Dịch Covid-19 kéo tích lũy của Vietnam Airlines trong 4-5 năm về 0

author 16:28 02/03/2020

(VietQ.vn) - Tuần trước số máy bay thừa chỉ 20 - 30, thì tuần này có thể phải thừa 40 chiếc. Tính tổng cộng, 20.000 lao động ở trong và ngoài nước của hãng đang bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19.

20.000 lao động trong và ngoài nước đang bị ảnh hưởng

Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho rằng, hàng không thế giới nói chung đang bị kéo lùi 4 - 5 năm do dịch Covid-19, và Hãng hàng không quốc gia Việt Nam cũng không ngoại lệ, khi tích luỹ trong 4 - 5 năm qua của doanh nghiệp đã quay về con số 0 cũng bởi dịch này.

Ông Thành cho biết, cập nhật đến ngày 27/2, tình hình xấu đi gấp đôi so với báo cáo tại cuộc họp cách nay 10 ngày của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19.

Cụ thể, tuần trước số máy bay thừa chỉ 20 - 30, thì tuần này có thể phải thừa 40 chiếc. Dự báo được điều này sớm nên Vietnam Airlines cũng chủ động tìm đối tác cho thuê tàu bay, nhưng tháng 1 vừa qua, hợp đồng cho thuê 10 chiếc gần xong cũng phải huỷ bỏ.

Theo báo cáo của Vietnam Airlines, ngoài mất toàn bộ lượng khách Trung Quốc trong giai đoạn tạm ngừng khai thác đường bay Việt Nam-Trung Quốc, hãng cũng sẽ bị giảm lượng khách trên các đường bay quốc tế khác đi/đến châu Âu, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á... cũng như trên mạng bay nội địa do tâm lý lo ngại dịch bệnh (hiện đang có ngày càng nhiều đoàn khách đã thực hiện hủy chuyến).

Dẫn đến, Vietnam Airlines phải triển khai điều chỉnh phương án khai thác, hủy toàn bộ các đường bay thường lệ và thuê chuyến đi Trung Quốc, Macau, Hong Kong, giảm tần suất bay, giảm tải cung ứng trên các đường bay đi hầu hết các đường bay quốc tế khác.

“Việc cắt giảm khai thác làm giảm doanh thu, giảm lợi nhuận đối với hoạt động vận tải của hãng và 17 doanh nghiệp thành viên đồng thời gây ra những biến động lớn khác như về khai thác tàu bay, phi công, tiếp viên, tài chính, dòng tiền và các hoạt động với các bên cung ứng,” lãnh đạo Vietnam Airlines cho hay.

Trước tình hình đó, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết phải đàm phán với lao động người nước ngoài để họ nghỉ không lương trong một thời gian. Trước mắt, làm việc với phi công nước ngoài để họ nghỉ không lương 3 tuần. Phi công người Việt Nam cũng bố trí nghỉ 10 ngày đến 2 tuần. Cùng với đó, lương lãnh đạo cũng bị giảm 40%, lương của cấp dưới hơn là 30%, dưới nữa là 20%, nhân viên chưa áp dụng giảm lương nhưng sẽ nghỉ luân phiên để tiến tới giảm lương.

Từ ngày 24/2, Vietnam Airlines đã sơ tán các cán bộ, nhân viên không phải thực hiện khai thác nhiều về nước, số lượng nhân viên làm việc văn phòng đại diện của hãng tại Hàn Quốc chỉ duy trì con số tối thiểu. Tính tổng cộng, 20.000 lao động ở trong và ngoài nước của hãng đang bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19.

Rất nhiều thiệt hại kéo theo

Hiệp hội vận tải hàng quốc tế (IATA) từng dự báo thiệt hại nặng nhất Trung Quốc và ảnh hưởng thị trường lân cận, nhưng nay thêm Hàn Quốc và Nhật Bản nên hàng không rất khó khăn. Theo CEO Vietnam Airlines, thị trường Trung Quốc thì không gì có thể nặng hơn được nữa. Nước này có 3.800 máy bay thì nay 3.300 chiếc đang nằm một chỗ và phải sa thải 30.000 phi công, hiện 500 máy bay hoạt động chỉ đảm bảo giao thương, giá vé giảm 70%.

Ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc Tổng công ty cảng hàng không (ACV) cho biết thêm, khi dịch mới xảy ra với Trung Quốc, doanh nghiệp dự báo chỉ giảm 30 - 35% khách, nhưng 1 tuần gần đây khi Hàn Quốc bùng phát dịch, thì dự báo sản lượng khách giảm đã nâng lên con số 50 - 55%. Trong đó, khách quốc tế dự báo giảm 25 triệu, còn khách nội do khó có cao điểm hè, nên có thể giảm 20 triệu.

“Các hãng hàng không thiệt 1 thì ACV thiệt 1,2 - 1,5 lần. Bởi vì hoạt động của ACV liên quan đến toàn bộ hoạt động dịch vụ qua cảng”, ông Phiệt nói và bày tỏ trông đợi vào việc các hãng hàng không mở thêm đường bay mới.

Dù vậy, lãnh đạo ACV cho rằng, đây là thời cơ vàng sửa chữa hạ tầng, như 2 đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Bởi kinh nghiệm sau dịch Sars 2003 cho thấy, sau mỗi đợt dịch bệnh thường đón đầu đợt tăng trưởng mới.

Tại cuộc họp đánh giá thiệt hại ngành vận tải do dịch COVID-19 của Bộ Giao thông Vận tải vào ngày 27/2 vừa qua, thay vì dự kiến thiệt hại 10.000 tỷ đồng như cách đây nửa tháng, theo ước tính mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không trong nước sẽ thiệt hại, giảm doanh thu khoảng 25.000 tỷ đồng.

Trong trường hợp khả quan nhất, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 4/2020, Cục Hàng không Việt Nam đưa ra kịch bản tổng thị trường sẽ đạt 67 triệu khách (giảm 15,4% so với năm 2019). Trong đó các hãng Việt Nam vận chuyển được 12,7 triệu khách quốc tế (giảm 28,3%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 48 triệu khách (giảm 9,2% so với cùng kỳ).

Trong trường hợp xấu hơn, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6/2020, có tính đến hủy toàn bộ các chuyến bay đi, đến Hàn Quốc, tổng thị trường chỉ đạt 62,1 triệu khách (giảm 22,6% so với 2019). Trong đó, các hãng Việt Nam vận chuyển được 10,4 triệu khách quốc tế (giảm 41,2%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 45,7 triệu khách (giảm 17% so với cùng kỳ).

Việt Hoàng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang