Dịch Ebola: Còn quá sớm để Mỹ chuyển thuốc thử nghiệm đến Châu Phi

author 12:54 08/08/2014

(VietQ.vn) - Trước khi có thông báo của WHO về việc dịch Ebola đã lan tràn toàn cầu, tổng thống Mỹ cho rằng còn quá sớm để gửi thuốc thử nghiệm ZMapp đến vùng bệnh dịch

Theo tin tức mới cập nhật, Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết số người chết do dịch Ebola đã lên đến 932 trong tổng số 1.711 trường hợp nhiễm bệnh, chủ yếu ở các quốc gia Tây Phi như Guinea, Liberia và Sierra Leone. Chỉ riêng ở Liberia, đại dịch đã cướp đi sinh mạng của 292 người. Trong hai ngày 3 và 4-8 có tới 45 người thiệt mạng. Mới đây nhất một y tá ở Lagos (Nigeria) đã qua đời.

dịch ebola

Đến nay dịch Ebola đã cướp đi sinh mạng của gần 1000 người. Ảnh European Pressphoto Agency

Tổng thống Mỹ Barack Obama: Dịch Ebola chưa phải đại dịch toàn cầu

WHO cho biết tuần tới sẽ nhóm họp các chuyên gia quốc tế để quyết định xem có nên thông qua việc chữa trị bằng phương pháp thử nghiệm này không. Tuy nhiên Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng hãy còn “quá sớm” để đưa thuốc Zmapp tới châu Phi.

Phát biểu tại một cuộc họp báo vào cuối hội nghị thượng đỉnh châu Phi, Tổng thống Mỹ cho biết ông không có đủ thông tin khoa học để đồng ý phân phối loại thuốc thử nghiệm này đến các quốc gia đang bị dịch Ebola hoành hành. Tuy tình trạng của hai nhân viên y tế của Mỹ bị nhiễm bệnh ở Liberia khi được chữa bằng Zmapp đã khá hơn, nhưng không có bằng chứng rõ ràng về việc thuốc có vai trò chính trong việc này.

Ông nói thêm rằng ngay bây giờ chúng ta cần tập trung vào các phương pháp tiếp cận y tế công cộng, và ông sẽ tiếp tục tìm kiếm loại thuốc an toàn để sử dụng trong tương lai.

Tổng thống Liberia tuyên bố tình trạng khẩn cấp về dịch Ebola

Tại thủ đô Monrovia ở Liberia, nhiều thi thể nạn nhân bị vứt ngoài đường hoặc bỏ mặc trong nhà họ. Tổng thống Ellen Johnson Sirleaf khẩn nài sự giúp đỡ của thượng đế và ra lệnh tổ chức ba ngày cầu nguyện.

dịch ebola

Các biện pháp chôn xác, vật dụng của nạn nhân dịch Ebola ở các quốc gia Tây Phi vẫn chưa thực hiện hiệu quả. Ảnh BBC

Lệnh được ban bố gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Một số người cho rằng buổi cầu nguyện như đang thể hiện sự tuyệt vọng trước tình hình dịch bệnh đang gia tăng mất kiểm soát nhưng cũng có những người đồng tình vì buổi cầu nguyện là một nghi thức quan trọng giúp người dân trấn tĩnh lại trước biến cố và giữ tình đoàn kết, chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Hiện nay ở Liberia, các biện pháp chôn lấp người chết vẫn không được tiến hành đúng cách, khiến dịch bệnh càng dễ lây lan. Mối lo ngại đó đã lan ra khắp Liberia khi các nhân viên y tế đã bỏ việc vì sợ lây bệnh. Tình hình đã trở nên nghiêm trọng hơn khi Tổng thống Ellen Johnson Sirleaf tuyên bố tình trạng khẩn cấp hôm thứ Tư vừa rồi.

Trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống thông báo rằng trong 90 ngày tới nhà nước sẽ thi hành những “biện pháp đặc biệt để bảo vệ người dân trước tình hình bệnh dịch nguy cấp” như đình chỉ một số quyền công dân và cách ly người dân ra khỏi những vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi virus Ebola.

Mới đây nhà chức trách Mỹ thông báo hai nhân viên y tế Mỹ bị nhiễm bệnh ở Liberia đang cải thiện sức khỏe sau khi được điều trị bằng loại thuốc thử nghiệm Zmapp. Trước đó loại thuốc này mới chỉ được thử nghiệm trên khỉ.

Trong tuần này, Ngân hàng Thế giới cam kết sẽ hỗ trợ khẩn cấp 200 triệu USD để giúp Guinea, Liberia và Sierra Leone và các vùng có ổ dịch để cải thiện hệ thống y tế công cộng và giúp cộng đồng đối phó với tác động của cuộc khủng hoảng này.

Khuyến cáo phòng chống dịch Ebola ở Việt Nam

dịch ebola

Các chiến dịch tuyên truyền phòng chống dịch Ebola được thực hiện rộng rãi. Ảnh minh họa

Để chủ động phòng chống dịch bệnh do virus Ebola gây ra, không để xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế đã có một công văn khẩn, đề nghị Sở Y tế các địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại cửa khẩu để giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, lưu ý những người đến từ các quốc gia có dịch bệnh, đồng thời thực hiện tốt việc giám sát tại cộng đồng và tại các cơ sở y tế.

Khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do virus Ebola gây ra và có tiền sử đi về từ vùng có dịch trong vòng 21 ngày cần thực hiện ngay các biện pháp cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hoặc Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh để xét nghiệm khẳng định.Đến nay vẫn chưa phát hiện trường hợp nhiễm virus Ebola nào ở Việt Nam. Con đường lây nhiễm chỉ có thể từ những người nhập cảnh đến, hoặc trở về từ các quốc gia có dịch bệnh.

Tuy bệnh mới chỉ được phát hiện và khoanh vùng ở Tây Phi, nhưng nó chưa có dấu hiệu giảm và có nguy cơ lan truyền sang các nhiều quốc gia khác nên tất cả phải có một sự chuẩn bị chu đáo đối với việc phòng dịch, thực hiện đầy đủ các khuyến cáo trong công văn của Bộ Y tế, thiết lập quy trình chẩn đoán, xử lý sớm đề phòng bệnh dịch xảy ra.

Nguyễn Huyền (t/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang