Tăng giá cước 3G có đi kèm chất lượng?

author 14:34 17/10/2013

(VietQ.vn) -Thời gian gần đây, người tiêu dùng cho biết có sự đi xuống rõ ràng của dịch vụ 3G. Khách hàng lựa chọn gói 3G phổ biến sẽ phải trả thêm khoảng 40% trong khi vẫn bức xúc với chất lượng dịch vụ hiện nay.

Chưa đáp ứng nhu cầu

Báo cáo "Khảo sát mức độ hài lòng của người dùng 3G tại 3 thành phố Hà Nội - Đà Nẵng - Thành phố Hồ Chí Minh" công bố hồi tháng 5/2013 cho biết, chỉ có 55% người dùng cảm thấy hài lòng về tốc độ đường truyền mà mình sử dụng trong năm 2012 (tỷ lệ tương ứng công bố trong năm 2011 là 64%). Đặc biệt, có tới 26% người dùng không hài lòng và 19% người dùng rất không hài lòng về tốc độ đường truyền. Có tới 56% người dùng 3G mong muốn nhà mạng cải thiện hơn nữa tốc độ kết nối và chất lượng mạng. 

Trong khi đó, từ ngày 16/10 giá cước 3G của cả ba nhà mạng lớn sẽ đồng loạt tăng trung bình 20%, trong đó có gói cước tăng đến 40%. Cụ thể, các gói cước như Mimax của Viettel, gói Max của VinaPhone và MIU của MobiFone được điều chỉnh tăng thêm 20.000 đồng, đương tương 40% lên 70.000 đồng, từ mức 50.000 đồng hiện nay.

Với mức giá đã điều chỉnh của các gói cước trên, người dùng sẽ được hưởng dung lượng 600 MB ở tốc độ truy cập 3G chiều tải lên tối đa là 8 Mbps, chiều tải xuống 2 Mbps. Vượt quá mức dung lượng trên, tốc độ truy cập sẽ xuống mức trung bình thấp. Gói cước truy cập 3G trọn gói cho đối tượng học sinh - sinh viên cũng tăng lên mức 50.000 đồng/tháng. 

Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục viễn thông cho biết, 3 DN đã có văn bản đăng ký từ tháng 8, VMS MobiFone, Viettel và VinaPhone đăng ký điều chỉnh giá cước. Trong quá trình thẩm định, doanh nghiệp cần phải bổ sung, giải trình phương án chậm nhất là ngày 13/9/2013. Trên cơ sở giải trình của DN thì chúng tôi có văn bản chấp thuận cho các doanh nghiệp điều chỉnh giá cước, văn bản chấp thuận được ký cùng một ngày 4/10 nên có thể trùng thời điểm tăng giá của các doanh nghiệp. Chúng tôi không ấn định thời điểm tăng giá thành. Sự trùng thời điểm tăng giá có xuất phát điểm từ phía Bộ TT&TT.

Câu hỏi đặt ra là 3 doanh nghiệp có thị phần rất lớn. Đây là những DN chiếm thị phần khống chế nên phải cung cấp dịch vụ trên giá thành. Nếu 1 trong 3 DN hoặc các DN còn lại không có thị phần khống chế thì có thể cung cấp dịch vụ dưới giá thành. Không rõ DN có họp với nhau để ra cùng thời điểm hay không, nhưng xuất phát điểm từ phía Bộ là ban hành văn bản chấp thuận trong cùng 1 ngày.

Về việc tại sao Bộ TT&TT ra văn bản chấp thuận cho cả 3 DN trong cùng 1 ngày: khi chúng ta thẩm định phải nhìn bức tranh chung của cả thị trường Việt Nam, nhìn được sự cân đối của thị trường. Sau khi chúng tôi có đầy đủ giải thích, công văn đề nghị cuả doanh nghiệp thì mới có kết luận cuối cùng.

Phản ứng về việc này, trên các diễn đàn công nghệ trong nước cho rằng,  việc tăng giá cước 3G được người sử dụng cho rằng đây là hành vi độc quyền của các nhà mạng. Bởi họ đăng ký sử dụng khi đồng ý sử dụng gói cước 3G không giới hạn với mức giá 50.000 đồng/tháng. Nay các nhà mạng lại áp dụng mức tăng 40%, lên 70.000 đồng/tháng là độc quyền và không tôn trọng khách hàng. Cư dân mạng cho rằng khi điều chỉnh tăng cước các nhà mạng phải tham khảo ý kiến từ phía người tiêu dùng.

Nhiều người dùng cũng cho rằng nếu như đem giá dịch vụ 3G ở Việt Nam đi so sánh với các nước trên thế giới là khập khiễng bởi mức sống, thu nhập bình quân, tỉ giá đồng tiền khác biệt nhau.Trong khi phần lớn những khách hàng sử dụng 3G của các nhà mạng là tầng lớp sinh viên, việc tăng giá cước có thể sẽ kéo theo sự sụt giảm đáng kể về số lượng thuê bao sử dụng dịch vụ 3G hiện nay.

Chất lượng có được cải thiện hơn sau việc tăng cước?

Có thể thấy công nghệ 3G đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam và sẽ còn tăng trưởng mạnh trong thời gian tới đây, khi các thiết bị di động như smartphone, tablet ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, nếu chỉ lo phát triển số lượng thuê bao mà không để ý đến chất lượng dịch vụ thì ai còn muốn dùng 3G?

Về việc này, ông Hồ Đức Thắng – Phó Giám đốc Công ty VinaPhone cho biết. VinaPhone hiện có 8 gói cước có mức giá và dung lượng miễn phí trong từng gói khác nhau. Cũng như các nhà mạng khác, chúng tôi có những gói cước cơ bản dành cho đối tượng có nhu cầu thấp (người thu nhập thấp, sinh viên...) như những gói cước chỉ 10.000 đồng/tháng; 25.000 đồng/tháng hay 50.000 -70.000 đồng/tháng.... Tùy theo nhu cầu sử dụng của mình mà khách hàng có thể lựa chọn gói cước phù hợp.


Riêng với đối tượng sinh viên, VinaPhone cũng đưa ra chính sách ưu đãi tới 70% khi sử dụng gói cước không giới hạn. “Tôi muốn chia sẻ quan điểm, chất lượng dịch vụ thế nào thì giá tiền cũng phải tương ứng. Nhà mạng cung ứng dịch vụ cao thì giá tiền cũng phải cao, và ngược lại. Nếu khách hàng muốn sử dụng dịch vụ dung lượng lớn, chất lượng tốt mà chỉ muốn trả chi phí thấp thì chưa hợp lý. Về chính sách ưu đãi cho sinh viên, học sinh, đại diện MobiFone cho biết, MobiFone hiện có gói cước MIU với giá ưu đãi, giảm 40% cho thuê bao học sinh, sinh viên, với giá chỉ 50.000 đồng/ tháng. Khách hàng chỉ cần mang chứng minh thư, thẻ học sinh, sinh viên đến đăng ký sim Qstudent, Qteen tại cửa hàng MobiFone trên toàn quốc sẽ được hưởng gói ưu đãi này. Viettel cũng có gói cước ưu đãi dành riêng cho sinh viên Mimax với giá 50.000 đ, khách hàng được sử dụng 600MB lưu lượng tốc độ cao”, ông Thắng lí giải.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng Kinh doanh, Tập đoàn Viettel cho rằng, việc điều chỉnh giá data 3G là tín hiệu tốt cho thị trường viễn thông Việt Nam. Cái tốt này không chỉ cho nhà mạng mà cũng tốt cho lợi ích lâu dài của khách hàng, khi mà mạng lưới được mở rộng, công nghệ được đầu tư nâng cao,... để phục vụ khách hàng. Các dịch vụ nhắn tin paging, điện thoại thẻ,... bị lỗi thời do không chỉ về công nghệ mà còn do thu không đủ chi phí gây tổn thất cho các doanh nghiệp cũng như khách hàng.

Trong khi đó, ông Trung, Cục phó Cục viễn thông cho biết thêm, hầu hết các nước trên thế giới đến thời điểm này đều dựa vào cam kết của DN về chất lượng. Về chất lượng, chúng tôi sẽ làm thêm một bước chặt chẽ hơn đối với DN. Hiện nay chúng tôi đang xây dựng tiêu chuẩn về 3G. Vừa rồi, khi trả lời về chất lượng, DN giải thích vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng trên quan điểm DN. Về phía Bộ TT&TT sẽ xây dựng tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ, sẽ quy định rõ vùng phủ sóng,… sau này khi tiêu chuẩn được ban hành chúng tôi sẽ đánh giá chất lượng trên cơ sở này. Đây là 1 thách thức đối với các DN.Tất nhiên, tiêu chuẩn khi xây dựng, ban hành sẽ được Bộ TT&TT lấy ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp.

Bổ sung câu hỏi về chất lượng, sắp tới chúng tôi sẽ kiểm tra ngặt nghèo hơn. Nếu DN vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Đề nghị doanh nghiệp ngoài việc công bố gói cước thì phải công bố công khai cam kết về chất lượng cho khách hàng biết. Liên quan câu hỏi mức cước bao nhiêu? Chúng tôi không ấn định tăng bao nhiêu. Nhưng tính toán cho thấy đợt này trung bình giá cước tăng khoảng 20%. Thực ra có nhiều gói cước cho khách hàng lựa chọn. Thuê bao của Viettel có thể chọn gói giảm 40% chứ không nhất thiết chọn gói đắt. Nên chọn gói cước phù hợp với mình. Khi dung lượng tối đa với gói cước đã hết, nhà mạng có thông báo gói cước đã hết, khách hàng có thể mở rộng gói cước. Có thể có 1 gói cước tăng nhiều lần nhưng tùy thuộc túi tiền của khách hàng. Nhiều người quan tâm tốc độ tải dữ liệu thì quan tâm gói đắt. Thu nhập thấp thì quan tâm gói nhỏ. Hoàn toàn do lựa chọn của khách hàng: nhiều tiền vào nhà hàng đắt tiền, ít tiền vào hàng ăn bình dân.

Phan Mạnh (lược ghi)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang