vũ, nhảy hoang dã, ca hát tới mức không thể kìm chế dẫn đến tử vong, đám đông đổ ra đường trong trạng thái mê sảng tăng dần về số lượng. Dịch Nhảy múa đến chết lan truyền nhanh chóng, người xem cũng sẽ bị lây nhiễm, tự rời bỏ nhà tham gia, trong đó phụ nữ và trẻ em trở thành nạn nhân trực tiếp.

Vào đêm Giáng sinh năm 1027, 18 nông dân khi đang tham dự Lễ Giáng sinh tại Bernburg, Đức bắt đầu có dấu hiệu phát bệnh, nhảy múa và la hét liên tục. Hậu quả, 4 trong số này tử vong, số còn lại kiệt sức và mắc chứng run rẩy chân tay. Năm 1237, hơn 100 trẻ em ở Erfurt, Đức bị nhiễm dịch Nhảy múa đến chết, bắt đầu nhảy múa trên đường phố cho đến khi ngã quỵ. Nhiều trẻ trong số này tử vong, số sống sót lại mắc chứng run toàn thân vĩnh viễn. Tháng 6/1278 dịch “nhảy múa đến chết” bùng phát tại thị trấn Utrecht, Hà Lan, 200 người bắt đầu nhảy múa điên dại trên cầu Mosel làm cây cầu này bị sập, làm cho toàn bộ 200 người bị nước cuốn trôi.

Bệnh dịch Vũ điệu tử thần bắt đầu diễn ra từ thế kỷ 13-14 và suy yếu vào cuối thế kỷ 18

Bệnh dịch Vũ điệu tử thần bắt đầu diễn ra từ thế kỷ XIII-XIVvà suy yếu vào cuối thế kỷ XVIII

Một trong những trường hợp nổi tiếng nhất xảy ra ở thị trấn Aachen, Đức, vào ngày 24/6/1374. Lúc đó, đám đông nhảy nhót cuồng loạn qua các đường phố hàng giờ, thậm chí hàng ngày cho tới hàng tháng, đến khi họ đổ gục vì kiệt sức hoặc tử vong do lên cơn đau tim và đột quỵ. Số người đổ ra đường nhảy múa không kìm chế trong mỗi đợt dịch khi đó có thể lên tới hàng nghìn.

144 năm sau đó, vào năm 1518 tại Pháp, dịch bệnh bắt đầu từ một người phụ nữ có tên Frau Troffea, cô nhảy liên tục cả ngày lẫn đêm mà không hề tỏ ra mệt mỏi, cho tới ngày thứ sáu, cô gái đã kiệt sức mà chết. Sau đó, một người khác bắt đầu nhảy theo, rồi thêm một người nữa. Một tuần sau, người ta đếm được 34 người đã bắt chước hành động giống hệt như Troffea tại khắp các con đường của thành phố. Sự việc càng ngày càng trở nên kì lạ khi chỉ sau một thời gian ngắn, khoảng 400 người dân ở Strasbourg tham gia vào điệu nhảy này, và giống như những trường hợp trước, họ nhảy múa điên cuồng cho tới chết.

Đến nay đã hàng trăm năm trôi qua nhưng nguyên nhân gây dịch “hảy múa đến chết” vẫn là bí ẩn, thách thức đối với khoa học hiện đại. Trong thế kỷ 17, Nhảy múa đến chết đã được chẩn đoán là chứng múa giật Sydenham. Theo Thư viện Y khoa Mỹ, múa giật Sydenham là một triệu chứng cấp tính của bệnh sốt thấp khớp, thường gặp ở tuổi dậy thì. Trong khi một số triệu chứng hưng cảm nhảy lại giống với những bệnh nhân múa giật, gây kích thích như khi nhìn thấy thấy màu đỏ mà đến nay khoa học vẫn chưa lý giải được.

Bức tranh miêu tả ba người phụ nữ bị nhiễm bệnh Vũ điệu Tử thần vào năm 1518 của họa sĩ Hendrik Hondius

Bức tranh miêu tả ba người phụ nữ bị nhiễm bệnh Vũ điệu Tử thần vào năm 1518 của Hendrik Hondius. Ảnh Wikipedia

Một số nguyên nhân khác như bị ngộ độc nấm cựa gà (Ergot), gây ra ảo giác, co giật và thường do thay đổi thời tiết đột biến gây ra như lũ lụt và mưa nhiều làm cho nấm fungus claviceps purpura phát triển mạnh, loại nấm mốc này còn tìm thấy trên hạt lúa mạch đen. Một số vùng xảy ra dịch Nhảy múa đến chết trùng thời điểm loại nấm trên phát triển, nhưng có nơi lại không có.

Theo các nghiên cứu hiện đại sau khi phân tích sức khỏe tâm thần tại thời điểm diễn ra dịch Nhảy múa đến chết đã phỏng đoán, tất cả những người mắc bệnh là nhóm cuồng loạn bởi chứng hysteria, và bệnh tâm thần theo nhóm do stress thể nặng.

Giáo sư John Waller Đại học Michigan cho rằng, bệnh rối loạn tâm lý quần chúng này bắt nguồn tự sự mê tín dị đoan, phần lớn những người đang chết đói, không biết nương tựa vào đâu ngoài tín ngưỡng, sự sợ hãi tràn ngập trong tâm trí đã thôi thúc họ nhảy múa với niềm tin được Đấng Tối cao cứu rỗi.

Đinh Ly (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang