Dịch Covid-19 khiến số vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp giảm

author 18:47 02/08/2020

(VietQ.vn) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến bất thường, 7 tháng đầu năm, Việt Nam ghi nhận có hơn 75,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 936,4 nghìn tỷ đồng, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy, tháng 7/2020, cả nước có 13,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 239,3 nghìn tỷ đồng; số lao động đăng ký là 91,4 nghìn lao động, giảm 3,8% về số doanh nghiệp, tăng 72% về vốn đăng ký và giảm 8,7% về số lao động so với tháng trước.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 18,1 tỷ đồng, tăng 78,8% so với tháng trước và tăng 60,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Nhìn chung 7 tháng cả nước có 75,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 936,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 598,6 nghìn lao động, giảm 5,1% về số doanh nghiệp, giảm 6,3% về vốn đăng ký và giảm 19,5% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đạt 12,4 tỷ đồng, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước.

 Số vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp giảm do ảnh hưởng từ Covid-19

Theo khu vực kinh tế, 7 tháng năm nay có 1.372 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước; có 22 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 2,1%; có 51,9 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, giảm 8,4%.

Trong tất cả các ngành, lĩnh vực hoạt động, bên cạnh ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản còn có ngành sản xuất, phân phối điện, nước, gas có số doanh nghiệp thành lập mới đạt 2.340 doanh nghiệp, tăng 190,7% so với cùng kỳ năm trước.

Các ngành còn lại đều có số doanh nghiệp thành lập mới giảm, như: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; xây dựng; công nghiệp chế biến, chế tạo; khoa học công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác... Trong đó, giảm mạnh nhất có lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi, giải trí (giảm 40,3%); kinh doanh bất động sản (giảm 23,9%); dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 21%).

Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang